Số liệu trường đại học, viện nghiên cứu 2007 - 2018 - Nguồn: Bộ GD- ĐT, tổng hợp từ tháng 8-2018
Nhưng khi nhìn vào lịch sử hoạt động của trường, thí sinh mới tá hỏa hai năm liên tục trước đó, trường cũng chiêu sinh 1.700-1.800 chỉ tiêu mà không tuyển được sinh viên nào.
Oái oăm hơn, dù đại học chính quy teo tóp, trường vẫn hoạt động được nhờ tuyển sinh ở hệ giáo dục thường xuyên và ở cả trình độ cao hơn là... thạc sĩ. Như vậy, đào tạo của trường đạt cơ cấu "tháp ngược": số học viên cao học gấp 5 lần và số sinh viên tại chức, từ xa gấp đến... 10 lần sinh viên đại học chính quy.
Việt Nam có bao nhiêu trường lạ lùng như vậy? Chất lượng giáo dục đại học đầy bất ổn liệu có phải một phần nguyên nhân từ chính những cơ sở giáo dục "không giống ai" này?
Trường yếu hay mạnh, chất lượng cao, hấp dẫn hay chỉ hoạt động lay lắt, cầm chừng, có lẽ không quá khó để định danh khi lựa chọn của thí sinh đã trở thành một thước đo tin cậy.
Nhưng bao năm qua, mục tiêu quy hoạch một hệ thống đại học mạnh, đầu tư đến nơi đến chốn cho trường trọng điểm, sáp nhập, hoặc thậm chí giải thể các trường yếu hầu như vẫn dừng lại ở tuyên ngôn của những nhà quản lý. Còn thực tế, như vị phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội khi lý giải cho quan điểm "không thể cho phép các trường đại học công lập mở ồ ạt" đã chỉ ra: "cho thành lập thì dễ, nhưng giải thể quá khó, hầu như chưa có trường nào bị giải thể...".
Sự dùng dằng trong quản lý, thiếu quyết liệt trong siết lại hệ thống sẽ để lại những trường yếu kém, vàng thau lẫn lộn. Còn đó những trường yếu, sẽ còn đó những kiểu "ký sinh" gây hại cho tương lai.
Đã có những trường cao đẳng "không sống được" tìm cách liên kết với các trường đại học "sắp chết" để đào tạo liên thông, liên kết với "miếng mồi" nhử thí sinh: sau cao đẳng học thêm một chút, chi phí rẻ, điều kiện dễ là được "tráng men" thành bằng đại học.
Chủ trương hình thành những trung tâm đại học mạnh, những đại học lớn gồm nhiều trường trực thuộc, hoặc sáp nhập các trường khác nhau thành đại học đa ngành cần được xem xét nghiêm túc. Việc sắp xếp không thể là cộng gộp cơ học, vì đâu thể cứ yếu ớt dựa vào nhau là khỏe mạnh. Một cán bộ quản lý chia sẻ "sáp nhập đôi khi còn làm suy yếu đi". Ngay việc sáp nhập sẽ vấp phải nhiều cản trở. Đó là vị trí quản lý sẽ bớt đi, ai sẽ nhường ai, đội ngũ giảng viên đông đảo phải sắp xếp lại thế nào... không xử lý khéo sẽ rối rắm, phức tạp.
Nhưng cứ thế đổi mới giáo dục phải nhường bước trước nguyên lý ngược đời "bán tương lai cho hiện tại", chỉ lo lắng sự xáo trộn ở trường phải sắp xếp lại mà chẳng quan tâm đến chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đất nước sau này?
Đã đến lúc hệ thống các trường đại học cần được tái cơ cấu dứt điểm, mạnh mẽ như chúng ta đã làm với doanh nghiệp nhà nước. Khi đó, chính các trường sẽ phải tự tìm lối ra, thay đổi để phục vụ đúng nhu cầu của người học và xã hội. Trong hành trình đổi mới đó, nếu thiếu vắng sự quyết liệt, bản lĩnh dám chịu trách nhiệm của các nhà quản lý, có thể 5-10 năm tới, câu chuyện tái cơ cấu các trường đại học sẽ lại vẫn dùng dằng như mới...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận