07/11/2014 11:26 GMT+7

​Không thất vọng khi báo tin cho Tuổi Trẻ

BÁ SƠN - ĐỖ QUYÊN
BÁ SƠN - ĐỖ QUYÊN

TT - “Vạch trần đường dây buôn thận xuyên quốc gia”, ““Dạy con” 4 tuổi đến chấn thương sọ não”, “Xe khách liên tục bị ném đá trên quốc lộ 14”...

Đó là những loạt bài từ thông tin bạn đọc đã tạo thêm “độ nóng” cho các trang báo Tuổi Trẻ trong tháng 9-2014.

Những ngày bé Kim Ngân phải nằm viện mà chưa có người thân, nhiều bà con ở khu nhà trọ đã chăm sóc bé - ẢNH: Bá Sơn
Những ngày bé Kim Ngân phải nằm viện mà chưa có người thân, nhiều bà con ở khu nhà trọ đã chăm sóc bé - ẢNH: Bá Sơn

Giải thưởng Bạn đọc làm báo cùng Tuổi Trẻ tháng đã trân trọng trao đến ba bạn đọc đã báo các tin nóng này, đặc biệt là với bạn đọc cung cấp thông tin và hướng dẫn phóng viên Tuổi Trẻ thâm nhập đường dây buôn bán thận (Tuổi Trẻ bảo mật câu chuyện báo tin của bạn đọc này).

Kết thúc có hậu cho bé Ngân

Thương các em phải bỏ học

Giải thưởng Bạn đọc làm báo cùng Tuổi Trẻ tháng 9-2014 cũng trao đến bạn đọc Trần Văn Chung, giáo viên Trường THPT Hoàng Văn Thụ (TP Nha Trang, Khánh Hòa), báo tin về câu chuyện “Bị cha mẹ ngăn cản, trò khai giảng ít hơn thầy” (Tuổi Trẻ Online ngày 5-9).

Khi gọi về thăm hỏi ba mẹ ở xã Hương Bình, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), ông Chung được biết các em học sinh đang học tại Trường THCS Hương Bình có nguy cơ phải nghỉ học vì phụ huynh không cho con đến trường để phản đối việc trường bị giải thể với lý do học sinh quá ít.

Hơn 200 học sinh của trường phải chuyển sang học ở hai trường thuộc xã khác, đường sá xa xôi vất vả hơn nên phụ huynh không có điều kiện đưa đón con đi học.

“Khoảng cách từ nhà đến ngôi trường đang học xa nhất cũng chỉ có 3km, nhưng đến hai ngôi trường mới gần nhất cũng đã 4km và xa nhất đến 11km.

Xã nghèo, phụ huynh khó khăn không thể đưa đón con đi học nên việc giải thể trường làm học sinh nơi đây bị thiệt thòi.

Thử hỏi một học sinh lớp 6 với khoảng cách trường xa như vậy phụ huynh có dám cho con đi học một mình hay không? Chưa kể là vào mùa đông, mùa lũ càng khó khăn gấp bội. Tôi thấy thương các em quá!” -

bạn đọc Chung bày tỏ lý do gọi điện báo tin cho Tuổi Trẻ và vẫn còn đau đáu với lời nhắn gửi: Tuổi Trẻ hãy tiếp tục theo câu chuyện này, đừng để các em phải bỏ học.

CHÂU TƯỜNG

Câu chuyện bé Trần Thị Kim Ngân (4 tuổi, ngụ P.Bình An, thị xã Dĩ An, Bình Dương) bị chính mẹ ruột và “chồng hờ” của mẹ bạo hành dã man đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của bạn đọc.

Đã có 1.200 ý kiến phản hồi của bạn đọc bày tỏ sự xót thương đối với bé, giận dữ với hai người lớn - đặc biệt là với mẹ của bé - đã nhẫn tâm hành hạ con trẻ, và cuối cùng là reo vui với kết thúc có hậu khi bé Ngân gặp lại cha ruột của mình.

Góp phần làm nên câu chuyện có hậu của bé Ngân là những người hàng xóm tốt bụng trong khu nhà trọ nơi bé ở cùng mẹ.

Khi bé bị hành hạ, họ đã xông vào phòng giải cứu bé đưa đi cấp cứu, rồi một người trong số đó đã báo tin cho báo Tuổi Trẻ để câu chuyện đau lòng của bé sớm được đưa lên báo, nhờ đó cha bé đã nhanh chóng tìm đến với con mình.

Gặp lại chúng tôi tại một quán cà phê nhỏ ven đường, bạn đọc Nguyễn Duy Hưng (ngụ thị xã Dĩ An, Bình Dương, là người tham gia giải cứu bé Kim Ngân và báo tin cho Tuổi Trẻ) hào hứng kể: “Tôi mới liên lạc với cha của Kim Ngân. Bé đang ở Sóc Trăng cùng với cha ruột và ông bà nội.

Cha bé nói sức khỏe bé ổn định, tâm lý tốt!”. Ông Hưng nói vẫn thường xuyên gọi điện trao đổi với anh Trần Văn Tố (cha bé Kim Ngân) để hỏi thăm tình hình sức khỏe bé như thế nào.

Bạn đọc Nguyễn Duy Hưng nhớ lại: “Buổi chiều hôm đó (ngày 12-9), khi tôi đang ở phòng trọ tại khu phố Nội Hóa 2, P.Bình An, thị xã Dĩ An thì nghe mọi người xôn xao có em bé bị đánh mặt mày thâm tím, bé bị ngất nằm trong phòng nhưng không được đưa đi cấp cứu.

Ai biết chuyện cũng bức xúc nhưng còn ngần ngừ không dám vào phòng sợ “chồng hờ” của mẹ bé. Dù mới đến trọ ở đây nhưng tôi mạnh dạn đẩy cửa xông vào.

Thấy bé nằm ngất lịm trên nền nhà, hỏi “cha hờ” thì người này còn nói “bé bị té, không bị làm sao”, nhưng bà con ở đây do nhiều lần chứng kiến cảnh bé bị bạo hành nên đã cùng tôi khống chế người “cha hờ” và đưa bé đi cấp cứu, đồng thời gọi điện báo cho công an phường”.

Ông Hưng cũng cho biết việc Kim Ngân bình phục, được trở về với cha ruột là niềm vui của tất cả bà con đã giải cứu, giúp đỡ, chăm sóc bé trong thời gian bé nằm viện mà chưa có người thân bên cạnh.

Nói về lý do gọi điện báo tin cho Tuổi Trẻ, ông Hưng cho biết: “Thấy cảnh bé Ngân nằm viện mà mẹ ruột đã bị tạm giữ, không có người thân chăm sóc nên chúng tôi nghĩ ngay tới sự giúp đỡ của báo chí.

Tôi thường đọc Tuổi Trẻ và thích đọc những câu chuyện dân sinh đậm tính nhân văn mà báo đăng tải. Điện thoại của tôi có thể lên mạng được nên tôi đã tìm kiếm được số điện thoại đường dây nóng của báo Tuổi Trẻ. Ngay trong đêm đó, khi đang ở bệnh viện, tôi đã gọi điện để báo tin”.

Giảm nỗi lo bị ném đá

Là người thường xuyên đi lại trên quốc lộ 14, tuyến TP.HCM - Gia Lai nên bạn đọc P.V.P. đã chứng kiến rất nhiều lần những vụ ném đá vào xe khách của một nhóm thanh thiếu niên trên tuyến đường này.

Đôi lần bức xúc, ông đã gọi điện báo công an địa phương nhưng tình trạng này cứ kéo dài suốt 7-8 năm trời. Ông P. chia sẻ: “Cách đây hơn hai tháng, xe tôi đi từ TP.HCM đến Gia Lai cũng bị ném đá. Rồi chuyến về cũng bị ném. Suốt chặng đường đi về tôi ghi nhận hơn 30 xe bị ném như thế.

Đến khuya 24-9, khi chuyện ném đá này khiến một người nước ngoài bị hư mắt, tôi thấy đã đến đỉnh điểm nên lập tức gọi cho đường dây nóng Tuổi Trẻ”.

Từ thông tin của ông P. ngày 26-9 Tuổi Trẻ đã có bản tin đầu tiên “Xe khách liên tục bị ném đá trên quốc lộ 14”, tiếp sau đó là một loạt bảy tin bài về diễn tiến sự việc này, trong đó có cam kết của đại tá Đoàn Quốc Thư - phó giám đốc, thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk: “Sẽ xử lý hình sự đối tượng ném đá xe khách”.

Ông P. hồ hởi kể: “Báo đăng lên, tôi đi đâu cũng nghe người ta nói về việc này. Mấy ngày đó, qua lại tuyến quốc lộ 14 mới “đã” làm sao, không còn phải nơm nớp lo sợ bị ném đá nữa”.

Rồi ông tâm sự: “Suốt mấy năm trời tôi cứ trăn trở chuyện ném đá xe khách này. Có những hôm chứng kiến đến 28-30 chiếc xe chờ thay kính mới tại bến xe Miền Đông mà tôi sốt ruột.

Tôi cứ lặp đi lặp lại câu hỏi: “Tại sao những thanh thiếu niên này lại hành động như vậy? Tại sao không ai giải quyết chuyện này dù tài xế đã báo rất nhiều lần? Có gì khuất tất ở đây không?...”.

Tôi đã đi đến quyết định nhờ sự trợ giúp của Tuổi Trẻ để làm sáng tỏ, góp phần cải thiện tình hình. Và tôi đã không thất vọng trước sự lựa chọn này”.

BÁ SƠN - ĐỖ QUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp