Các diễn giả bước vào phiên thảo luận tại hội thảo Hướng đến một xã hội không dùng tiền mặt sáng 15-1Ảnh: Nguyệt Nhi
Ngay sau khi báo Tuổi Trẻ phát động ngày không sử dụng tiền mặt, nhiều tổ chức, doanh nghiệp công nghệ, ngân hàng (NH) cho biết sẽ tham gia và hiến kế để biến ngày 16-6 thành ngày hội nhằm thu hút sự quan tâm của người dùng với hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Dự kiến sẽ có rất nhiều NH tham gia bằng các hình thức khuyến mãi, giảm phí, tăng lợi ích cho người dùng...
Tại hội thảo Hướng đến xã hội không dùng tiền mặt do NH Nhà nước và báo Tuổi Trẻ tổ chức ngày 15-1 với sự đồng hành của ACB, Vietcombank và Agribank, các NH, tổ chức thanh toán, chuyên gia cùng đưa ra những giải pháp nhằm xóa đi rào cản này.
Xu thế không thể đảo ngược
Đề cập đến từ khóa của diễn đàn là "hướng đến xã hội không dùng tiền mặt", Phó thống đốc NH Nhà nước Nguyễn Kim Anh cho rằng lợi ích cụ thể của thanh toán điện tử cho thấy hướng đến một xã hội phi tiền mặt dường như một quá trình không thể đảo ngược.
Tuy nhiên, việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt còn gặp không ít trở ngại. Theo ông Phạm Tiến Dũng - vụ trưởng Vụ thanh toán của NH Nhà nước, thói quen, tâm lý dùng tiền mặt của người dân còn phổ biến. Ngoài ra còn tâm lý e ngại khi tiếp cận với công nghệ thanh toán mới; cơ sở hạ tầng thanh toán tập trung chủ yếu ở khu vực đô thị... là rào cản thanh toán không dùng tiền mặt.
Ông Từ Tiến Phát - phó tổng giám đốc NH TMCP Á Châu (ACB) - cũng dẫn ra thực tế người Việt mua hàng qua mạng nhưng lại trả... tiền mặt. Vừa qua Chính phủ đã ban hành nghị quyết 02 thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực công. Theo ông Từ Tiến Phát, các doanh nghiệp cũng là một mắt xích quan trọng trong đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại VN. Trong đó các đơn vị trong lĩnh vực công như điện, nước, hải quan đóng vai trò dẫn dắt.
"Đến thời điểm này các doanh nghiệp đã ý thức được tầm quan trọng trong việc đa dạng phương thức thanh toán để tăng doanh thu, cũng như đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi để khuyến khích khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt. Tuy nhiên vẫn còn khá nhiều rào cản liên quan đến chi phí đầu tư công nghệ, chi phí trả cho NH và tổ chức trung gian thanh toán, thuế..." - ông Phát nói.
Giao dịch không dùng tiền mặt tăng mạnh sau 1 năm - Nguồn: NHNN - Đồ họa: T.ĐẠT
Cần thuận tiện và dễ sử dụng
Để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, bà Đàm Bích Thủy - chủ tịch Đại học Fulbright VN - nhận định theo kinh nghiệm của các nước, muốn thanh toán điện tử phát triển, phải rất thuận tiện, dễ sử dụng để dễ trở thành thói quen của mọi người.
Một vấn đề nữa nhiều người quan ngại là phí. Vấn đề đặt ra là hệ sinh thái NH sẽ đồng bộ và thống nhất như thế nào để các NH và các bên cung cấp dịch vụ cạnh tranh. Cùng với đó là vấn đề an toàn bảo mật trong thanh toán.
Bà Đàm Bích Thủy đặt câu hỏi với đại diện NH Nhà nước rằng mỗi ngày có hàng tỉ giao dịch, có bao nhiêu giao dịch có khả năng bị lộ thông tin? Ông Lê Mạnh Hùng - cục trưởng Cục công nghệ thông tin, NH Nhà nước - cho biết hệ thống thanh toán đảm bảo rất an toàn vì khi triển khai NH Nhà nước đã đánh giá đầy đủ rủi ro để có giải pháp. Hiện một ngày thanh toán điện tử liên NH vào khoảng 280.000 tỉ đồng. Số tiền luân chuyển rất lớn qua hệ thống thanh toán nhưng chưa có rủi ro liên quan đến tài chính mà hệ thống thanh toán điện tử liên NH gặp phải.
Ông Thomas William Tobin - giám đốc khối bán lẻ NH Ngoại thương VN (Vietcombank) - cho rằng 2019 sẽ là năm thay đổi rất lớn trong công nghệ thanh toán, nhất là các loại thẻ không tiếp xúc, sau khi NH Nhà nước ban hành bộ tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa và bộ tiêu chuẩn cơ sở đặc tả kỹ thuật QR Code. Tới đây Vietcombank sẽ nâng cấp các điểm chấp nhận thẻ để chấp nhận được thẻ không tiếp xúc.
Tại nhiều thị trường như Singapore, 80% giao dịch bằng thẻ không tiếp xúc. Loại hình thanh toán QR Code cũng rất có lợi cho những điểm thanh toán nhỏ.
Thanh toán không tiền mặt với bất động sản
Ông Phạm Tiến Dũng cho biết trước quý 3-2019 theo chỉ đạo của Chính phủ, NH Nhà nước phải nghiên cứu trình Chính phủ sửa đổi các quy định để khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt với giao dịch bất động sản. Chính phủ cũng giao ngay trong năm 2019 này phải sửa hai nghị định về thanh toán dùng tiền mặt và thanh toán không dùng tiền mặt. Đặc biệt, NH Nhà nước phải xây dựng cơ sở pháp lý cho mô hình thanh toán mới đó là thanh toán xuyên biên giới; thanh toán không dựa trên nền tảng NH.
Năm nay, NH Nhà nước cũng đưa vào vận hành hệ thống bù trừ tự động. Theo ông Dũng, chỉ cần một đơn vị cung ứng dịch vụ thanh toán kết nối với hệ thống này lập tức đến được với mạng lưới của tất cả các NH còn lại.
Với thanh toán qua điện thoại di động, ông Dũng nhấn mạnh trong nghị quyết 02, Chính phủ giao cho NH Nhà nước phải yêu cầu các NH trong năm 2019-2020 phải áp dụng chung nền tảng thanh toán QR Code. Đến nay, cả nước có khoảng 30.000 điểm thanh toán chấp nhận QR Code.
Phó thống đốc Nguyễn Kim Anh cho biết các bước mà NH Nhà nước sẽ thực hiện trong thời gian tới nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, đó là: thúc đẩy việc áp dụng tiêu chuẩn cơ sở QR Code để đảm bảo khả năng tương thích giữa các giải pháp thanh toán trên nền QR Code. Nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng phương án cho phép nạp tiền mặt vào ví điện tử không qua tài khoản thanh toán NH. Cùng với đó, NH Nhà nước phối hợp với Bộ Tài chính công khai chi tiết danh mục các giao dịch bắt buộc phải thanh toán qua NH. Đặc biệt, ngành NH sẽ triển khai các mô hình thanh toán tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa và sẽ thí điểm một số mô hình thanh toán mới.
Nhiều nước tiến tới bỏ dần tiền mặt
Không xài tiền mặt đem lại nhiều lợi ích cho một quốc gia và Malaysia đang xây dựng hạ tầng để giúp người dân và các doanh nghiệp từ bỏ tiền mặt. Một khảo sát của Nielsen cho thấy 67% người tiêu dùng Malaysia đã sử dụng các dịch vụ thanh toán không tiền mặt, phần lớn đều trả tiền mặt cho các chi tiêu hằng ngày như ăn uống (93%), mua tạp hóa (90%), phương tiện công cộng (89%)...
Thụy Điển dự kiến xóa sổ tiền mặt hoàn toàn vào năm 2023, hiện nhiều cửa hàng tại đây đã treo biển không chấp nhận tiền mặt và tiền xu. Tuy nhiên, còn khoảng 1 triệu người Thụy Điển vẫn chưa sẵn sàng tiếp nhận thanh toán điện tử, trong đó phần lớn là người già, người tàn tật và người tị nạn.
TRẦN PHƯƠNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận