22/08/2021 10:47 GMT+7

Không ra khỏi nhà

BS PHAN ANH TUẤN
BS PHAN ANH TUẤN

TTO - Qua gần 20 tháng chống COVID-19, chúng ta đã quen với giãn cách xã hội. Có giãn cách mới giảm phát sinh F0, đội ngũ y tế bớt vất vả. Giãn cách nghiêm thì sẽ không có nhiều gia đình phải mất người thân.

Không ra khỏi nhà - Ảnh 1.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân ở TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN

Người dân TP.HCM bước qua 80 ngày giãn cách với nhiều mức độ khác nhau, và còn giãn cách đến hết ngày 15-9, như thông báo của UBND TP. 

Ai cũng muốn chặn đứng dịch bệnh, vì thế nhiều người cảm thấy an tâm khi quân đội và công an cùng hỗ trợ chính quyền, người dân sử dụng hiệu quả vũ khí mà chúng ta đang có để chống dịch đó là "giãn cách". Khi chưa phủ khắp vắc xin, chỉ có giãn cách mới dần ngăn được đà lây lan của virus.

Con Delta quá nguy hiểm. Giãn cách nghiêm ngặt lúc này chính là để chế ngự tác hại của virus lên cộng đồng, kết hợp với vắc xin và 5K sau này, cùng nhiều biện pháp khác, chúng ta mới có cơ hội đi làm trở lại, kiếm sống, nhà máy sáng đèn, con trẻ đến trường... 

Hiện chúng ta mới ở giai đoạn tìm cách chế ngự virus. Vì vậy, cần phải sử dụng hiệu quả vũ khí giãn cách để chờ khi có đủ vắc xin. Lơ là hay lãng phí vũ khí giãn cách sẽ phải trả giá, kể cả tính mạng con người.

Thực tế, ai cũng nói và cũng biết "ở đâu yên đấy". Ở yên đấy, với con Delta cần hiểu là ở yên trong nhà. Giao tiếp với người hàng xóm cũng có thể lây nhiễm. Một người lây nhiễm, cả gia đình khó tránh khỏi F0. Chưa quán triệt tinh thần này là chưa đúng với "ở yên đấy".

Khỏi phải nói, giãn cách để lại bao phiền toái, khổ sở, bí bách. Nhưng giãn cách bao nhiêu ngày lại tùy thuộc vào mỗi người chúng ta. Làm nghiêm, chúng ta sẽ sớm không phải giãn cách và ngược lại. 

Thời gian qua, nhiều lúc mọi người sốt ruột "sao giãn cách mà đường lại đông thế kia". Không ít người nói tôi ra đường để vì nhu cầu thiết yếu. Ý kiến khác lại nói thà đau một lần, có gì ăn nấy, ở nhà để cắt đứt nguồn lây. Nhưng thực tế là nhiều người vẫn ra khỏi nhà, vẫn giao tiếp, thành F0, khổ mình, vất vả cho y bác sĩ...

Trong khi chúng ta tranh luận, con virus chẳng cần biết ai đúng ai sai. Có tiếp xúc, có giao tiếp là nó lại biến người khác thành F0. Số ca F0 ngoài cộng đồng tăng lên những ngày gần đây, lại thêm cơn sóng lớn đổ lên hệ thống y tế vốn đã quá tải. 

Đã bao đợt giãn cách, đã mấy lần điều chỉnh chiến lược chống dịch, hàng loạt bệnh viện dã chiến ra đời đã quá tải. Sau mỗi đợt giãn cách, chính quyền lại yêu cầu phải nghiêm ngặt hơn, quyết liệt hơn. Nay là quân đội, công an cùng vào cuộc bởi chúng ta không thể giãn cách mãi.

Với sự hỗ trợ của quân đội, công an, những ngày tới là dịp tốt nhất để người dân trong vùng nhận hỗ trợ sử dụng hữu hiệu vũ khí giãn cách. Sẽ có nhiều gia đình chỉ có bữa ăn qua ngày, một số nhu cầu cá nhân và tiện nghi cuộc sống phải chờ bớt dịch mới được phục vụ. 

Sự hy sinh đó là không hề đơn giản. Nhưng chúng ta không có lựa chọn nào khác. Hoặc là bị virus cuốn đi hoặc là chúng ta tạm dừng lại để ngăn virus hoành hành. Với dịch bệnh, chúng ta chỉ có một lựa chọn đúng, ngay từ đầu. 

Một khi đã để con virus lan ra cả cộng đồng, có muốn quay lại giãn cách cũng không kịp nữa. Chúng ta đang đi đúng hướng. Xin cảm ơn những người lính, những chiến sĩ công an và các lực lượng hỗ trợ giúp người dân sử dụng hữu hiệu vũ khí giãn cách.

TP.HCM: F0 trong cộng đồng vẫn cao, riêng quận Tân Bình chiếm hơn 97% TP.HCM: F0 trong cộng đồng vẫn cao, riêng quận Tân Bình chiếm hơn 97%

TTO - Trong ngày 21-8, TP.HCM có 2.885 ca cộng đồng trong tổng số 4.052 ca mới. Như vậy, tỉ lệ ca cộng đồng chiếm hơn 71% trong tổng ca mới, trong đó nhiều nhất là quận Tân Bình, Bình Thạnh, Bình Tân, quận 8, quận 10...

BS PHAN ANH TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp