04/06/2015 09:40 GMT+7

Không quy định cụ thể, khó trưng cầu ý dân

V.V.THÀNH - L.KIÊN - V.SỰ
V.V.THÀNH - L.KIÊN - V.SỰ

TT - Chiều 3-6, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật trưng cầu ý dân.

Đại biểu Trần Du Lịch: Chỉ cần Quốc hội quyết định vấn đề trưng cầu ý dân, không cần cơ quan, tổ chức khác  - Ảnh: V.Dũng
Đại biểu Trần Du Lịch: Chỉ cần Quốc hội quyết định vấn đề trưng cầu ý dân, không cần cơ quan, tổ chức khác - Ảnh: V.Dũng

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, nhìn chung các đại biểu nêu ý kiến đều nhất trí với sự cần thiết ban hành đạo luật nêu trên.Tuy nhiên, một vài nội dung các đại biểu đã có những tranh luận khác nhau.

Nên quy định cụ thể

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (Hà Nội) nói: “Tôi ủng hộ luật này vì vừa đảm bảo quyền con người vừa để Nhà nước lắng nghe ý kiến của nhân dân, quyết định đúng đắn những vấn đề quan trọng, tránh để những trường hợp xảy ra bị dân phản ứng như điều 60 Luật bảo hiểm xã hội vừa rồi. Vấn đề trưng cầu ý dân đã có từ Hiến pháp 1946 đến nay, bây giờ chúng ta mới làm luật, tôi cho rằng là rất cấp thiết. Theo tôi, hình thức dân chủ trực tiếp hay hơn hẳn dân chủ đại diện”.

Nghiên cứu vấn đề này ở nhiều quốc gia khác nhau, viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo nói vấn đề quan trọng nhất trong dự án luật này chính là những việc gì, vấn đề gì được đưa ra để dân biểu quyết.

“Dự thảo luật quy định Quốc hội quyết định đưa ra trưng cầu ý dân về những nội dung trong Hiến pháp. Quy định như vậy rất khó thực hiện. Tôi tham khảo ở Đức, người ta quy định không trưng cầu về chế độ chính trị và bộ máy nhà nước. Ở các nước người ta thường trưng cầu những vấn đề như tăng thuế, giảm thuế, chia tách, sáp nhập lãnh thổ, tham gia các tổ chức quốc tế (ví dụ có hay không gia nhập WTO, ASEAN, sử dụng đồng tiền chung...). Chúng ta cần quy định cụ thể hơn, rõ hơn để khi thực hiện mới không gặp vướng mắc” - ông Thảo bày tỏ.

Đồng ý vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) nói nếu không quy định cụ thể, cứ nói chung chung thì không biết đến bao giờ mới tổ chức trưng cầu ý dân. “Có luật nhưng không biết khi nào mới sử dụng” - bà Tâm nói.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, nên quy định trưng cầu ý dân trên phạm vi toàn quốc với những vấn đề quan trọng, không nên quy định trưng cầu với những vấn đề liên quan đến địa phương, khu vực. “Tôi chắc rằng trên phạm vi TP Hà Nội, nếu đi hỏi ý dân tại những nơi dự kiến đặt bãi rác hoặc nghĩa trang thì người dân ở đó sẽ không đồng ý.

Trong những trường hợp như vậy, chúng ta phải thực hiện theo luật về quy hoạch, về xây dựng, về môi trường... Hay lấy ví dụ về địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân cũng vậy, chúng ta lựa chọn địa điểm tốt nhất so với các địa điểm khác, chứ nếu hỏi ý kiến người dân tại nơi dự kiến xây nhà máy thì chưa chắc đã được đồng ý” - ông Nghị phân tích.

Đại biểu Nguyễn Phước Lộc (TP.HCM) đề nghị tổ chức trưng cầu ý dân phải đơn giản, tiết kiệm, không phô trương hình thức, “nếu không thì ngân sách tốn kém, lãng phí và người dân sẽ không đồng tình”.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa: Hiến pháp quy định Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân thì cũng có quyền quyết định luôn ai là người đề nghị - Ảnh: V.Dũng
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa: Hiến pháp quy định Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân thì cũng có quyền quyết định luôn ai là người đề nghị - Ảnh: V.Dũng

Ai có quyền đề nghị trưng cầu ý dân?

Mặc dù dự thảo Luật trưng cầu ý dân đã quy định quyền đề nghị trưng cầu ý dân thuộc về Chính phủ, Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc khi có ít nhất 1/3 đại biểu Quốc hội đề nghị, nhưng đại biểu Trần Du Lịch cho rằng quy định như vậy không chuẩn với Hiến pháp.

Theo ông Lịch, điểm 15 - điều 70 của Hiến pháp quy định Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân mà không quy định thêm ai có quyền đề nghị. “Do đó chỉ có Quốc hội quyết định vấn đề này, không thể mở rộng thêm ông này, ông kia. Quốc hội làm luật phải dựa trên cơ sở Hiến pháp” - đại biểu Trần Du Lịch nói.

Tranh luận vấn đề này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa không đồng ý. Ông Nghĩa cho rằng: “Quy định về quyền đề nghị trưng cầu ý dân như vậy không có gì sai hay vi hiến cả”. Theo ông Nghĩa, Hiến pháp quy định Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân thì cũng có quyền quyết định luôn ai là người đề nghị. “Anh là người đề nghị nhưng quyết định vẫn là tôi (Quốc hội)” - đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng cho rằng Quốc hội được quyền quyết định trưng cầu ý dân là được quyền bàn cả nội hàm của việc ai sẽ được đề nghị, điều đó không có gì là vi hiến. Tuy nhiên, đại biểu Trần Du Lịch vẫn bảo lưu quan điểm của mình.

Giá trị tham khảo hay hiệu lực thi hành?

Theo ông Đinh Xuân Thảo, có những quốc gia quy định trưng cầu có giá trị bắt buộc, nhưng cũng có quốc gia quy định kết quả trưng cầu chỉ có giá trị tham khảo. Tuy nhiên, thông thường một khi đã đưa vấn đề gì ra trưng cầu ý dân thì nhà nước sẽ thuận theo ý dân. “Về giá trị pháp lý của cuộc trưng cầu, do Quốc hội tổ chức trưng cầu ý dân nên Quốc hội cần xác nhận kết quả ấy để thực hiện, chứ không phải là phê chuẩn” - đại biểu Đào Văn Bình nói.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) băn khoăn về tính khả thi của quy định “khi có ít nhất 1/3 tổng số đại biểu Quốc hội kiến nghị thì đưa vấn đề đó ra trưng cầu ý dân”.

Theo bà Hà, cần quy định rõ quy trình thực hiện, ví dụ như cùng lúc 170 đại biểu Quốc hội trình tờ trình lên Quốc hội hay là đại biểu nào đó đại diện để trình tờ trình? Nếu không quy định rõ quy trình thì rất khó thực hiện quy định này. Đây cũng là băn khoăn của đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội): “Không biết rồi ai sẽ đứng ra vận động, tổ chức để có 1/3 tổng số đại biểu Quốc hội đề nghị về cùng một vấn đề gì đó”.

Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hàng hải Việt Nam.

Không được tự làm từ thiện khi tranh cử 

Thảo luận về Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là việc vận động bầu cử. Đại biểu Âu Thị Tuyết Mai đề nghị trong thời gian ứng cử, ứng cử viên không được tham gia hoặc tự thực hiện các hoạt động từ thiện vì đây là hoạt động dễ trở thành tiêu cực, lấy lòng, lấy phiếu của cử tri. Nhất thiết phải có cả quy định chế tài để xử lý nhằm tránh sơ hở trong quá trình vận động bầu cử, theo đại biểu Phạm Trường Dân (Quảng Nam).

Đối với cơ cấu đại biểu nữ, đại biểu Lê Thị Thanh Hòa - chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam - cho biết ba nhiệm kỳ gần đây tỉ lệ đại biểu nữ đang giảm dần, hiện Quốc hội khóa XIII chỉ có 24,4% đại biểu nữ, trong đó có ba tỉnh không có đại biểu nữ. Từ năm 1997 đến nay, trong khi tỉ lệ đại biểu nữ trên thế giới tăng thì Việt Nam lại giảm, và tỉ lệ đại biểu nữ trong Quốc hội ở Việt Nam đã tụt từ thứ 8 xuống thứ 55 của thế giới.

VIỄN SỰ

 

V.V.THÀNH - L.KIÊN - V.SỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp