05/09/2024 14:49 GMT+7

Không phụ tấm lòng cao cả của bác dâu, cô gái Mường mồ côi đậu đại học

Mới 2 tuổi Hạ đã mồ côi cả cha lẫn mẹ. Phạm Thị Hạ - cô bé Mường ở thôn Đồng Cốc, xã Xuân Phú, huyện Thọ Xuân (tỉnh Thanh Hóa) - 3 tháng tuổi, mất mẹ. Vành tang trắng mất cha lại trùm lên đầu năm Hạ 2 tuổi, chưa kịp hiểu điều gì đang đến với mình.

Cùng thầy Nguyễn Văn Thắng (bí thư Đoàn Trường THPT Thọ Xuân 5, huyện Thọ Xuân) và cô Vũ Thị Lương (giáo viên chủ nhiệm lớp 12B2), chúng tôi tìm đến nhà Hạ. Thầy Thắng và cô Lương chính là người giới thiệu học trò Phạm Thị Hạ với chương trình Tiếp sức đến trường năm nay.

THỰC HIỆN: HÀ ĐỒNG - NHÃ CHÂN - MAI HUYỀN - TÔN VŨ

Lớn lên từ tình thương của bác dâu

Gập ghềnh cổng trường đại học của cô gái Mường - Ảnh 1.

Phạm Thị Hạ và bác dâu Hà Thị Tính vốn như người mẹ thứ hai của Hạ - Ảnh: HÀ ĐỒNG

Mẹ đột ngột qua đời vì bệnh nặng. Bé Hạ mới 3 tháng tuổi khóc ngằn ngặt vì đói sữa. Rồi cha cũng bệnh và mất không lâu sau đó, ngôi nhà cấp bốn chỉ còn lại anh trai 12 tuổi chăm cô em gái mới 2 tuổi. Hoang vắng và lạnh lẽo. May mà có người bác dâu Hà Thị Tính.

Bà Tính nay đã 70 tuổi. Nuôi Hạ từ lúc cô bé mồ côi, bà Tính kể: "Mẹ mất, con bé khóc ngằn ngặt, mà nhà làm gì có tiền mua sữa đâu. Tôi bế Hạ đi xin sữa các mẹ nuôi con nhỏ khắp xã. Có người thương cho hộp sữa bò, tôi dè sẻn pha cho con bé uống ấm bụng, đêm mới ngủ ngon".

Hồi đó có gia đình ở xã bên đến xin Hạ về làm con nuôi, nhưng bà Tính nhất quyết không cho. Bà bảo cháu là máu mủ, ruột thịt, đã bất hạnh vì mất mẹ làm sao mà cho được, càng phải thương yêu như con ruột mình. Khi Hạ mất cha, bà Tính xin phép chồng (anh ruột cha Hạ) chuyển hẳn đến nhà Hạ ở để chăm cho anh em Hạ từng bữa ăn, giấc ngủ.

Hơn hai sào ruộng mà bố mẹ Hạ để lại, vợ chồng bà Tính sớm hôm gieo trồng, chăm sóc để có cái nuôi hai cháu. Gặp năm mất mùa, lúa ngô thất bát, ông bà lại làm thuê đủ nghề nuôi hai cháu. Mấy năm nay sức khỏe bà Tính yếu đi nhiều, việc ruộng đồng cũng thưa dần.

Anh trai Hạ học xong lớp 12 làm việc tự do kiếm sống phụ nuôi em. Cách đây ba năm, tính chuyện lo cho em gái lâu dài, anh trai Hạ đi xuất khẩu lao động. Không may gặp ngay lúc khó khăn về việc làm, đồng tiền tại nước sở tại bị mất giá nên mới ráng lo làm trả nợ số tiền vay mượn trước khi xuất cảnh, chứ chưa phụ được bao nhiêu cho em gái.

Lớn lên, bà con hàng xóm kể cho nghe nhà bác cũng khó khăn, phải lo cho ba anh chị ăn học nhưng vẫn quyết giữ mình lại chứ không cho người khác nhận nuôi. Bác có khác gì mẹ chăm mình từng bữa ăn, giấc ngủ. Chính bác đã giúp mình vượt mọi khó khăn để yên tâm học hành.

PHẠM THỊ HẠ

Thầy cô tìm học bổng cho trò

Gập ghềnh cổng trường đại học của cô gái Mường - Ảnh 2.

Cô giáo Vũ Thị Lương là người luôn bên cạnh, động viên Hạ - Ảnh: HÀ ĐỒNG

Trường THPT Thọ Xuân 5 ở vùng miền núi khó khăn của huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa. Ngôi trường có nhiều học trò nghèo, mà Phạm Thị Hạ vốn là trường hợp khó khăn đặc biệt, mồ côi cả bố lẫn mẹ. Cô chủ nhiệm Vũ Thị Lương khen cô học trò của mình thông minh, chăm ngoan và đầy nghị lực, ý chí vươn lên.

Cô Lương nói điều đáng quý nhất là chưa bao giờ nghe Hạ kêu ca, phàn nàn hay có ý định bỏ học dù hoàn cảnh bi đát như thế. Không có tiền mua sách, Hạ tranh thủ mượn sách tham khảo, nâng cao của bạn bè, thầy cô để học. "Nhà trường miễn học phí, còn thầy cô hiểu quá rõ hoàn cảnh cô bé nên không ai lấy đồng nào khi dạy thêm cho bạn" - cô Lương kể.

Nghị lực và nỗ lực vượt khó ấy đã mang về cho Hạ trái ngọt. Ba năm phổ thông Hạ luôn là học sinh giỏi toàn diện, cán bộ Đoàn năng nổ. Kỳ thi tốt nghiệp THPT, Hạ đạt 24,75 điểm ba môn xét tuyển (toán 8 - lý 8,5 - hóa 8,25). Kết quả ấy đưa cô trở thành tân sinh viên ngành tài chính - ngân hàng Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội.

Còn thầy Bí thư Đoàn trường Nguyễn Văn Thắng nói, biết rõ gia cảnh nên ngay khi Hạ vào lớp 10, nhà trường luôn tìm các suất học bổng cho cô. Số tiền ấy Hạ để dành mua đồ dùng học tập, trang trải cuộc sống.

Thầy Thắng khoe hôm đọc được thông tin chương trình Tiếp sức đến trường 2024 của báo Tuổi Trẻ từ trang mạng xã hội của Tỉnh Đoàn Thanh Hóa, thầy viết lời giới thiệu và làm hồ sơ cho Hạ.

"Chúng tôi rất mong Hạ sẽ nhận được học bổng này để đường đến trường đại học của em ấy bớt gập ghềnh, ít khó khăn hơn" - thầy Thắng chia sẻ.

Bức tâm thư gửi Tiếp sức đến trường

Trong hồ sơ ứng tuyển học bổng Tiếp sức đến trường, Phạm Thị Hạ kể bố mẹ mất sớm, hai anh em nương tựa nhau, may mà có gia đình bác trai cưu mang, đùm bọc. Nhờ sự chăm lo của hai bác cộng với khoản hỗ trợ trẻ mồ côi của Nhà nước, hai anh em đã học hết phổ thông.

Hạ nói bản thân luôn ý thức về hoàn cảnh gia đình nên càng nỗ lực, cố gắng và chưa bao giờ từ bỏ khát khao được học. Cô trúng tuyển Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội là niềm vui lớn nhưng cũng là nỗi lo khi chi phí đi học vượt ngoài khả năng kinh tế gia đình. Một lần nữa, Hạ khẳng định chưa bao giờ nghĩ đến bỏ học, mà luôn khát khao đến được giảng đường để nâng cao tri thức và có tương lai tươi sáng hơn.

"Sau khi nhập học, em sẽ đi làm thêm để cố gắng tự trang trải cuộc sống. Học xong ra trường đi làm có thu nhập, em sẽ kết nối với chương trình Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ để tri ân và giúp các bạn tân sinh viên khó khăn như mình" - Hạ viết.

Ngổn ngang nỗi lo

Cháu nhận giấy báo đậu đại học, lịch nhập trường ngày 7-9, bà Tính và Hạ vui lắm. Bà con đồng bào nơi làng quê miền núi biết tin cũng mừng cho cô nữ sinh dân tộc Mường sắp vào đại học.

Nhưng vui rồi thoáng buồn đó khi học phí và vài khoản đóng góp để nhập trường đã là 16 triệu đồng rồi, chưa tính chi phí cho Hạ xoay xở học kỳ đầu khi ra thủ đô. Hai bên nội ngoại đều nghèo. Nhà cũng không có tài sản gì đáng giá để bán ngoài ngôi nhà ba mẹ để lại cùng mấy chục tờ giấy khen dán kín tường.

Nghĩ đến bốn năm đại học phía trước, Hạ lại nhìn lên bàn thờ bố mẹ, mắt ngân ngấn. Cô Vũ Thị Lương động viên: "Hãy cứ cố gắng, thầy cô ở trường lại tiếp tục tìm kiếm học bổng cho em. Cô tin Hạ sẽ làm được". Còn thầy Nguyễn Văn Thắng kể đã liên hệ Huyện Đoàn Thọ Xuân hỏi thăm thủ tục vay vốn sinh viên từ Ngân hàng Chính sách xã hội để Hạ có thể đi tiếp, không bỏ lỡ cơ hội vào đại học.

Công ty Vinacam đóng góp 2,5 tỉ đồng cho Tiếp sức đến trường - Ảnh 3.

Công ty Vinacam đóng góp 2,5 tỉ đồng cho Tiếp sức đến trường - Ảnh 4.

Mời bạn quét mã QR này để đăng ký, giới thiệu tân sinh viên khó khăn cần tiếp sức đến trường. Chương trình nhận thông tin đến hết ngày 20-9-2024

Tân sinh viên đăng ký trực tuyến ứng tuyển học bổng Tiếp sức đến trường 2024 tại địa chỉ: hoặc quét mã QR ở hình bên.

Doanh nghiệp, bạn đọc có thể ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ:

113000006100 Ngân hàng Công thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.

Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành hoặc tân sinh viên mà bạn đọc muốn hỗ trợ.

Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ:

Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM;

Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM

với Swift code BFTVVNVX007.

Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên, hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành, tên tân sinh viên mà bạn đọc muốn hỗ trợ.

Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm... cho tân sinh viên.

Công ty Vinacam đóng góp 2,5 tỉ đồng cho Tiếp sức đến trường - Ảnh 5.

Công ty Vinacam đóng góp 2,5 tỉ đồng cho Tiếp sức đến trường - Ảnh 7. Giữa khó khăn, Vinacam chia sẻ 3,8 tỉ đồng Tiếp sức đến trường

Sáng 23-8, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Vinacam Vũ Hải Sơn đến báo Tuổi Trẻ trao 3,8 tỉ đồng cho học bổng Tiếp sức đến trường năm 2023.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp