Người bệnh đã chỉnh nha nhưng không hiệu quả, các bác sĩ phải phẫu thuật lại - Ảnh: BS Tấn Hùng cung cấp |
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hô, móm đến từ nhiều nguyên nhân và không phải trường hợp nào niềng cũng mang lại hiệu quả như mong muốn.
“Người trên 18 tuổi, qua giai đoạn đỉnh của sự phát triển mới nên phẫu thuật chỉnh răng, hàm để tránh bị tái phát. Khả năng tái phát do các cơ có khuynh hướng kéo xương trở lại như vị trí ban đầu. Người còn trẻ, xương phát triển mạnh nên khả năng tái phát càng lớn |
Bác sĩ Tấn Hùng lưu ý |
Niềng răng 2 năm không hết hô
TS.BS Lê Tấn Hùng - trưởng khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện Răng hàm mặt TP.HCM - cho biết tính từ đầu năm đến nay bệnh viện đã xử lý, phẫu thuật chỉnh hình hàm mặt cho khoảng 16 ca bệnh sau khi niềng răng ở nơi khác không đạt hiệu quả, không hài lòng về thẩm mỹ. Ngoài ra, bác sĩ của bệnh viện cũng phẫu thuật cho khoảng 600 bệnh nhân gặp các vấn đề về răng, xương hàm.
Chị N.T.M. (38 tuổi, ngụ TP.HCM) đi niềng răng vì bị cười lộ nướu và hô. Tuy nhiên, sau hai năm niềng răng, tình trạng cười lộ nướu, hàm hô càng nặng hơn.
Chị vào Bệnh viện Răng hàm mặt TP.HCM thăm khám, bác sĩ cho biết chị bị cười lộ nướu trên 1cm, với những trường hợp như thế này thì không thể niềng, chỉnh nha được. Hơn nữa, chị bị hô do xương hàm nên trong quá trình niềng răng, răng được kéo vào lại càng làm cho chân răng bật ra phía trước nhiều hơn. Sau đó, bác sĩ đã phẫu thuật cắt ngắn lại xương hàm trên theo chiều trước sau.
Còn anh Nguyễn Quang Tr., bị móm, được một điểm nha khoa tư vấn niềng răng. Sau khi niềng răng, các răng khớp lại nhưng có tình trạng răng hàm trên chìa ra phía trước còn răng hàm dưới lại bị kéo vào trong quá. Tuy răng hàm dưới kéo vào trong nhưng xương hàm dưới nhô ra phía trước vẫn nhiều nên cằm nhô về trước.
Thấy mất thẩm mỹ, anh vào Bệnh viện Răng hàm mặt TP.HCM. Bác sĩ cho biết quá trình niềng răng như vậy làm khó khăn trong việc tạo ra khớp cắn hoàn chỉnh. Sau đó, bác sĩ đã phải phẫu thuật chỉnh hàm bằng cách xoay cả hàm trên hàm dưới theo chiều kim đồng hồ, vẫn duy trì đúng khớp cắn, đồng thời làm ngắn xương hàm dưới lại. Sau khoảng một tháng rưỡi anh Tr. mới ăn nhai lại bình thường.
Chị P. (21 tuổi) niềng răng vì hô. Trước khi niềng răng lại được nhổ hai răng số 4 hàm trên và hai răng số 4 hàm dưới để chỉnh nha, kéo các răng hàm trên, hàm dưới vào trong. Sau khi niềng khoảng hơn năm thì được bác sĩ tháo mắc cài ra nhưng thấy hàm vẫn không đẹp.
Khi vào bệnh viện, bác sĩ cho biết chị bị hô do xương hàm phát triển quá mức. Do đã được chỉnh nha, nhổ bốn răng số 4, khi niềng răng đã được kéo vào trong nhưng xương hàm vẫn nhô ra phía trước.
Theo phẫu thuật truyền thống, phải nhổ răng số 4 và cắt xương ngay vị trí đó để đẩy xương hàm vào thì hết hô. Nhưng trước đó bệnh nhân đã bị nhổ hết răng số 4, nếu phải nhổ răng số 5 để cắt xương hàm thì người bệnh lại mất thêm răng. Vì vậy, bác sĩ đã mổ cho bệnh nhân bằng cách cắt xương hàm ở phần phía sau của răng số 7, đưa xương hàm ra phía sau. Sau đó bệnh nhân mới hết hô hoàn toàn.
Phải định nguyên nhân do răng hay do xương
Theo bác sĩ Tấn Hùng, hô, móm có hai nguyên nhân là do xương và do răng. Nếu do xương thì phải phẫu thuật, còn do răng thì chỉ cần niềng răng là được.
Khi gặp vấn đề hô, móm, người bệnh đến bệnh viện hoặc phòng khám chuyên khoa về chỉnh hình hàm mặt sẽ được tư vấn và chụp phim đo sọ. Thông qua các chỉ số đo cụ thể từ chụp phim, bác sĩ xác định hô, móm do xương hay răng và tư vấn cho người bệnh phương pháp can thiệp có hiệu quả.
Những trường hợp do xương thường là xương quá dài, dài trên dưới hoặc trước sau. Chẳng hạn trường hợp xương hàm trên phát triển quá mức nên nhìn vào thấy bị hô, bác sĩ sẽ cắt ngắn và đẩy lùi xương hàm trên ra sau.
Bằng cảm nhận thường, người bệnh khó xác định được nguyên nhân do đâu, trừ những trường hợp bị quá nặng. Trước khi phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được kiểm tra, làm các xét nghiệm để đánh giá tình hình sức khỏe. Với phẫu thuật này, bác sĩ phải có kinh nghiệm và chuyên môn cao.
ThS.BS CKII Trương Quang Toàn, trưởng khoa chỉnh nha Bệnh viện Răng hàm mặt TP.HCM, cho rằng có nhiều lý do làm cho việc niềng răng không hiệu quả, có thể do trường hợp khó, không đáp ứng với điều trị, cũng có thể do tay nghề bác sĩ cũng như sự hợp tác của người bệnh.
Theo bác sĩ Toàn, người bệnh bị hô hoặc móm nếu đang ở độ tuổi tăng trưởng thì có thể chỉnh được xương hàm. Tùy vào trường hợp để có những phương pháp kìm hãm hay kích thích sự phát triển của xương hàm trên hoặc xương hàm dưới.
Tuy nhiên, có nhiều người bệnh không biết nên đến trễ, đã qua tuổi dậy thì, sẽ phải đợi đến tuổi trưởng thành để chỉnh răng cho đều, sau đó bác sĩ sẽ can thiệp thay đổi xương hàm bằng phẫu thuật.
Hiện nay, nhiều phụ huynh truyền tai nhau để răng mọc hết thì mới tiến hành chỉnh nha, lúc ấy là khá muộn. Đặc biệt, những bệnh nhân móm, do xương hàm trên kém phát triển thì từ 6-7 tuổi đã phải can thiệp.
Chỉnh hình răng mặt có ba giai đoạn Bác sĩ Toàn cho biết trẻ dưới 6 tuổi là giai đoạn chỉnh hình răng mặt phòng ngừa. Những bé có thói quen xấu như mút ngón tay, đẩy lưỡi, nằm một bên làm lệch mặt, thở miệng… sẽ làm lệch lạc răng, lệch lạc phát triển của xương hàm thì lúc đó phòng ngừa. Khi ấy, có thể cho bé đeo một số dụng cụ đơn giản để chống đẩy lưỡi, chống mút tay hay nhắc bố mẹ phải để ý, nhắc nhở bé. Từ 6-12 tuổi là giai đoạn chỉnh hình can thiệp, tức là can thiệp một phần để điều trị hoàn toàn lệch lạc đó nếu nhẹ. Còn nặng quá thì chỉnh một phần rồi sau này can thiệp tiếp, vì giai đoạn này là răng hỗn hợp, gồm răng sữa và răng vĩnh viễn. Sau 12 tuổi thì gần như răng sữa đã thay hết, giai đoạn này gọi là chỉnh hình răng mặt toàn diện. Khi người bệnh có những lệch lạc hàm nhiều mà can thiệp chỉnh nha đơn thuần không giải quyết được thì phải đợi đến 18 tuổi để phẫu thuật chỉnh nha. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận