Bệnh nhân ung thư vú đang được điều trị bằng phương pháp sử dụng tế bào gốc tạo máu tự thân tại Bệnh viện Trung ương Huế - Ảnh: Nguyên Linh |
Nhưng theo PGS.TS Nguyễn Đình Tùng - phó giám đốc Trung tâm ung bướu Bệnh viện Trung ương Huế, ủy viên tư vấn phản biện Hội Ung thư VN, đến nay Viện Ung thư quốc gia Hoa Kỳ vẫn xem đây là thử nghiệm lâm sàng chứ không phải là phương pháp điều trị chuẩn.
Ông Tùng cho biết thành công của phương pháp ứng dụng tế bào gốc tạo máu tự thân trong điều trị ung thư vú thực chất là thành công về phương diện ghép tủy khi các chỉ số trong máu trở về bình thường, là thành công của một công đoạn trong quy trình điều trị ung thư vú, kéo dài thời gian sống không bệnh cho bệnh nhân ung thư, không phải chữa lành bệnh ung thư vú.
* Từng có thời gian nghiên cứu về việc ứng dụng tế bào gốc tự thân trong điều trị ung thư vú ở một số nước trên thế giới, ông có thể cho biết bản chất của ghép tế bào gốc tạo máu tự thân là gì?
- Ghép tế bào gốc tạo máu tự thân hay còn gọi là ghép tủy là phương pháp điều trị bệnh được ứng dụng trong ngành huyết học và ung thư học. Tế bào gốc tạo máu tự thân là những tế bào có trong tủy xương và trong máu của chính bệnh nhân. Bản chất của phương pháp điều trị này là sử dụng một lượng tế bào gốc tạo máu tự thân thích hợp giúp bệnh nhân thoát khỏi tình trạng suy tủy không hồi phục khi điều trị ung thư vú bằng hóa trị liều cao.
Nói chính xác thì hóa trị liều cao và ghép tế bào gốc tạo máu tự thân là một công đoạn của quy trình điều trị đa mô thức trên bệnh nhân ung thư vú bao gồm cả phẫu thuật, xạ trị, hóa trị liều cao, điều trị đích và nội tiết, miễn dịch. Bản thân tế bào gốc tạo máu tự thân giúp cơ thể tạo ra những tế bào máu bình thường, nhưng không thể tiêu diệt được tế bào ung thư vú.
* Những bệnh nhân ung thư nào có thể ứng dụng phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu tự thân, thưa phó giáo sư?
- Đối với ung thư các mô đặc, hiện các nước trên thế giới mới chỉ nghiên cứu và ghép tế bào gốc tạo máu tự thân để điều trị hai loại ung thư là ung thư vú và ung thư buồng trứng.
Bệnh viện Trung ương Huế là trung tâm y tế đầu tiên ở VN nghiên cứu, ứng dụng điều trị hai loại ung thư bằng phương pháp này. Đối tượng được chọn ghép tế bào gốc là những bệnh nhân ung thư (vú và buồng trứng) giai đoạn nặng, hoặc bất kỳ giai đoạn nào nhưng đã xuất hiện di căn; bệnh nhân trải qua điều trị ban đầu bằng phẫu thuật, xạ trị, không mắc các bệnh mãn tính như tim mạch, đái tháo đường và các bệnh về máu; đặc biệt là bệnh nhân tự nguyện tham gia.
* Thưa ông, trường hợp những bệnh nhân ung thư vú đã được điều trị ra viện nhưng bị tái phát thì có thể tiếp tục điều trị bằng phương pháp ghép tế bào gốc được không?
- Tái phát, di căn sau hóa trị liều cao và ghép tế bào gốc là vấn đề thường gặp. Tuy nhiên tỉ lệ di căn do ghép tế bào gốc thấp hơn so với phương pháp điều trị thông thường. Hiện một số người vẫn nhận thức sai lầm khi cho rằng ghép tế bào gốc tạo máu tự thân chữa lành ung thư vú.
Trên thực tế Việt Nam chưa có các labo sinh học phân tử để có thể xét nghiệm được tế bào ung thư còn tồn tại sau ghép hay không. Song qua kết quả nghiên cứu của nhiều nước trên thế giới, với thời gian theo dõi sau năm năm, mười năm thì hóa trị liều cao và ghép tế bào gốc tạo máu tự thân có lợi ích về sống thêm không bệnh 5 năm, 10 năm, 20 năm... ở bệnh nhân giai đoạn nặng và đặc biệt là trên những phân nhóm trẻ tuổi.
Khi bệnh nhân xuất hiện tái phát di căn trở lại thì tùy theo thể trạng và mức độ tổn thương để chọn ra những phác đồ hóa chất, xạ trị hoặc nội tiết thích hợp cho người bệnh. Bệnh nhân có thể sử dụng liều tế bào gốc đã lưu trữ trước đây trong trường hợp bị suy tủy.
Bệnh viện Trung ương Huế luôn dự trữ hai liều tế bào gốc đủ tiêu chuẩn để ghép và khi cần có thể sử dụng lại liều đã dự trữ này để ghép cho bệnh nhân.
* Bác sĩ Phạm Xuân Dũng (phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM):
Thực chất là phương pháp đi theo Thông tin một số bệnh nhân ung thư (dạng bướu đặc - PV) ở Huế và Nghệ An khỏi bệnh ung thư nhờ ghép tế bào gốc chúng tôi có nghe. Những bệnh nhân này được ghép tế bào gốc tủy xương (còn gọi là ghép tủy). Mục đích ghép tế bào gốc tủy xương là để thay thế các tế bào tủy xương bị tổn thương do tế bào ung thư lấn vào hoặc do tế bào tủy xương bị tổn thương trong quá trình hóa trị, xạ trị điều trị ung thư cho bệnh nhân. Ghép tế bào gốc tủy xương thực chất là phương pháp đi theo. Có nghĩa là bệnh ung thư của bệnh nhân vẫn điều trị bằng hóa trị, xạ trị trước nhưng vì sử dụng liều cao nên làm tổn thương tế bào tủy xương. Khi đó ghép tế bào gốc tủy xương mới vào là phương pháp cứu cho bệnh nhân sống. Bản thân phương pháp ghép tế bào gốc tủy xương đơn thuần không có ý nghĩa điều trị ung thư. Từ năm 1990 y học đã nghiên cứu và đến nay chứng minh được ghép tế bào gốc tủy xương có ý nghĩa điều trị và có chỉ định cho những bệnh nhân bị bệnh lymphôm, bệnh bạch cầu, bệnh đa u tủy và một số bệnh về máu khác như bệnh hồng cầu hình liềm, bệnh thalassamia và hiệu quả điều trị chỉ thấy ở những bệnh lymphôm diễn tiến chậm và bạch cầu mãn... Còn phương pháp ghép tế bào gốc tủy xương có thực hiện trên bệnh nhân có bướu đặc hay không, có mang lợi ích gì hay không đến nay vẫn chưa có đánh giá thống nhất, chưa có chỉ định điều trị rộng rãi và vẫn còn đang nghiên cứu. * Một giảng viên khoa sinh học Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM: Không phải ai cũng khỏi bệnh Có một số loại ung thư khi áp dụng phương pháp ghép tế bào gốc điều trị thì thành công vài ca. Tuy nhiên, vài ca thành công không có nghĩa là các bệnh nhân đều có thể điều trị ung thư bằng ghép tế bào gốc là khỏi vì còn phụ thuộc cơ địa mỗi người rất nhiều và có cả yếu tố may mắn. Ngay cả bệnh ung thư điều trị bằng các biện pháp bình thường hiện nay vẫn có những bệnh nhân khỏi bệnh. Nhưng khỏi bệnh hiểu theo y học là khỏi lâm sàng hay khỏi bệnh sinh, bệnh nguyên. L.TH.H. ghi |
Sẽ họp hội đồng khoa học Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê cho biết sau khi Huế và Nghệ An công bố những ca bệnh ung thư vú đầu tiên chữa thành công bằng ghép tế bào gốc, rất nhiều bệnh nhân khắp cả nước đề nghị chuyển bảo hiểm y tế vào Huế và Nghệ An để được điều trị bằng phương pháp này. Tuy nhiên ông Khuê cho rằng đây là những ca điều trị thuộc đề tài nghiên cứu khoa học, chưa phải quy trình điều trị chính thức. Bộ Y tế đã đề nghị các bệnh viện ở Nghệ An và Huế báo cáo kết quả nghiên cứu, sau đó hội đồng khoa học sẽ xem xét, trường hợp được phép điều trị chính thức thì Bộ Y tế mới ban hành phác đồ điều trị chính thức để áp dụng rộng rãi. L.Anh |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận