Danh mục những ngành nghề kinh doanh có điều kiện đang được Chính phủ rà soát lại, nếu không trả lời được câu hỏi tại sao cấm thì sẽ để cho dân tự do kinh doanh.
Công khai, minh bạch hơn
Ông Đông cho biết quy định hiện hành chưa tách biệt rõ giữa yêu cầu thành lập doanh nghiệp và yêu cầu về điều kiện kinh doanh đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện, vì vậy đã đặt ra những thủ tục gây khó khăn, tốn kém không cần thiết cho việc thành lập doanh nghiệp.
Đồng tình với quan điểm sửa luật để tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc đăng ký kinh doanh, giải phóng sức sản xuất, nhưng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu một thực tế khác: Tình trạng làm ăn gian dối, lộn xộn, hàng nhái hàng giả, cạnh tranh không lành mạnh, doanh nghiệp ma... thì luật này có giải quyết được không? Ở các nước, luật người ta đề cập rất kỹ đến đạo đức kinh doanh, vi phạm là bị lên án và xử lý rất nghiêm. “Ta thì trời ơi xăng đem pha nước pha dầu, rau thì phun thuốc nọ thuốc kia, biết thực phẩm thối mà vẫn chở về bán...” - Chủ tịch Quốc hội nêu.
"Hiện nay Chính phủ đang yêu cầu các bộ thống kê và lập danh mục những ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Chúng tôi sẽ đề nghị các bộ, ngành trả lời rõ câu hỏi là tại sao ngành nghề này lại buộc phải kinh doanh có điều kiện, không có điều kiện thì ảnh hưởng gì? Nếu không giải thích rõ được tại sao cấm, tại sao phải có điều kiện thì phải để người dân tự do kinh doanh" Thứ trưởng ĐẶNG HUY ĐÔNG |
Đáp lại, Thứ trưởng Đông giải thích: luật này đặt ra một luật chơi chung, tăng cường công khai minh bạch, còn việc loại trừ những gian lận trên thương trường thì các doanh nghiệp, rồi xã hội giám sát và có hệ thống pháp luật xử lý. Các doanh nghiệp tự đăng ký trên nguyên tắc công khai, minh bạch và tự chịu trách nhiệm. Về phần chế tài thì cũng đã quy định theo hướng nâng chế tài lên.
Ví dụ đăng ký vốn điều lệ, nếu anh không có 100 tỉ đồng mà cứ khai vống lên để lợi dụng niềm tin của người dân, đối tác thì đó là hành vi gian dối có thể xử lý hình sự. Hoặc với quy định buộc đăng ký công khai trên mạng thì đối tác và xã hội có thể dễ dàng kiểm soát một cá nhân có bao nhiêu doanh nghiệp. Ví dụ ông có từ năm doanh nghiệp trở lên là đối tượng thuộc diện cảnh báo, thì ngân hàng, cơ quan thuế, đối tác có thể dễ dàng kiểm tra và được lưu ý về trường hợp này.
Theo ông Đông, tại lần sửa đổi này, ban soạn thảo đã bổ sung quy định về nhóm công ty mẹ - công ty con; cấm các công ty con trong cùng một nhóm công ty không được cùng nhau góp vốn, mua cổ phần để sở hữu chéo lẫn nhau. Bổ sung quy định nhằm làm rõ hơn cơ cấu và mối quan hệ giữa các công ty trong tập đoàn và yêu cầu minh bạch hơn đối với tập đoàn kinh tế, như: công khai điều lệ hoặc thỏa thuận về quy chế hoạt động chung tập đoàn, xác định rõ quyền và nhiệm vụ công ty mẹ trong tập đoàn, cách thức phối hợp tổ chức quản lý và hoạt động trong tập đoàn kinh tế...
“Hiến pháp nói là mọi người có quyền tự do kinh doanh những ngành nghề pháp luật không cấm. Nhưng trong luật này chúng ta quy định những ngành nghề kinh doanh có điều kiện, vậy giữa không cấm, cấm và có điều kiện là thế nào? Tại sao không quy định rõ những ngành nghề nào cấm và những ngành nghề nào có điều kiện?” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt vấn đề.
Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho rằng luật hóa những ngành nghề kinh doanh có điều kiện là rất khó, bởi kinh tế luôn phát triển, phát sinh rất nhiều ngành nghề mới, loại hình sản xuất kinh doanh mới.
“Hiện nay Chính phủ đang yêu cầu các bộ thống kê và lập danh mục những ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Chúng tôi sẽ đề nghị các bộ, ngành trả lời rõ câu hỏi là tại sao ngành nghề này lại buộc phải kinh doanh có điều kiện, không có điều kiện thì ảnh hưởng gì? Nếu không giải thích rõ được tại sao cấm, tại sao phải có điều kiện thì phải để người dân tự do kinh doanh” - ông Đông cho hay.
"Hiến pháp nói là mọi người có quyền tự do kinh doanh những ngành nghề pháp luật không cấm. Nhưng trong luật này chúng ta quy định những ngành nghề kinh doanh có điều kiện, vậy giữa không cấm, cấm và có điều kiện là thế nào? Tại sao không quy định rõ những ngành nghề nào cấm và những ngành nghề nào có điều kiện?" Chủ tịch Quốc hội NGUYỄN SINH HÙNG |
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng cho rằng đây là Luật doanh nghiệp chung nên chỉ quy định chung về nguyên tắc, còn điều kiện kinh doanh thế nào, cấm cụ thể ra sao, hạn chế thế nào thì phải để cho các luật chuyên ngành khác điều chỉnh.
“Nói có điều kiện tức là hạn chế chứ đâu phải cấm. Những ngành nào có điều kiện thì phải ghi vào luật này, rồi mới đến các luật chuyên ngành quy định, tức là các luật chuyên ngành phải căn cứ vào luật này chứ không thể tùy tiện đặt ra điều kiện” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói.
Theo Chủ tịch Quốc hội, nếu là doanh nhân khi cầm luật này lên phải biết là cấm ngành nào, nghề nào. Chứ quy định chung chung là cấm những ngành nghề liên quan đến an ninh, quốc phòng, sức khỏe nhân dân, thuần phong mỹ tục... thì sau này cứ viện vào đó để bắt doanh nhân à? “Có ngành nghề gì mà không liên quan đến những nội dung trên. May cái áo cũng liên quan đến thuần phong mỹ tục, đến truyền thống chứ. Quy định như thế này thì chết rồi” - Chủ tịch Quốc hội nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận