Ông ngượng cũng phải, vì thấy nông dân của mình suốt bao năm nay trân mình chịu đựng thiệt hại từ việc xả nước thải ô nhiễm từ nhà máy xử lý nước thải Sonadezi tại Khu công nghiệp Long Thành mà chẳng biết phải bênh vực thế nào.
Phóng to |
Di hại môi trường từ Sonadezi: Rạch Bà Chèo đen ngòm, hôi nồng nặc - ảnh Uyên Thư |
Bức xúc quá, ông mang cái danh “chủ tịch hội nông dân xã” của mình ra đề nghị cơ quan chuyên môn kiểm nghiệm chất lượng nước thải của khu công nghiệp với hi vọng tìm bằng chứng giúp dân, ngờ đâu kết quả lại “có màu, có mùi nhưng nằm trong ngưỡng cho phép”. Cơ quan chuyên môn kết luận vậy, ông dù có không tin cũng không thể thưa lại khác hơn với bà con. Thế nên khi bà con vặn lại “ở ngưỡng cho phép sao cá tôm chết?”, dĩ nhiên là ông cứng họng, ngọng miệng.
Trước ông một ngày, cũng trên Tuổi Trẻ, ông Hoàng Văn Bảy - cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và môi trường - trả lời tỉnh bơ “nếu không cấp phép họ vẫn cứ xả”, khi được hỏi phải chăng việc bộ cấp phép cho Sonadezi xả thải khi chỉ tiêu về độ màu chưa đạt tiêu chuẩn là tiếp tay, hợp thức hóa vi phạm.
Và cái “lẽ” được nhà quản lý này đưa ra rất rành rọt: “Vấn đề của cấp phép là để buộc việc vận hành nhà máy phải theo lộ trình, phải kiểm tra về các chỉ tiêu đảm bảo theo giấy phép, còn nếu không cấp phép thì việc xả thải vẫn diễn ra. Trước đó họ vẫn xả thải, nay nói đơn giản là trước khi có phép đơn vị này cũng xả thải rồi”.
Nghĩa là hiểu theo cách lý giải của ông, bộ cấp phép xả thải cho nhà máy Sonadezi để buộc đơn vị này có động lực khắc phục chỉ tiêu chưa đạt về độ màu và cũng để công ty khỏi mang tiếng xả thải không phép. Và theo ông, việc cấp phép khi độ màu chưa đạt chuẩn là bất khả kháng, nếu không cấp phép thì các chỉ tiêu khác có khi còn tệ hơn, thậm chí tình trạng xả thải xấu hơn. Nếu hiệu quả của việc làm “bất khả kháng” ấy đúng như ông nói thì may mắn quá. Đằng này hậu quả thế nào thì đã sờ sờ ra đó!
Một điều đáng nói khác là trả lời báo chí sau “sự kiện Sonadezi Long Thành”, hai lãnh đạo cao nhất của Tổng công ty Sonadezi - công ty mẹ, đều rất tự tin khẳng định rằng Sonadezi luôn làm đúng quy định pháp luật là “không xả trộm”.
Luôn làm đúng pháp luật mà ba năm bị phạt hành chính đến bốn lần vì xả nước thải vượt chuẩn? Không xả trộm thì sao phải đợi lúc nửa đêm? Hệ thống bị hư hỏng ư? Hư sao không báo cáo để cơ quan chức năng giám sát mà đợi đến lúc bị “túm” mới khai?
Để bảo vệ môi trường, không thể chỉ có cam kết, có hô hào mà đòi hỏi mỗi người, mỗi cơ quan, doanh nghiệp phải chứng minh ý thức bảo vệ môi trường của mình bằng hành động cụ thể, hằng ngày. Chứ cái kiểu nói một đằng làm một nẻo mà không biết ngượng miệng như các vị vừa kể trên, để cho ông chủ tịch hội nông dân xã phải ngượng thay như thế thì tình trạng ô nhiễm môi trường biết bao giờ cải thiện!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận