Đau hố chậu phải. Ảnh minh họa. Nguồn: curejoy.com
Con người có 2 hố chậu: phải và trái. Trong hố chậu đều có các cơ quan gọi là phủ tạng. Hố chậu trái gồm có có đại tràng xuống, niệu quản trái, phần phụ (nữ giới)... Hố chậu phải có đại tràng lên, manh tràng, ruột thừa, niệu quản phải, phần phụ( nữ giới)... Gần với 2 hố chậu còn có vùng dưới rốn. Dưới rốn có ruột già (đại tràng), trực tràng. Đau hố chậu phải là một triệu chứng hay gặp và nó biểu hiện của nhiều bệnh khác nhau, có bệnh mang tính chất mạn tính, có bệnh chỉ thoáng qua nhưng có bệnh mang tính chất cấp tính, nguy hiểm. Đau hố chậu trái cũng có một số bệnh và cũng rất dễ nhầm lẫn, gây rắc rối cho việc chẩn đoán và điều trị.
Những bệnh có thể gặp khi đau hố chậu phải
Viêm ruột thừa cấp tính: Viêm ruột thừa cấp tính của hầu hết người trưởng thành thường có biểu hiện là đau hố chậu phải kèm theo có thể có buồn nôn hoặc nôn, bí trung - đại tiện, sốt nhẹ. Nếu làm một số xét nghiệm và cận lâm sàng như công thức máu thấy bạch cầu tăng cao; siêu âm ổ bụng có thể thấy ruột thừa sưng to, có dịch ổ bụng; chụp X-quang ổ bụng không chuẩn bị có thể thấy đám mờ vùng hố chậu phải hoặc quanh manh tràng. Tuy vậy, có một số trường hợp viêm ruột thừa nhưng đau xuất phát đầu tiên từ thượng vị rồi sau đó mới khu trú ở hố chậu phải. Viêm ruột thừa ở trẻ em thì còn phức tạp hơn, khó chẩn đoán hơn, bởi vì chưa chắc đã đau ở hố chậu phải ngay từ đầu mà đau thượng vị hoặc quanh rốn; có thể có tiêu lỏng hoặc tiêu chảy. Khi ruột thừa viêm bị vỡ thì vùng hố chậu phải sẽ đau dữ dội.
Sỏi niệu quản phải: Sỏi niệu quản có thể có một bên nhưng cũng có thể gặp sỏi niệu quản 2 bên. Nếu bị sỏi niệu quản phải thì cơn đau của sỏi niệu quản có khi chỉ đau âm ỉ nhưng có khi đau quằn quại ở vùng hố chậu phải. Đau có khi xuyên ra sau lưng, lên thượng vị. Nếu có nhiễm trùng kèm theo có thể có sốt. Đau kèm theo tiểu buốt, tiểu dắt, tiểu máu (tiểu máu đại thể hoặc tiểu máu vi thể). Tiểu máu đại thể là tiểu máu mà mắt thường có thể quan sát được màu nước tiểu đỏ. Tiểu máu vi thể là tiểu máu khi thầy thuốc nghi ngờ có sỏi niệu quản, cho xét nghiệm nước tiểu thấy hồng cầu qua soi kính hiển vi quang học.
U nang buồng trứng xoắn: U nang buồng trứng gặp ở nữ giới có thể có một bên hoặc 2 bên. Khi u nang buồng trứng bên phải khi bị đau rất dễ nhầm lẫn với viêm ruột thừa. Khi u nang bị xoắn gây nên hiện tượng đau, đó là một bệnh cấp cứu sản - ngoại khoa.
Chửa ngoài tử cung
Chửa ngoài tử cung là hiện tượng trứng được thụ tinh mà không làm tổ ở trong buồng tử cung mà ở nơi khác như: Ngay tại vòi trứng (90%), tại buồng trứng (1%),ở cổ tử cung (0,5%) hoặc trong ổ bụng mẹ... Trong đó, vị trí thai ngoài tử cung ở ngay chỗ nối giữa vòi trứng và tử cung là nguy hiểm nhất, vì khó chẩn đoán được sớm. Khi thai vỡ sẽ gây mất máu nhiều, ảnh hưởng đến tính mạng và khả năng có thai sau này của sản phụ.
Đau bụng là triệu chứng chính của chửa ngoài tử cung, phần lớn sau khi tắt kinh sản phụ cảm thấy một bên bụng dưới bị cương đau âm ỉ. Nếu ống dẫn trứng bị vỡ, rách thì đột nhiên cảm thấy bụng đau như dao cắt. Nếu do ống dẫn trứng bị vỡ rách ra hoặc bị sảy thai, máu sẽ chảy vào ổ bụng, kích thích bàng quang hoặc trực tràng, có thể gây đi tiểu tiện liên tục và muốn đi đại tiện. Khi máu chảy đến phần bụng trên sẽ kích thích dạ dày gây đau dạ dày, kích thích cơ hoành cách sẽ gây đau xương bả vai theo phản xạ. Thường do đau bụng mà bệnh nhân đột nhiên cáu bẳn, còn kèm theo cả đau đầu, hoa mắt, sắc mặt trắng bệch, mồ hôi trộm ra đầm đìa, khi nặng còn bị hôn mê. Loại đau bụng này không những sợ bị ấn tay vào mà ngay cả thở cũng phải kiềm chế trong lồng ngực, không dám thở động đến bụng sợ bị đau. Nếu ra máu quá nhiều thì sẽ bị choáng.
Việc chẩn đoán thai ngoài tử cung không khó, chỉ cần đi khám thai đúng kỳ hạn. Khi mang thai thấy đau bụng hoặc ra máu bất thường cần đi khám bác sĩ ngay. Chửa ngoài tử cung càng được phát hiện sớm thì việc điều trị càng đơn giản. Với những khối thai chưa vỡ và có đường kính 3cm, bác sĩ có thể chỉ định tiêm một loại thuốc vào khối thai nhằm làm khối thai không tiếp tục phát triển sai vị trí và tự tiêu đi. Với những khối thai to hơn, phương pháp thông dụng là phẫu thuật mở hoặc phẫu thuật nội soi. Phẫu thuật nội soi có ưu điểm là làm giảm nguy cơ bị dính vùng bụng sau khi mổ. Tuy nhiên, nếu khối thai đã bị vỡ hoặc có quá nhiều máu trong ổ bụng bắt buộc bác sĩ phải tiến hành mổ hở.
Viêm đại tràng: có thể là cấp tính hoặc mạn tính. Viêm đại tràng cấp tính là đau bụng dọc theo khung đại tràng, kèm theo là đi ngoài. Viêm đại tràng mạn tính cũng đau bụng dọc theo khung đại tràng và cũng thường gặp đau ở vùng hố chậu phải, gây không ít khó khăn cho việc chẩn đoán chính xác. Nguy hiểm nhất là viêm ruột thừa nhầm với viêm đại tràng mạn tính.
Ngoài ra, đau hố chậu phải còn có thể do thoát vị bẹn phải cũng rất dễ nhầm với viêm ruột thừa và một số bệnh khác như vừa nêu ở phần trên.
Bệnh có thể gặp khi đau hố chậu trái
Những bệnh có thể gặp khi đau hố chậu phải thì ở hố chậu trái đều có thể gặp ngoại trừ bệnh viêm ruột thừa, bởi vì vị trí thông thường của nó là nằm ở hố chậu phải.
Cần cảnh giác khi đau hố chậu
Khi người lớn hoặc trẻ em kêu đau ở vùng hố chậu cần hết sức cảnh giác với một số bệnh cấp tính, nguy hiểm, nhất là vùng hố chậu phải. Khi đau hố chậu, đặc biệt là hố chậu phải thì chưa nên dùng bất kỳ một loại thuốc gì bằng đường uống hoặc đường tiêm mà nhanh chóng đưa ngay người nhà đến cơ sở y tế gần nhất để được khám. Bởi vì, nếu đau hố chậu khi chưa xác định được nguyên nhân mà dùng thuốc thì rất nguy hiểm cho tính mạng bệnh nhân. Các loại thuốc giảm đau sẽ làm mất hoặc giảm các triệu chứng, vì vậy dễ làm cho chẩn đoán nhầm, nhất là bệnh viêm ruột thừa, u nang buồng trứng xoắn, thai ngoài tử cung.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận