Ông Lê Bửu - Ảnh: T.P. |
Đặc biệt, cứ nghe hỏi đến các vấn đề thể thao là ông vẫn còn bừng bừng khí thế.
Như hôm qua 20-12, khi chúng tôi đặt ra câu hỏi qua điện thoại: Đại hội TDTT toàn quốc có cần phải tiếp diễn hay không, ông bảo chuyện này phải gặp nhau nói cho tới nơi tới chốn.
Thế là sáng đi dự một buổi lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân VN, trưa đi dự đám cưới của cháu một người thân, tiếp đến ông đón taxi đến thẳng tòa soạn Tuổi Trẻ, ngồi với chúng tôi 90 phút để trò chuyện về đại hội...
* Thưa ông, có quá nhiều vấn đề không hay đã lộ ra ở Đại hội TDTT toàn quốc lần 7-2014 khiến dư luận phải dấy lên một câu hỏi: Nên hay không nên tiếp tục tổ chức đại hội? Quan điểm của ông như thế nào?
- Trước sau như một, tôi vẫn xin nhắc lại ý nghĩa lớn nhất của thể thao đó là “Dân cường nước thịnh”, là “Sức khỏe là tài sản quý nhất của một quốc gia”.
Từ đó, mục tiêu bất di bất dịch của thể thao là “vì sức khỏe của nhân dân”. Để đạt được mục tiêu tối thượng này cần có nhiều con đường, trong đó đại hội TDTT là một con đường vô cùng quan trọng.
Đại hội TDTT toàn quốc là thước đo sau một giai đoạn bốn năm (trước đây là năm năm) thực hiện các chính sách về thể thao. Nó như kỳ thi tốt nghiệp nhằm đánh giá một cách toàn diện về một giai đoạn học tập.
Chất lượng học tập ở các môn thể thao học đường, thể thao cho thanh niên, thể thao cho lực lượng vũ trang... sẽ được phản ánh qua kết quả của kỳ thi “Đại hội TDTT toàn quốc”. Vì vậy, xét về ý nghĩa chiến lược, việc tổ chức đại hội TDTT toàn quốc là rất cần thiết.
* Nói như ông, nghĩa là có khoảng cách giữa “ý nghĩa” và “thực tế”?
- Đúng vậy. Thực tế báo chí đã nêu rất nhiều rồi. Ví dụ tổ chức đại hội mà người dân không quan tâm, thể hiện qua việc khán đài trống vắng.
Nhiều tỉnh thành đi vay mượn VĐV của các nơi khác để kiếm thành tích nhằm báo cáo; lãng phí như một tỉnh nhỏ Hà Nam tổ chức thi đấu có vài môn mà xây nhà thi đấu hơn ngàn tỉ đồng...
Bản thân tôi vừa rồi cũng được mời ra Nam Định để dự Đại hội TDTT toàn quốc lần 7 và cảm nhận chung là hết sức hình thức. Nếu lãnh đạo Bộ VH-TT&DL không uốn nắn nổi đại hội trở về đúng bản chất, đúng yêu cầu và mục tiêu thì không nên tổ chức đại hội làm gì.
* Thật ra Đại hội TDTT toàn quốc lần 7 chỉ là một vệt mực xám trong bức tranh thể thao VN chẳng sáng sủa gì trong nhiều năm gần đây. Ông có đồng tình với nhận định này?
- Đúng vậy, thể thao đang có nhiều vấn đề hết sức đáng lo. Trong đó, điều tôi đặc biệt lo ngại là việc nhận thức lệch lạc về thể thao.
Rất nhiều người cho rằng thể thao chỉ là chuyện vui chơi giải trí, không thật sự quan trọng. Vì thế, có khó khăn là cắt ngân sách dành cho thể thao, sẵn sàng cung cấp đất để xây dựng các công trình phục vụ lợi ích kinh tế, nhưng với thể thao thì không.
Trước đây Chính phủ đã có chỉ thị 274 về quy hoạch đất cho thể thao, cụ thể mỗi đầu học sinh phải có 4,2m2 đất, nhưng cả chục năm rồi và tôi biết chỉ giậm chân tại chỗ ở mức 1/3 so với mục tiêu là sao?
Người ta quên rằng đầu tư hiệu quả cho thể thao là giảm chi phí ở y tế, là nâng cao năng suất lao động, là đẩy lùi các tệ nạn...
Tôi xin nhấn mạnh ở cụm từ “đầu tư hiệu quả”, bởi không phủ nhận tình trạng tiền ngân sách đầu tư cho thể thao lâu nay thật sự thiếu hiệu quả bởi năng lực quản lý có vấn đề, thậm chí không loại trừ cả chuyện tiêu cực. Sự thiếu hiệu quả là do con người chứ không phải do thể thao.
* Ở các nước tiên tiến người ta có công thức cụ thể để chỉ ra rằng một đồng đầu tư hiệu quả cho thể thao sẽ thu về cụ thể bao nhiêu đồng từ giảm chi y tế, tăng năng suất lao động... Nhưng ở ta xưa nay chưa hề thấy làm chuyện này?
- Tính chi li như thế thì chưa nhưng bản chất thì có.
Xin cứ lật lại chỉ thị 36 của Ban Bí thư về quy hoạch xây dựng ngành TDTT đến năm 2025, chỉ thị 133 của Chính phủ quy hoạch TDTT từ năm 1995-2025... mà xem vai trò của TDTT được đánh giá quan trọng như thế nào. Tất cả hình như đã bị lãng quên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận