22/10/2015 17:05 GMT+7

Không nên buộc các hộ dân xây hồ chống ngập tại nhà

KTS LÊ CÔNG SĨ
KTS LÊ CÔNG SĨ

TTO - Rất nhiều bạn đọc băn khoăn về việc xây hồ chống ngập tại nhà. Từ hôm nay, TTO  giới thiệu ý kiến của các chuyên gia xung quanh vấn đề này.

Người dân khổ sở lội nước ngập dưới cơn mưa lớn trên đường Kinh Dương Vương, TP.HCM - Ảnh: THANH TÙNG

Tôi tán thành dự án quy hoạch mạng lưới hồ điều tiết phân tán do Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM đang nghiên cứu với bốn cấp nhằm mục đích trữ nước mưa trước khi xả vào hệ thống cống thoát nước chung. 

Trong đó có hồ cấp bốn là những hồ điều tiết trong nhà của mỗi hộ dân.

Các hộ dân khi xây dựng nhà buộc xây thêm hồ chứa nước?

Theo đó, các hộ dân khi xây dựng nhà (bị buộc) phải xây thêm hồ chứa nước 1-2m3 với các chất liệu khác nhau ở trên mái hoặc xây ngầm nhằm mục đích trữ nước khi trời đang mưa.

Sau đó sẽ đưa ra sông sau mưa nhằm giảm áp lực cho hệ thống thoát nước chung và do vậy giảm ngập cho thành phố.

Không bàn về cơ sở pháp lý của việc buộc các hộ dân xây hồ điều tiết này, bởi đúng như nhận định của TS Hồ Long Phi - giám đốc Trung tâm quản lý nước và khí hậu, Đại học Quốc gia TPHCM - rằng vấn đề này hoàn toàn có thể thể chế thành quy định.

Theo đó, hạng mục này hoàn toàn có thể xem là bắt buộc trong quy định về thủ tục xin phép xây dựng và hoàn công (tương tự như quy định bắt buộc đối với hầm tự hoại).

Đồng thời, tuy mỗi hộ dân khi xây dựng hồ điều tiết chỉ có thể giảm 1-2m3 ra hệ thống cống của thành phố song theo nguyên tắc “ tích tiểu thành đại” nếu hàng ngàn hộ dân đều xây dựng hồ chứa nước thì lượng nước bị ngăn không cho thải vào hệ thống cống thoát nước chung là không nhỏ, từ đó hệ quả giảm ngập cho thành phố là đúng về nguyên tắc.

Tuy vậy, tôi không khỏi băn khoăn về tính khả thi của dự án hồ điều tiết cấp bốn (hồ tại gia).

​Không nên xây hồ điều tiết ở mái nhà dân

Thứ nhất, tôi không nghĩ tác dụng giữ nước của hồ điều tiết trong trường hợp xây dựng trên mái bằng tương tự với việc tạo vườn và trồng cây trên sân thượng.

Rõ hơn,về nguyên tắc, tất nhiên trồng cây tạo vườn trên sân thượng có tác dụng tích cực về mặt khí hậu, góp phần “sống xanh” song khả năng giữ nước của vườn cây trên sân thượng không nhiều so với hồ điều tiết.

Khác với vườn dưới đất nước sẽ thấm theo cơ chế tự nhiên sâu xuống lòng đất, ngược lại nước sau khi thấm vào lớp đất tạo vườn trên sân thượng (rất ít) sẽ bão hòa và sau đó cũng sẽ tìm cách thoát ra khỏi vườn, vào hệ thống thu gom nước theo thiết kế và thải ra hệ thống thoát nước chung.

Như vậy, việc xây hồ điều tiết trên sân thượng vẫn sẽ hiệu quả hơn đối với tác dụng thu giữ nước giảm quá tải cho hệ thống thoát nước chung, xét về nguyên tắc.

Thứ hai, như đã nói trên, vườn trên sân thượng không thể thay thế vai trò hồ điều tiết song để xây dựng hồ chứa nước trên mái thì đúng như các ý kiến đă phân tích là sẽ khá phức tạp trong công tác duy tu, bảo trì, đặc biệt làm tăng đáng kể chi phí đầu tư xây dựng cho ngôi nhà.

Nguyên do: để xây hồ chứa trên mái không đơn giản chỉ là ngôi nhà phải đúc mái bằng bê tông cốt thép (ít nhất là tại vị trí hồ) mà ngoài ra còn phải xây kín thành hồ từ đó chắc chắn phải có giải pháp xử lý kiến trúc tiếp theo cho ngôi nhà nếu chủ nhà không muốn biến ngôi nhà của mình thành những cái “lô cốt” khó coi, từ đó ngoài việc tăng chi phí đầu tư cho phần móng chắc chắn tổng chi phí ngôi nhà sẽ phải tăng bởi nguyên do vừa nêu.

Ngoài ra việc xử lý chống thấm, chống tràn cho các hồ trên mái tuy đơn giản về nguyên tắc song thực tế hoàn toàn không đơn giản đối với các hộ gia đình “tay ngang”.

Lo ngại tốn nhiều chi phí và mối nguy hiểm thường trực từ “quả bom nước” trên đầu không phải không có cơ sở nên khả năng xây hồ trên mái chắc chắn rất khó.

Thứ ba, cách an toàn nhất để làm hồ tại gia có lẽ vẫn là xây hồ dưới đất. Trong trường hợp này có thể có hai loại hồ là hồ “nổi” hoặc hồ ngầm.

Đối với các hộ gia đình có diện tích đất lớn để xây nhà biệt thự hoặc nhà phố có khoảng lùi, sân vườn thì vấn đề khá đơn giản.

Khi này hồ có thể được xây nổi (kín hoặc hở) kết hợp với sân vườn, cảnh quan. Hồ được xây nổi dù kín hay hở sẽ thuận lợi cho việc vận hành, duy tu và bảo trì.

Tuy vậy trong cấu trúc đô thị như TPHCM hiện nay, nhà lô phố với diện tích không lớn chiếm mật độ dày đặc, việc xây hồ nổi như nói trên chắc chắn không nhiều, nên giải pháp còn lại là xây hồ ngầm và chắc chắn phải là hồ kín.

Về nguyên tắc, do hồ được thiết kế với tác dụng giữ nước khi trời mưa và chỉ xả ra sông sau mưa nên khi mưa nước được thu gom theo hệ thống ống thoát từ các vị trí ban công các tầng và mái nhà sẽ thu tập trung về hồ và chắc chắn sẽ đến thời điểm nào đó sẽ đầy hồ.

Trong trường hợp nước trong hồ chưa kịp thải ra hệ thống chung (do trời còn mưa hoặc do chủ nhà chưa kịp mở van xả) sẽ gây hiện tượng “trào ngược” (nếu không được thiết kế ống báo tràn đúng cách), khi này nước thoát từ các vị trí (ban công, mái nhà) không theo các ống thu gom để tập trung vào hồ nữa mà dễ tràn vào nhà, ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt của gia đình.

Cuối cùng, với hồ ngầm và xây kín, việc bố trí và điều chỉnh van xả từ hồ ra hệ thống thoát nước chung (vận hành hồ) hoàn toàn không đơn giản.

Ngoài ra, nói nước từ các hồ tại các hồ dân sẽ đưa ra sông sau mưa song thực chất là đưa ra hệ thống cống thoát nước chung của khu vực. Do vậy, hồ điều tiết tại gia chỉ có thể có tác dụng đối với khu vực dân cư không bị ngập cục bộ, tức nước từ hệ thống chung phải được nhanh chóng rút ra sông sau mưa.

Ngược lại trong trường hợp khu vực bị ngập cục bộ, việc xây hồ điều tiết không khéo sẽ là “lợi bất cập hại” do khi mở van xả nước (bẩn) từ hệ thống thoát công cộng chảy ngược vào hồ trong khi lẽ ra phải ngược lại (?!).

Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM đang nghiên cứu dự án quy hoạch mạng lưới hồ điều tiết phân tán để giảm ngập úng, dự kiến sẽ chuyển cho Sở Quy hoạch - kiến trúc TP.HCM thẩm định trong thời gian tới.

Dự án này quy hoạch hệ thống hồ điều tiết của TP làm hai loại. Một loại hồ điều tiết có kích cỡ lớn vài trăm hecta, loại còn lại là những hồ có diện tích nhỏ, vài ngàn mét vuông hoặc thậm chí chỉ là bể chứa được 1 - 2m3 nước đặt dưới nền hoặc trên mái nhà của dân.

Người dân có thể xây hồ bằng ximăng bốn phía, dưới đáy để trống cho nước thẩm thấu xuống đất...

Mời bạn đọc cho ý kiến của mình theo thăm dò dưới đây:

 

KTS LÊ CÔNG SĨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp