Theo ông Hậu, hết năm nay, dự kiến các doanh nghiệp Việt Nam xuất được khoảng 300.000 tấn cá da trơn, tức gấp đôi sản lượng trước khi Mỹ tuyên bố chống bán phá giá. Lúc Mỹ tuyên bố chống bán phá giá, cá tụt giá xuống dưới 10.000 đồng/kg nhưng trong năm 2004 này có lúc giá cá đứng ổn định ở mức 15.000 đồng/kg (tăng 50%) và từ đầu năm đến nay mức cung, cầu của thị trường cá da trơn cân bằng, nông dân đạt lợi nhuận cao.
Tuy nhiên, ông Hậu cho biết, theo thống kê mới nhất, vùng ĐBSCL trong năm 2005 có khả năng cung ứng cho thị trường 430.000 thậm chí 500.000 tấn nguyên liệu cá da trơn. Cung như thế là vượt cầu, tức lệch pha, mà lệch pha thì nông dân thường phải chịu lỗ. Cái chính là tới đây phải có một “nhạc trưởng” điều phối “bản nhạc cung cầu” này. VASEP không thể đảm đương được vai trò nhạc trưởng.
Vậy ai sẽ đảm trách, cái đó thuộc tầm quản lý vĩ mô và phải làm sớm bởi cá da trơn hiện đang là siêu lợi nhuận. Tỉnh nào cũng tăng nuôi, liên tục xây thêm nhà máy chế biến xuất khẩu cá da trơn thì khủng hoảng thừa là điều không tránh khỏi. Việc cho ra đời một tổ chức có vai trò "nhạc trưởng" là để điều phối sao cho cung cầu không lệch pha. Có thế nông dân mới đạt lợi nhuận cao nhất.
Thị trường chính của cá da trơn hiện nay là châu Âu, kế đến là Mỹ, ông Hậu nói. Thị trường phát triển tốt là châu Á, nhất là Trung Quốc. Các thị trường đang mở mới ở Nam Mỹ hứa hẹn nhiều tiềm năng. Về thị trường Trung Quốc, ông Hậu nhấn mạnh, đây là một thị trường lớn, giàu tiềm năng. Các nhà nhập khẩu nước này chuộng sản phẩm cá da trơn giá thấp, xuất hàng vào họ không khó nhưng điều kiện tiên quyết là giá phải ổn định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận