
Chấn tâm động đất trên thế giới - Ảnh chụp lại màn hình
Sau trận động đất mạnh 7,7 độ ở Myanmar gây rung động ở Hà Nội, TP.HCM, nhiều người dân cũng đặt ra câu hỏi về nguy cơ và khả năng xảy ra động đất tại Việt Nam như thế nào?
Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Hồng Phương - chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Vật lý địa cầu, Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam - cho biết các trận động đất mạnh tập trung ở dọc các vành đai lửa.
Có ba vành đai lửa lớn nhất hành tinh là Thái Bình Dương, Địa Trung Hải - Himalaya và kéo dài theo dải núi ngầm từ Bắc Băng Dương qua Đại Tây Dương về phía nam.
“Việt Nam không nằm trên vành đai lửa nên chúng ta an toàn, không xảy ra những trận động đất hủy diệt như ở Sumatra - Andaman năm 2004 (mạnh 9,3 độ) lấy đi tính mạng của khoảng 300.000 người hay động đất mạnh như ở Myanmar vừa qua” - ông Phương nói.
Tuy nhiên Việt Nam vẫn có khả năng xảy ra các trận động đất mạnh, do trên lãnh thổ nước ta có nhiều hệ thống đứt gãy dài hàng chục km đến hàng trăm km và các đứt gãy sâu nên vẫn phát sinh động đất.
Ông Phương cho biết theo các số liệu ghi nhận được thì các trận động đất ở miền Nam nước ta yếu hơn rất nhiều so với động đất miền Bắc.
Lý do là các nguồn phát sinh động đất ở miền Bắc là các đới đứt gãy rất sâu, mang tên các con sông và trải dài khắp miền Bắc như đứt gãy sông Đà, đứt gãy sông Hồng, đứt gãy sông Chảy, đứt gãy sông Lô, đứt gãy sông Mã. Đây là các nguồn phát sinh động đất mạnh, nhất là khu vực Tây Bắc.
"Hai trận động đất mạnh nhất trong lịch sử Việt Nam ghi nhận được ở Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên) năm 1983 và Điện Biên năm 1985 với cường độ lần lượt 6,8 và 6,7 độ, điều này chứng tỏ động đất tương đối mạnh.
Nếu động đất mạnh 6,8 độ như ở Tuần Giáo mà xảy ra ở Hà Nội thì sẽ như thế nào? Chính vì vậy chúng ta phải nghiên cứu đứt gãy nào có khả năng phát sinh động đất để có giải pháp phòng ngừa, ứng phó để giảm thiểu thiệt hại" - ông Phương nói.

Đá từ trên núi lăn xuống một nhà dân ở Hòa Bình do ảnh hưởng của động đất mạnh 4 độ xảy ra sáng 25-3-2024 ở huyện Mỹ Đức, Hà Nội - Ảnh: H.KHÔI
TS Nguyễn Xuân Anh, giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần (Viện Khoa học Trái đất), từng cho biết những nghiên cứu của Viện Vật lý địa cầu (nay là Viện Khoa học Trái đất) cho thấy hai trận động đất mạnh nhất Việt Nam ở Điện Biên và Tuần Giáo gây ra những rung động trên bề mặt đất ở vùng gần tâm chấn (cường độ chấn động trên bề mặt) cấp 8, cấp 9 theo thang MSK-64.
“Trong những nghiên cứu của chúng tôi đánh giá trong tương lai, khu vực Tây Bắc vẫn có thể xảy ra những trận động đất có độ lớn tương tự và những rung động trên nền xảy ra ở những khu vực tâm chấn có thể ở cấp 8, cấp 9” - ông Xuân Anh nói.
Theo ông Xuân Anh, các động đất có cường độ chấn động trên bề mặt cấp 8, cấp 9, người dân dễ dàng cảm nhận rung lắc và sợ hãi.
Hai trận động đất tại Điện Biên và Tuần Giáo trước đây không gây thiệt hại lớn vì khi đó những công trình, những vùng lân cận chưa xây dựng nhiều.
“Nếu xảy ra động đất có cường độ chấn động trên bề mặt cấp 8, cấp 9 thì các công trình xây dựng ở các tỉnh Đông Bắc, Tây Bắc mặc dù kháng chấn thì vẫn có thể bị thiệt hại và mức độ ảnh hưởng tương đối nặng” - ông Xuân Anh nói và cho biết cường độ chấn động bề mặt cấp 9 có thể gây hư hại hoàn toàn nhà cửa, nền đất có thể bị nứt rộng 10cm, còn cấp 8 sẽ phá hoại nhà cửa.
Động đất mạnh 6-7 độ có năng lượng giải phóng tương đương 37 quả bom nguyên tử
Theo ông Phương, các trận động đất mạnh từ 4-5 độ (độ lớn M) tương ứng với cường độ chấn động trên bề mặt cấp 4-5 theo thang MSK-64, năng lượng giải phóng tương đương 3/100 bom nguyên tử rơi xuống Hiroshima (Nhật Bản) hoặc 15 tấn thuốc nổ TNT.
"Đây là những gì đang diễn ra ở Kon Plông (Kon Tum), trận động đất lớn nhất ở đây mạnh 5 độ (ngày 28-7-2024)" - ông Phương nói.
Nếu động đất mạnh 5-6 độ thì cường độ chấn động trên bề mặt cấp 6-7, tương đương 1 quả bom nguyên tử.
"Ở Tuần Giáo và Điện Biên từng xảy ra động đất mạnh 6,8 và 6,7 độ, tương đương cường độ chấn động trên bề mặt cấp 8-9, năng lượng giải phóng tương đương 37 quả bom nguyên tử" - ông Phương chia sẻ
Cũng theo ông Phương, các trận động đất mạnh từ 7 độ trở lên thường là thảm họa. Ví dụ như trận động đất mạnh 9,3 độ ở Sumatra - Andaman gây ra sóng thần làm 300.000 người chết, trận động đất này giải phóng năng lượng tương đương 36.700 quả bom nguyên tử hoặc 475.000.000 tấn thuốc nổ TNT.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận