23/07/2017 11:08 GMT+7

Không mở thêm đường, có bao nhiêu cầu vượt vẫn kẹt

TÂM ĐỨC - THU DUNG ghi
TÂM ĐỨC - THU DUNG ghi

TTO - Mỗi khi kẹt xe xảy ra ở đường Trường Sơn là “kẹt toàn đường” trên mỗi hướng vào - ra sân bay Tân Sơn Nhất, nên làm cầu vượt cũng không thể giải quyết được.

Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến một số chuyên gia về các giải pháp "giải cứu" giao thông xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất.

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn - Ảnh: T.T.D

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn: Bao nhiêu cầu vượt vẫn kẹt xe

Về nguyên tắc, giao thông đô thị không cắt ngang sân bay. Việc cho phép đi đường Phạm Văn Đồng vào sân bay thông qua đường Trường Sơn vào trung tâm là nguyên nhân khiến giao thông qua khu vực bị ùn tắc.

Giải pháp để giải quyết tình trạng kẹt xe ở trước sân bay là cần gấp rút làm đường vành đai sân bay, phải là đường hai chiều. Các tuyến kết nối vào đó bao gồm các đường Trường Chinh, Quang Trung, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Trỗi.

Khi đó, nếu các phương tiện không vào sân bay sẽ di chuyển vào đường vành đai để vào trung tâm. Làm được đường vành đai sân bay và không để giao thông đô thị cắt ngang với giao thông sân bay sẽ giảm kẹt xe, nếu không thì dù có làm bao nhiêu cầu vượt cũng vẫn kẹt.

Chuyên gia hàng không Lương Hoài Nam - Ảnh: HỮU KHOA

Chuyên gia hàng không Lương Hoài Nam: Gấp rút triển khai 6 cửa liên thông 

Cầu vượt trên đường Trường Sơn trước các nhà ga T1, T2 hiện hữu không giúp được gì nhiều trong việc giảm kẹt xe.

Mỗi khi kẹt xe xảy ra ở đường Trường Sơn là “kẹt toàn đường” trên mỗi hướng vào - ra, không phải chỉ ở giao lộ Trường Sơn - Hồng Hà/Bạch Đằng, nên một cây cầu vượt chỗ đó không thể giải quyết được.

Đường Trường Sơn đang phục vụ 4 đối tượng: người ra vào các nhà ga, người làm việc ở khu vực này, người có nhà sống ở khu vực này và người đi ngang qua khu vực này (chủ yếu là giữa khu vực vòng xoay ngã sáu Nguyễn Thái Sơn và khu vực công viên Hoàng Văn Thụ).

Đặc điểm của con đường này là không có các đường thoát, đã đi vào rồi là chỉ còn cách đi thẳng, có kẹt xe phía trước cũng phải chịu, thế nên thời gian kẹt xe có thể kéo dài nhiều giờ.

Do vậy, cần sớm xây thêm nhà ga mới và mở đường kết nối đủ mạnh với nhà ga mới ở vị trí khác để giảm tải cho cả các nhà ga hiện tại và đường Trường Sơn.

Đó là ga hàng không lưỡng dụng (T3) với công suất 9,8 triệu khách/năm đã được quy hoạch, thiết kế xong. Ga hàng không lưỡng dụng đã được đưa vào quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất năm 2015 của Bộ GTVT và Bộ Quốc phòng, tiếp giáp với sân đỗ 21ha mới được Bộ Quốc phòng bàn giao cho Bộ GTVT để cải tạo, nâng cấp và đưa vào khai thác dân dụng.

Đồng bộ với nhà ga T3, một trục đường lớn cũng đã được quy hoạch chi tiết chạy song song với đường Cộng Hòa. Bắt đầu từ nút giao Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện, kết thúc tại khu vực nút giao Cộng Hòa - Trường Chinh (thay cho tuyến đường 4 làn xe Phan Thúc Duyện nối dài - Nguyễn Hiến Lê - C12 Cộng Hòa).

Trục đường này đã có trong quy hoạch giao thông của thành phố, nhưng nhiều năm qua chưa triển khai được vì khó khăn liên quan phần đất quốc phòng lẫn phần đất dân dụng.

Trục đường này rất quan trọng, có 3 đoạn, trong đó 2 đoạn đã thống nhất được hướng tuyến, chỉ còn đoạn cuối cùng cần điều chỉnh để cách xa hàng rào sân bay. Nó cũng cần được kết nối với các tuyến cao tốc trên cao số 1 và số 2 mà TP.HCM đang chuẩn bị đầu tư (và rất cần đẩy nhanh tiến độ).

TP.HCM nên sớm thống nhất với Bộ GTVT và Bộ Quốc phòng để triển khai. Khi đó, nhà ga T3 sẽ có đến 4 cổng (từ Phan Thúc Duyện, từ 18E Cộng Hòa, từ Hoàng Hoa Thám và từ khu vực giao lộ Cộng Hòa - Trường Chinh), nâng tổng số cổng vào sân bay từ 2 cổng (đường Trường Sơn và cặp đường Hồng Hà - Bạch Đằng) lên 6 cổng liên thông.

Điều này sẽ giải quyết một cách căn bản cả vấn đề quá tải nhà ga và quá tải giao thông ra vào sân bay.

TÂM ĐỨC - THU DUNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp