25/12/2019 13:26 GMT+7

Không làm được việc thì chủ động xin nghỉ, đó mới là nêu gương

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc ngành tổ chức xây dựng Đảng, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đặc biệt lưu ý đến công tác cán bộ, khi thời điểm đại hội Đảng các cấp đã cận kề.

Không làm được việc thì chủ động xin nghỉ, đó mới là nêu gương - Ảnh 1.

Thường trực Ban Bí thư phát biểu tại hội nghị - Ảnh: L.K.

Cuối buổi sáng 25-12, sau khi nghe lãnh đạo Ban Tổ chức trung ương báo cáo và ý kiến phát biểu của lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương, ông Trần Quốc Vượng đã phát biểu hơn 30 phút, trong đó đặc biệt lưu ý đến công tác lựa chọn cán bộ cho nhiệm kỳ tới.

Đã kiềm chế, ngăn chặn "chạy chức", "chạy quyền"

Theo Thường trực Ban Bí thư, cùng với các kết quả ấn tượng trong phát triển kinh tế - xã hội, vị thế đất nước được nâng cao trong thời gian qua, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, chống "chạy chức", "chạy quyền" có chuyển biến mạnh mẽ, đạt kết quả rất quan trọng, được nhân dân đồng tình, tin tưởng và ủng hộ.

"Việc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hòa" trong nội bộ được tiến hành kiên quyết, kiên trì với nhiều biện pháp đồng bộ, mạnh mẽ, toàn diện và từng bước có chuyển biến quan trọng" - ông Vượng nói.

Thường trực Ban Bí thư nhận xét rằng quy trình công tác cán bộ tiếp tục được đổi mới, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, công bằng, chặt chẽ hơn; đồng thời phát huy trách nhiệm của tập thể cấp ủy, tổ chức Đảng, đề cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan tham mưu, thành viên cấp ủy, lãnh đạo và người đứng đầu.

Đáng chú ý, ngành tổ chức đã chú trọng xây dựng cơ chế để đổi mới đánh giá cán bộ; thực hiện thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý; chủ động trong việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí cán bộ nhằm chuẩn bị nhân sự cho đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ tới và Đại hội XIII của Đảng. Tình trạng "chạy chức", "chạy quyền" bước đầu đã được kiềm chế, ngăn chặn.

Một trong những kết quả nổi bật kể từ đầu nhiệm kỳ là việc thực hiện luân chuyển cán bộ mang lại hiệu quả cao. Những cán bộ được luân chuyển phần lớn đã khẳng định được vai trò, năng lực, được đào tạo, bồi dưỡng trong thực tiễn cuộc sống, công việc.

Đạt được như vậy, theo ông Vượng, là do ngành tổ chức đã thay đổi cách làm so với trước, không luân chuyển "ồ ạt" theo từng đợt (luân chuyển cách này có nguy cơ để "lọt lưới"), mà đã thực hiện luân chuyển gắn với nhu cầu của địa phương, với chủ trương điều động, bồi dưỡng cán bộ.

Thành bại là ở cán bộ

Nhấn mạnh vấn đề này, ông Trần Quốc Vượng nói rằng đó không chỉ là lý thuyết mà còn là thực tế sống động. Trong lịch sử, sự sụp đổ các nước XHCN ở Đông Âu và Liên Xô để lại bài học quý giá về vai trò cán bộ lãnh đạo.

Nhìn thẳng vào thực tế, mặc dù đã đạt được những kết quả như đã nêu, ông Trần Quốc Vượng cho rằng "hiện nay chất lượng, cơ cấu đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ chưa được như mong muốn. Những biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong một bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn còn diễn biến phức tạp".

Ông Vượng lưu ý: Công tác nhân sự nhiệm kỳ tới phải bảo đảm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ mà trực tiếp là Ban Chấp hành trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy.

Cấp ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025 phải đặc biệt coi trọng chất lượng, có số lượng và cơ cấu hợp lý; tiêu biểu về trí tuệ, phẩm chất, uy tín, thật sự trong sạch, vững mạnh, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo trong tình hình mới, thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Ông Trần Quốc Vượng yêu cầu ngành tổ chức xây dựng Đảng phải có biện pháp để kiên quyết sàng lọc, không để lọt vào cấp ủy khoa mới những người bản lĩnh chính trị không vững vàng; phẩm chất, năng lực, uy tín giảm sút; thiếu gương mẫu, mất đoàn kết, cục bộ, bè phái, cơ hội, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh.

"Thực tế cho thấy cũng là cơ chế ấy, con người ấy, nhưng khi có cán bộ dám nghĩ dám làm thì nơi đó có thành tích, phát triển tốt, còn nơi nào lãnh đạo không vì cái chung, bè phái, cục bộ thì nơi đó mất đoàn kết, phong trào đi xuống" - ông phân tích.

Đề cập đến vấn đề nêu gương, ông Vượng nhấn mạnh rằng "những cán bộ tự cảm thấy không đủ năng lực, không đáp ứng yêu cầu công việc thì chủ động xin nghỉ, đó mới là nêu gương".

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp