28/11/2013 08:44 GMT+7

"Không hối hận vì đã sinh con"

MY LĂNG - MINH MẪN
MY LĂNG - MINH MẪN

TT - Khi cặp con trai song sinh 14 tháng tuổi được tách rời thành công sau ca phẫu thuật kéo dài 12 giờ (Tuổi Trẻ ngày 27-11), vợ chồng chị Nguyễn Thị Hồng Lam và anh Nguyễn Thanh Phiên (Ninh Thuận) như muốn khuỵu xuống trong niềm hạnh phúc vô bờ.

ongV1Zm1.jpgPhóng to
TS.BS Trương Quang Định bên bé Phi Long sau khi được tách rời - Ảnh: TS.BS Trương Quang Định cung cấp

Gần 430 ngày qua họ đã đồng hành cùng hai con, bé Nguyễn Hoàng Phi Long và Nguyễn Hoàng Phi Phụng, 14 tháng tuổi với bao đau khổ, âu lo và cả những niềm vui nhỏ bé. TS.BS Trương Quang Định - phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) - cho biết: “Vợ chồng chị Lam anh Phiên đã bỏ cả công việc ở quê vào đây theo con, vừa làm thuê làm mướn vừa chăm sóc con khiến chúng tôi rất xúc động”.

14 tháng đợi chờ, hi vọng

“Để chăm sóc hai bé, điều dưỡng của khoa chia làm ba ca. Mỗi ngày ba mẹ chỉ được vào thăm bé 15 phút. Vì thế, hơn một năm qua, 24 điều dưỡng là 24 cha, mẹ chăm sóc hai bé. Khi đón lấy hai bé tách rời nhau chuyển về phòng hồi sức, chúng tôi vui lắm. Đó là phần thưởng cho sự dũng cảm của Long - Phụng và cho cả ba mẹ hai bé. Giờ chúng tôi chỉ mong đến ngày Long - Phụng có thể cười nói, chạy nhảy như bao đứa trẻ khác”

Điều dưỡng trưởngHuỳnh Thị Phương Thảo

Ngày đó, khi mang thai đến tuần thứ 25, lúc đi siêu âm ở Bệnh viện Ninh Thuận, chị Lam đã được bác sĩ thông báo song thai dính nhau. Song họ vẫn quyết định giữ con. “Con là con của chúng tôi. Dù con có hình hài như thế nào cũng vẫn là con mình” - chị Lam nhớ lại. “Thương lắm... - chị Lam nói, đôi mắt đỏ hoe - Tôi hay nói chuyện với con, gọi “bé anh”, “bé em”. Bốn tháng, nó đã đạp mạnh. Bé anh nằm bên phải rất hay đạp. Còn bé em bên trái thì không. Khi tôi xoa bụng, bé anh cứ nhoi bàn chân lên”.

Lúc vượt cạn chị Lam phải sinh mổ. Do suy hô hấp nên một ngày sau khi sinh (26-9-2012), bé Phi Long và Phi Phụng được chuyển từ Bệnh viện Ninh Thuận vào Bệnh viện Nhi Đồng 2. Chuyến xe ấy được Bệnh viện Ninh Thuận hỗ trợ toàn bộ chi phí.

Ngay trên đường đi, xe cứu thương phải dừng lại để các bác sĩ, điều dưỡng cấp cứu vì bé Phi Phụng bị ngưng thở, người tím tái. Khi vào đến cổng Bệnh viện Nhi Đồng 2, bé Phi Phụng lại bị ngưng thở lần hai. Tại bệnh viện, hai bé được nuôi dưỡng và chăm sóc trong điều kiện đặc biệt ở khoa hồi sức tích cực và chống độc, đợi đến 14 tháng tuổi để chịu được cuộc phẫu thuật phức tạp, kéo dài nhiều giờ.

Khi đó, chị Lam vẫn còn nằm tại Bệnh viện Ninh Thuận. Hai tháng sau, chị đi xe đò vào Bệnh viện Nhi Đồng 2. “Bác sĩ nói chỉ cần một người chăm con nhưng chồng, con mình ở trong này, tôi chịu không nổi” - chị Lam bảo. Hai vợ chồng ăn cơm bếp từ thiện, ở trong khu thân nhân khoa hồi sức sơ sinh. Lúc đầu, anh Phiên đi phụ hồ ở tỉnh Bình Dương, mỗi tuần đi xe buýt lên thăm vợ con một lần. Giờ thì anh Phiên đang giữ xe cho một quán ăn ở Q.1. Còn chị Lam, vết mổ vẫn đau nhức, không thể làm việc nặng. Chị bán nước mía thuê cho căngtin, một tháng được hơn 2 triệu đồng. Sau đó, có người giới thiệu đi giúp việc nhà gần công viên Hoàng Văn Thụ (Q.Tân Bình). “Tôi chỉ định làm nửa ngày thôi, nửa ngày phải ở bệnh viện. Tới nơi mới biết chủ nhà muốn làm cả ngày. Cuối cùng tôi chỉ làm một tháng rồi xin nghỉ vì không thể nào yên tâm vắng bệnh viện cả ngày được” - Lam kể.

Mới được một lần ôm con

Bươn chải ngược xuôi vậy cũng chỉ để mỗi ngày được vào thăm con, được đứng cạnh giường nhìn hai con vỏn vẹn 5 phút. “Mỗi lần vào thăm, thấy con thở oxy, hai vợ chồng về không ăn uống nổi. Được cái là các bác sĩ, điều dưỡng quan tâm bé lắm. Ngày nào bác sĩ cũng thông báo tình hình bệnh của bé. Hôm nào bé cười, nói, đạp chân, các cô điều dưỡng đều nói cho tôi biết. Bé Long khỏe mạnh, lanh lợi hơn em. Nó biết mặt các cô hết rồi. Khi nghe cô nói hôn cô là hôn liền, nói đưa chân lên là đưa chân ngay” - chị Lam kể.

Gần 430 ngày kể từ khi sinh con, chị Lam chỉ được ôm con đúng một lần. Lần được ẵm hai thiên thần bé bỏng ấy là khi Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho hai bé sang Bệnh viện Hòa Hảo chụp CT trước cuộc phẫu thuật. 90 phút cả đi về, cả chờ đợi chụp, chị Lam ôm chặt hai đứa nhỏ trong lòng mà ruột gan cứ như quặn thắt lại, vì thương, vì cứ sợ thời gian trôi quá nhanh, khi về sẽ lại không được ôm con nữa. Chồng chị cũng giành được ôm con. Vợ ôm hai đứa nhỏ. Chồng đứng vịn chân hai đứa. “Không bao giờ tôi quên được cảm giác ấy...” - chị Lam nói, giọng lại nghẹn.

Ngày phẫu thuật, chị Lam và chồng ngồi ở hành lang trước phòng mổ. Suốt từ 6g-17g30 ngày 26-11, chị Lam khóc mãi, chỉ biết cầu nguyện. Lúc đó chị chỉ cầu xin bác sĩ đừng gọi, điện thoại đừng đổ chuông vì sợ bác sĩ sẽ thông báo tình hình xấu. 17g30, TS.BS Trương Quang Định mở cánh cửa phòng mổ, bước ra thông báo với hai vợ chồng: hai bé đã nằm riêng biệt, cho ba mẹ vô thăm. “Tôi nghe xong mà như khuỵu xuống. Con mình đã bình an. Tôi muốn ôm lấy bác sĩ Định nói lời cảm ơn nhưng không thể. Chân tay cứ lóng ngóng, quýnh quíu hết lại” - anh Phiên kể.

18g30, chị Lam và anh Phiên đã được vào thăm hai thiên thần bé nhỏ trong hình hài mới. Suốt từ sáng 26 đến chiều 27-11, hai vợ chồng chỉ ăn qua loa được vài miếng. “Vừa mừng mà cũng rất lo vì bé Phi Phụng bình thường đã yếu hơn bé Phi Long. Không biết sau ca mổ này con có chịu nổi không...” - anh Phiên nói. Chị Lam thì bảo: “Dù sau này có thế nào, tôi vẫn không hối hận vì đã sinh con, vì đã chấp nhận cuộc mổ này. Máu mủ của mình, thiêng liêng lắm!”.

Theo dõi chặt chẽ vấn đề nhiễm trùng

Sáng 27-11, sau khi hội chẩn toàn êkip để đánh giá những diễn biến của hai bé Phi Long và Phi Phụng, TS.BS Trương Quang Định cho biết: “Trước khi mổ, hai đứa bé cộng sinh với nhau. Nếu bé này yếu thì có bé kia bù đắp. Khi đã tách ra thì sinh học hai bé sẽ có những thay đổi. Cụ thể là Phi Long nhịp tim nhanh còn Phi Phụng nhịp tim lại chậm. Tất cả những thay đổi đó chúng tôi đều phải theo dõi để có những điều chỉnh kịp thời. Hiện cả hai bé đều được thở máy. Vấn đề quan trọng nhất bây giờ là chống nhiễm trùng và đảm bảo hô hấp tốt cho cả hai. Bé Phi Long tương đối ổn định, chỉ bị sốt nhẹ, nhịp tim hơi nhanh. Chức năng thận của bé hơi kém, có thể do tăng áp lực ổ bụng nhưng vấn đề này có thể điều chỉnh được. Với bé Phi Phụng, chúng tôi theo dõi vấn đề nhiễm trùng rất chặt chẽ. Nhịp tim hơi chậm, 80 lần/phút. Mỗi ngày chúng tôi sẽ kéo 5mm da tại phần bụng và dự kiến trong một tuần sẽ đóng lại toàn bộ phần bụng. Cứ 12 giờ, các bé sẽ được làm xét nghiệm máu để theo dõi về biến đổi sinh học”.

MY LĂNG - MINH MẪN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp