Không ít bãi bồi sông Hồng ở các quận: Tây Hồ, Hoàng Mai, huyện Thường Tín… nằm trong không gian thoát lũ đã bị "băm nát" suốt nhiều năm qua.
Nhà xưởng, điểm tập kết khoáng sản "băm nát" không gian thoát lũ sông Hồng
Dọc đê Hữu Hồng (đê sông Hồng), đoạn nối từ xã Ninh Sở đến xã Hồng Vân (huyện Thường Tín) nhiều khu nhà xưởng nằm cạnh nhau với các loại diện tích lên đến cả hàng nghìn mét vuông áng ngữ từ chân đê ra đến tận mép sông Hồng. Nhìn từ trên cao, quy mô những khu nhà xưởng này không khác gì một cụm công nghiệp làng nghề.
Không gian thoát lũ sông Hồng đã bị ‘băm nát’
Theo người dân xã Ninh Sở, tình trạng xây dựng nhà xưởng ở khu bãi bồi sông Hồng đã diễn ra từ nhiều năm trước, tuy nhiên chính quyền địa phương vẫn chưa có biện pháp xử lý triệt để.
"Biết là vi phạm nhưng nhiều người vẫn bất chấp vì nhu cầu thuê nhà xưởng ở xã hiện nay rất lớn. Một nhà xưởng khoảng 1.000 m2 mỗi tháng cũng mang về hàng chục triệu đồng", ông Lệnh (ngụ xã Ninh Sở) cho hay.
Cách xã Ninh Sở không xa, ở xã Hồng Vân cũng đang có nhiều công trình vi phạm không gian thoát lũ khiến người dân bức xúc.
Tại khu vực bãi bồi sông Hồng (quận Tây Hồ) những năm gần đây xuất hiện nhiều điểm chụp ảnh, dã ngoại, nhà hàng ăn uống và ngay cả quán bar trá hình cũng "mọc" lên trên không gian thoát lũ.
Ngày cuối tuần tại quán bar I.L. (ở bãi giữa sông Hồng), loa được mở hết công suất, những vị khách cùng nhau nhún nhảy theo tiếng nhạc. Bên trong quá bar trá hình này còn có cả một bể bơi để khách chụp ảnh.
Chưa được thuê đất nhưng… hoạt động không khác gì "cảng thủy nội địa"
Ngày 31-12, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Đình Khuyến - chủ tịch UBND quận Tây Hồ - cho biết thời gian qua, những cá nhân tự ý đổ trộm phế thải xây dựng để lấn chiếm hành lang đê điều đã bị xử lý nghiêm. UBND quận cũng đã có nhiều văn bản yêu cầu lãnh đạo UBND các phường nếu để xảy ra vi phạm trên không gian thoát lũ thì sẽ phải chịu trách nhiệm.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Mai Văn Ngần - phó chủ tịch UBND xã Hồng Vân (huyện Thường Tín) - cho biết hiện nay trên địa bàn xã có hơn 10 nhà kho với diện tích 200 - 1.000m2 vi phạm không gian thoát lũ.
"Những nhà kho vi phạm từ những năm trước. Năm 2022 có 4 nhà kho xây dựng vi phạm hành lang bảo vệ đê chúng tôi đã xử lý. Đến năm nay 1 cá nhân khác làm kho rộng khoảng 300m2 được mấy ngày cũng đã bị xử lý", ông Ngần khẳng định.
Ông Ngần cho biết thêm: "Đối với những công trình vi phạm ngoài đê về đất đai, vi phạm không gian thoát lũ chúng tôi đã lập danh sách để xử lý. Trước mắt thời gian tới sẽ xử lý trạm trộn bê tông vi phạm cả Luật Đất đai và Luật Đê điều".
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trần Văn Quân - cán bộ trật tự xây dựng thuộc UBND phường Thanh Trì - cho biết hằng năm UBND phường và quận Hoàng Mai phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội kiểm tra, xử lý, nhắc nhở những trường hợp vi phạm.
Theo ông Quân, nhà xưởng ở khu bãi bồi sông Hồng trên địa bàn phường đã tồn tại từ nhiều năm trước. Có một số đơn vị đã được TP Hà Nội cho thuê đất, nhưng cũng có đơn vị chưa được thuê.
Ông Quân cho biết thêm hiện 7 đơn vị đã được thuê, tuy nhiên 15 đơn vị vẫn còn đang làm thủ tục, chưa được thuê đất. Trong đó có Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng vận tải và thương mại (do ông Nguyễn Đức Di làm đại diện) mới hoàn thiện thủ tục, chưa được TP Hà Nội cho thuê đất.
Tuy nhiên, đáng chú ý, ghi nhận cho thấy bên trong khu vực hoạt động của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng vận tải và thương mại (ở số 615 đường Nguyễn Khoái) không khác gì một "cảng thủy nội địa".
Theo quyết định số 257, ngày 18-2-2006 của Thủ tướng Chính phủ (phê duyệt quy hoạch phòng, chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình) đã quy định không gian thoát lũ bao gồm khu vực lòng sông và bãi sông nằm giữa hai đê.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, nhiều chuyên gia cho rằng việc xây dựng tràn lan các công trình trên bãi sông, không tuân thủ các quy định của pháp luật về đê điều sẽ dẫn đến mất không gian chứa lũ, thoát lũ. Đồng thời gây co hẹp dòng chảy, khi có lũ cao sẽ gia tăng mực nước, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn hệ thống đê điều, nguy cơ vỡ đê là hiện hữu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận