Các chung cư cũ tại Hà Nội được xây trong các thập kỷ 60-70 và 80 của thế kỷ XX theo mô hình “tiểu khu nhà ở”, thường ở dạng tấm lớn từ 4 – 5 tầng quây quần thành khối, ở giữa có nhà trẻ, mẫu giáo.
Mỗi tiểu khu có một hoặc một số khối nhà trên diện tích đất từ 10 – 80 ha. Một số tiểu khu có trường học, vườn hoa, sân chơi…
Hà Nội hiện có 60 khu chung cư cũ như vậy (Kim Liên, Trung Tự, Thành Công, Thanh Xuân, Văn Chương, Nguyễn Công Trứ…) với diện tích tần 429 ha, dân số khoảng 20 vạn người.
Tuy quy hoạch khi xây dựng, các khu chung cư này đều có vườn hoa, sân chơi, song đến nay, khoảng không gian công cộng đó đã bị thu hẹp dần bởi sự xung đột với các chức năng sử dụng khác trong khu đô thị.
Cùng với thời gian, các căn hộ tầng 1 gần mặt đường bị cơi nới thành cửa hàng, các căn hộ tầng trên cơi nới không gian dạng “chuồng cọp” để thêm diện tích ở.
Các vườn hoa, sân chơi bị lấn chiếm làm chợ, bãi giữ xe; khoảng cách trồng cây xanh, khoảng không gian lưu thông giữa các khối nhà bị lấn chiếm để xây nhà hoặc chuyển đổi chức năng thành các mô hình kinh doanh như chợ tạm, chợ cóc, nơi bán hàng ăn hoặc các bãi giữ xe…
Đến nay, Chính phủ đã có chủ trương cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư bị xuống cấp, nhằm tạo ra các khu nhà ở mới có chất lượng tốt hơn, góp phần nâng cao điều kiện sống của nhân dân, cải tạo bộ mặt kiến trúc đô thị theo hướng văn minh, hiện đại và yêu cầu phải thực hiện đồng bộ theo dự án tổng thể, tránh tình trạng triển khai manh mún, cục bộ và nhỏ lẻ.
Vì vậy, khi quy hoạch tái thiết chung cư cũ thành khu đô thị hỗn hợp mật độ cao cần bố trí không gian công cộng cho hợp lý.
Trước tiên, cần xác định các không gian công cộng này tạo ra bộ mặt của đô thị và kết nối với với không gian giao thông, không gian thương mại, là nơi người dân có cơ hội giao tiếp với nhau.
Vì vậy các không gian công cộng này cần thân thiện, có chỉ dẫn, trật tự và an toàn, có không gian xanh, có chỗ che mưa nắng, nhà vệ sinh, nơi ngồi nghỉ…
Hơn nữa, trong bối cảnh đô thị ngày càng đông đúc và chật chội, số lượng người dân sống trong các khu tập thể xây từ thế kỷ trước tại Hà Nội có số lượng không nhỏ, không gian công cộng chính là khu vực hiệu quả nhất trong việc tạo nên các giao tiếp xã hội, thúc đẩy và gắn kết mối quan hệ giữa con người với xã hội. Một không gian công cộng thân thiện với con người chắc chắn sẽ giúp giảm thiểu các vấn đề xã hội.
Điều quan trọng, không gian công cộng được bố trí tốt và xây dựng tốt chỉ phát huy hiệu quả khi được quản lý và giữ gìn. Cần phân định rạch ròi trách nhiệm của chính quyền sở tại, của các tổ chức dịch vụ công cộng thuộc thành phố, cũng như yếu tố then chốt là những nhà quản lý nhận thức được tầm quan trọng của không gian công cộng trong việc nâng cao vị thế và chất lượng cuộc sống của người dân đô thị.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận