Chuyên gia Yann Maublanc nhấn mạnh sự cần thiết của hệ thống xe điện công cộng do lượng phát thải CO2 cho quãng đường di chuyển 10km của ô tô (một người sử dụng) rất cao tới 1,9kg; mô tô (phân khối lớn) là 1,7kg, trong khi tàu điện chỉ là 22g, ô tô điện là 198g... - Ảnh: H.Q
Tọa đàm do Viện Nghiên cứu truyền thông phát triển (RED), Bộ Ngoại giao và châu Âu của Pháp (MEAE), cơ quan truyền thông Đại sứ quán Pháp (CFI) phối hợp tổ chức.
Giảm ô nhiễm từ chuyển đổi động cơ xe
Dẫn chứng giai đoạn 2005-2015 tại vùng Île-de-France (Pháp), ông Maublanc cho biết lượng phát thải NOX (khí thải nhóm oxit nitơ) giảm 37%, riêng phát thải từ giao thông là 32%. Bên cạnh đó, lượng bụi mịn gây tử vong với 50.000 ca/năm tại đây cũng giảm tới 36%.
"Các kết quả có được không phải do giảm lượng xe lưu thông trên đường, mà đến từ việc tăng số lượng xe sử dụng động cơ mới, xe điện", ông Maublanc cho hay.
Về ngắn hạn, chuyên gia quy hoạch Maublanc cho rằng Hà Nội nên khuyến khích xe buýt, xe máy điện có sử dụng pin Lithium Ion, mặc dù chi phí đầu tư ban đầu lớn nhưng vận hành rất rẻ. Tuy vậy, hệ thống đường sắt đô thị (metro) và các tuyến xe buýt kết nối mới là giải pháp tối ưu giảm kẹt xe, giảm ô nhiễm môi trường... về lâu dài.
"Riêng bụi mịn PM2.5 nguy hiểm rất nhiều so với bụi phát sinh do khí NO, vì bụi PM2.5 thâm nhập sâu vào phổi con người", ông Maublanc cho hay - Ảnh: H.Q.
Bài học nhãn tiền cho Hà Nội
Dù Hà Nội có nhiều ngõ ngách nên không thể mở rộng đường giao thông, khó quy hoạch tuyến xe buýt nhanh hoặc tàu điện ngầm, ông Maublanc vẫn cho rằng dư địa triển khai các mô hình giao thông công cộng (xe buýt, metro) và giao thông không sử dụng động cơ (xe đạp) còn rất lớn. Do Hà Nội mật độ dân số đông, tỉ lệ người sở hữu xe hơi/đầu người thấp (8,26%)...
Ông Maublanc cho hay Hà Nội và vùng Île-de-France có nhiều điểm chung: đều là vùng thủ đô, có lịch sử, mật độ dân số cao…
Ông Maublanc khuyến nghị Hà Nội nên phát triển đô thị dựa vào các trục giao thông đô thị (Transit Oriented Development - TOD) như Hong Kong, Singapore… Chẳng hạn, TOD tại Hong Kong thể hiện qua xây dựng một khu dân cư xung quanh một bến tàu.
"Tại Pháp, TOD có nguyên tắc là tăng mật độ dân cư xung quanh nhà ga, bến tàu. Chúng ta phải luôn làm giao thông trước, sau đó mới phát triển dân cư, xây dựng cơ sở hạ tầng khác", ông Maublanc nói.
Ông Vincent Szaleniec (phụ trách dự án Sở Giao thông vùng Île-de-France) chia sẻ thêm vùng Île-de-France từng là thành phố "vua ô tô", nhưng bây giờ phát triển theo trục khu dân cư gắn với các ga tàu, quy hoạch thêm đường đi xe đạp, đường đi bộ…
Chuyên gia Bạch Đông Nam, Bộ Khoa học và công nghệ, đặt câu hỏi về việc áp dụng TOD ở Việt Nam - Ảnh: H.Q.
"Hà Nội là thành phố lớn, dân số đông nên hệ thống metro từ 5 đến 6 tuyến mới đủ phục vụ nhu cầu người dân. Hệ thống BRT tại Hà Nội hiện tại chưa thành công trọn vẹn do chỉ chạy vòng ngoài thủ đô, không đi vào trung tâm khiến nhiều người dân không quan tâm. Cơ quan chức năng cần có giải pháp để phát huy tác dụng của tuyến", ông Maublanc nhấn mạnh.
Hà Nội nên học tập kinh nghiệm bên cạnh việc áp thuế cao với các phương tiện phát thải nhiều khí gây ô nhiễm môi trường song song với việc khuyến khích, thậm chí thưởng cho người dân đi xe đạp, xe điện.
"Ở góc độ kinh tế, hệ thống giao thông đô thị tốt, hạn chế ô nhiễm môi trường sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư, cải thiện cuộc sống người dân", ông Vincent Szaleniec cho hay.
Vùng Île-de-France từ năm 2010 đã có hệ thống 14 metro ngầm, 10 tuyến tàu điện, 13 đường sắt nội vùng, hơn 1.449 tuyến xe buýt với lượng hành khách khoảng 8 triệu/ngày. Trong khi vận tải công cộng tại Hà Nội chủ yếu là 126 tuyến xe buýt (tính đến tháng 5-2020), mới đáp ứng 8,7% nhu cầu đi lại của người dân.
Báo cáo thường niên của Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội (năm 2019) tại các trạm đo chất lượng không khí ở trục giao thông lớn Hà Nội cho thấy các chỉ số về bụi mịn, NO, NO2... cao hơn 20% so với trạm đo tại các khu dân cư.
Chẳng hạn tại trạm giao thông Phạm Văn Đồng có nồng độ bụi mịn PM2.5 là 55.15µg/m3, cao hơn 2 lần so với quy định 25µg/m3 tại QCVN 05:2013/BTNMT.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận