17/01/2017 08:11 GMT+7

Không gì chặn được sông Hồng nối dòng đến vịnh Tokyo

QUỲNH TRUNG
QUỲNH TRUNG

TTO - Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khẳng định như vậy tại cuộc họp báo tối 16-1 trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam ngày 16 và 17-1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại lễ đón chính thức được tổ chức trọng thể tại Phủ chủ tịch chiều 16-1 - Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có bài phát biểu dài khoảng 20 phút về tầm quan trọng của việc hợp tác ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trả lời câu hỏi của báo chí ngay sau đó.

Không gì ngăn được tự do đi lại

Trong bài phát biểu, Thủ tướng Shinzo Abe cho biết chính sách ngoại giao của Chính phủ Nhật Bản năm thứ 5 đã khởi đầu từ khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Theo ông, Nhật Bản cần triển khai chính sách ngoại giao tích cực với chân trục đặt vững chãi tại khu vực này và với tầm nhìn bao phủ giống như đang nhìn vào quả địa cầu trước mặt.

Để minh họa cho quyền tự do đi lại ở châu Á - Thái Bình Dương, Thủ tướng Abe ví von dòng sông Hồng chảy xuyên suốt qua Hà Nội, hướng ra Biển Đông rồi tới biển Hoa Đông rồi nối dòng với vịnh Tokyo nên không có gì có thể ngăn chặn sự tự do qua lại trên dòng chảy này.

“Nhật Bản và Việt Nam là hai nước láng giềng được gắn kết bởi vùng biển tự do. Philippines, Indonesia, Úc, các quốc gia trong chuyến đi của tôi lần này đều là các nước láng giềng quan trọng, cùng chia sẻ vùng biển rộng mở có tên là Thái Bình Dương và cùng chia sẻ các giá trị cơ bản với Nhật Bản.

Nguyên tắc an ninh, an toàn, tự do hàng hải có vai trò cực kỳ quan trọng. Và để thực hiện được điều đó, việc thượng tôn pháp luật sẽ phải được quán triệt một cách đầy đủ. Đó là nhận thức đã được tất cả các nước hoàn toàn nhất trí cùng Nhật Bản” - Thủ tướng Abe nhấn mạnh.

Cụ thể hơn, Thủ tướng Abe cho biết Nhật Bản sẽ cung cấp các tàu tuần tra, hỗ trợ thực thi pháp luật trên biển cho Việt Nam và Philippines. Với Indonesia, Nhật Bản đã đồng ý thúc đẩy hợp tác đảm bảo an ninh, an toàn trên biển, phát triển hải đảo.

Với Thủ tướng Úc, Nhật đã nhất trí củng cố hợp tác an ninh quốc phòng như xây dựng khuôn khổ mới về cung cấp lẫn nhau về vật tư và hậu cần trong phòng vệ.

Cũng theo Thủ tướng Abe, Nhật Bản, Úc, Mỹ, Ấn Độ đã cùng xác nhận tầm quan trọng của sự liên kết hợp tác giữa các nước, cùng chia sẻ giá trị cơ bản và lợi ích chiến lược.

Dựa trên nền tảng vững chắc là quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ, Nhật Bản sẽ xây dựng một nền hòa bình ở châu Á, vành đai Thái Bình Dương, giữa các nước gắn kết với Nhật Bản bằng biển cả và xa hơn nữa là khu vực Ấn Độ Dương.

Để làm được như vậy, Nhật Bản sẵn sàng thực hiện vai trò to lớn của mình trên tinh thần Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Về kinh tế - thương mại ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản cho biết để có được sự phồn vinh cộng hưởng, nền tảng chính là thương mại tự do.

“Chúng ta sẽ phải xây dựng được một thị trường tự do trên căn bản các luật lệ công bằng và bình đẳng. Và nền tảng của tự do thương mại chính là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Việc xúc tiến nhanh chóng TPP để có hiệu lực đã được xác nhận trong chuyến đi Việt Nam lần này"

"Thành quả của TPP là cột trụ để hướng tới các hiệp định có mức độ lớn hơn, chất lượng cao hơn, tham vọng hơn” - Thủ tướng Abe khẳng định, đồng thời cam kết Nhật Bản sẽ luôn luôn là ngọn cờ đầu trong cơ chế tự do thương mại.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại lễ đón chính thức được tổ chức tại Phủ Chủ tịch chiều 16- 1- Ảnh: Việt Dũng

Cung cấp 6 tàu tuần tra mới cho Việt Nam

Trả lời câu hỏi của báo chí rằng Nhật Bản sẽ hỗ trợ tăng cường an ninh hàng hải cho Việt Nam như thế nào, Thủ tướng Shinzo Abe cho biết căn cứ theo buổi làm việc với Chính phủ Việt Nam và nguyện vọng của phía Việt Nam, Nhật Bản đã quyết định cung cấp cho Việt Nam 6 tàu tuần tra mới.

Đồng thời Nhật Bản vẫn tiếp tục hỗ trợ nâng cao năng lực lực lượng cảnh sát biển Việt Nam, cụ thể hóa các hoạt động hợp tác của các cơ quan thực thi pháp luật trên biển của hai nước.

Thủ tướng Abe cho biết thêm trong chuyến công du lần này đến 4 quốc gia (Philippines, Úc, Indonesia và Việt Nam - PV), Nhật Bản đã thống nhất với chính phủ các nước trên tiếp tục tăng cường hợp tác nhiều hơn nữa, đặc biệt trong lĩnh vực trọng tâm là trên biển, các hợp tác cụ thể để nâng cao năng lực cơ quan thi hành luật pháp trên biển về an ninh quốc phòng.

“Việt Nam và Nhật Bản cũng như các nước khác chia sẻ với chúng tôi tinh thần thượng tôn luật pháp, về bảo đảm tự do hàng hải, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình" 

"Đây là các nguyên tắc căn bản và chúng tôi muốn nó sẽ trở thành vững chắc, không gì thay đổi được. Với nguyên tắc vững chắc đó sẽ có sự hòa bình và thịnh vượng của khu vực của chúng ta” - Thủ tướng Abe nói.

Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ về triển vọng của quan hệ Việt - Nhật, Thủ tướng Abe cho biết về lâu dài, Chính phủ và doanh nghiệp Nhật Bản sẽ cùng chung sức để hỗ trợ cho sự phát triển của Việt Nam, trong đó sẽ tích cực trong công tác giúp đỡ Việt Nam phát triển nguồn nhân lực gánh vác tương lai đất nước.

“Việt Nam là một đối tác quan trọng của Nhật Bản cùng chia sẻ giá trị chung và tinh thần thượng tôn pháp luật. Nhật Bản sẽ tăng cường hợp tác nhiều hơn nữa đối với Việt Nam để cống hiến cho sự phồn vinh và thịnh vượng của khu vực, bảo vệ và phát triển trật tự thế giới trong tự do mở rộng” - Thủ tướng Abe khẳng định.

Mời gọi 25 tập đoàn lớn của Nhật Bản đầu tư

Chiều tối 16-1, tọa đàm giữa 25 lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu của Nhật Bản với các địa phương của Việt Nam diễn ra dưới sự chủ trì của lãnh đạo Bộ Kế hoạch và đầu tư và trợ lý Thủ tướng Nhật Bản - ông Hiroto Izumi.

Tại cuộc tọa đàm, các địa phương Việt Nam đã giới thiệu những tiềm năng, lợi thế và nhu cầu đầu tư, hợp tác với các doanh nghiệp Nhật Bản.

Trên nền tảng Nhật Bản là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài hàng đầu tại nhiều địa phương, với kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều lên tới hàng tỉ USD, nhiều địa phương cam kết sẽ tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư khi rót vốn vào các địa phương.

Ông Nguyễn Đức Chung, chủ tịch UBND TP Hà Nội, dẫn chứng trong năm 2016 Hà Nội đã ký kết hợp tác với Đại sứ quán Nhật Bản nhằm tạo thuận lợi trong đầu tư.

Ngay sau đó, đã có một nhà đầu tư của Nhật Bản được cấp các giấy phép đầu tư cũng như hoàn thiện các thủ tục, giấy tờ chỉ trong vòng 26 ngày. Lãnh đạo của tỉnh Yên Bái thì cho biết đã cấp phép đầu tư cho một nhà đầu tư Nhật Bản chỉ trong 48 giờ.

Nhiều lĩnh vực được các địa phương kêu gọi các tập đoàn hàng đầu của Nhật Bản đầu tư gồm nông nghiệp công nghệ cao, phát triển ngành nông, lâm, thủy sản; điện tái tạo, công nghiệp cơ khí, ôtô; các ngành dịch vụ...

N.AN

QUỲNH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp