Đến sân bay làm thủ tục đi nước ngoài, nhiều người tá hỏa khi bị lập biên bản dừng xuất cảnh - Ảnh: LÊ THỊ THỦY
Người bị cấm xuất cảnh vì nợ thuế có quyền khởi kiện để yêu cầu tòa án hủy lệnh cấm xuất cảnh, trong thời gian qua tòa án đã xét xử nhiều vụ án như thế và phần lớn đều được xuất cảnh trở lại.
Luật sư Nguyễn Hoàng Hải
Ngày 12-4-2019, ông H.V.H. làm thủ tục xuất cảnh du lịch Hong Kong tại sân bay Tân Sơn Nhất bỗng nhận được thông báo cấm xuất cảnh. Lý do: theo đề nghị của Chi cục Thuế (CCT) Q.8 (TP.HCM), Công ty N (do ông H. đứng tên trước đây) còn nợ thuế.
Không còn nợ vẫn bị cấm
16h ngày 17-3-2018, ông T.V.T. đến làm thủ tục xuất cảnh tại sân bay quốc tế Nội Bài để đi nước ngoài đàm phán ký kết hợp đồng cũng bị lập biên bản không cho xuất cảnh. Theo thông báo của CCT Q.12, TP.HCM, ông T. là người đại diện và cũng là chủ sở hữu Công ty TB và công ty này đang nợ thuế.
Ông P.P.V. cũng bị cấm xuất cảnh do Công ty T có trụ sở tại Q.8 do ông làm giám đốc đang nợ thuế. Bà N.T.H.T. - giám đốc, chủ sở hữu Công ty KT - cũng bị CCT Q.4 đề nghị cấm xuất cảnh do công ty còn nợ thuế.
Trường hợp của bà L.T.H.M. không còn nợ thuế vẫn bị cấm xuất cảnh. Bà M. từng đứng tên hộ kinh doanh tại Q.Bình Tân. Trước chuyến đi Hàn Quốc, bà đã đến CCT Q.Bình Tân xin giấy xác nhận không nợ thuế.
Cầm giấy xác nhận trong tay, đến sân bay trình cán bộ cửa khẩu vẫn không được xuất cảnh. Bà quay về CCT quận và Cục Quản lý xuất nhập cảnh mới hay: dù CCT Q.Bình Tân đã xác nhận không nợ thuế, đã gửi công văn này cho Cục Quản lý xuất nhập cảnh nhưng nơi này chưa cập nhật dữ liệu nên bà bị cấm xuất cảnh.
Sau đó, bà M. phải làm đủ thứ đơn từ giải trình và sau 7 ngày mới được giải tỏa lệnh cấm xuất cảnh. Hàng hóa mang theo chuyến đi hư hỏng, vé cũng bị hủy do hãng hàng không chỉ chấp nhận đổi chuyến trong 5 ngày.
Nhiều người khi đến sân bay làm thủ tục mới biết mình bị cấm xuất cảnh. Họ không được ai thông báo về việc mình bị cấm xuất cảnh. Kèm theo việc này là thiệt hại các kiểu.
Thẩm quyền thuộc về ai?
Cơ quan thuế vận dụng khoản 1c điều 47, khoản 1 điều 73 và khoản 1c điều 110 Luật doanh nghiệp để buộc chủ sở hữu, người đại diện doanh nghiệp chịu trách nhiệm về các khoản nợ thuế của doanh nghiệp.
Theo những quy định trên, chủ sở hữu chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi vốn góp. Hiện nay nhiều CCT hiểu và áp dụng luật theo cách này không đúng đối tượng dẫn đến nhiều trường hợp bị cấm xuất cảnh oan.
Khoản 4 điều 21 nghị định 136/2007 quy định công dân Việt Nam chưa được xuất cảnh nếu đang có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nghĩa vụ nộp thuế và những nghĩa vụ khác về tài chính.
Hiểu nôm na, người nào đang nợ thuế thì không được xuất cảnh. Thẩm quyền quyết định việc này là bộ trưởng hoặc chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh, không thuộc ngành thuế.
Điều 53 Luật quản lý thuế và điều 40 nghị định 83/2013 quy định người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài phải hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế. Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh có trách nhiệm dừng việc xuất cảnh của cá nhân chưa hoàn thành nghĩa vụ theo thông báo của cơ quan quản lý thuế.
Cục Quản lý xuất nhập cảnh có trách nhiệm dừng việc xuất cảnh của cá nhân khi có thông báo (bằng văn bản hoặc thông tin điện tử) từ cơ quan thuế. Theo quy định này, thẩm quyền dừng xuất cảnh thuộc về cơ quan thuế.
Vì có sự khác nhau về quy định dừng xuất cảnh do nợ thuế, khi thực hiện sẽ áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn hoặc văn bản được ban hành sau nếu cùng cơ quan ban hành.
Những trường hợp này phải áp dụng Luật quản lý thuế và nghị định 83/2013 chứ không thể áp dụng nghị định 136/2007 như cơ quan thuế đang làm. Người xuất cảnh không phải để định cư thì không được quyền áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh đối với họ.
Chúng tôi hiểu, cá nhân xuất cảnh không phải định cư thì không được cấm họ xuất cảnh, chỉ được dừng xuất cảnh định cư khi họ chưa góp đủ vốn như đã cam kết cho doanh nghiệp, đồng thời cơ quan thuế phải chứng minh được việc nợ thuế này là do việc chưa góp đủ vốn đó.
Chỉ cấm xuất cảnh để định cư
Những trường hợp bị nợ thuế, cơ quan thuế yêu cầu cấm xuất cảnh như trên áp dụng quy định nào cũng sai. Cá nhân nợ thuế chỉ bị cấm xuất cảnh khi mục đích xuất cảnh để định cư, còn các trường hợp xuất cảnh khác không được cấm.
Doanh nghiệp có tư cách pháp nhân nếu có nợ thuế cũng không được cấm xuất cảnh chủ sở hữu, người đại diện theo pháp luật, giám đốc.
Theo điều 74 Bộ luật dân sự (BLDS), pháp nhân có tài sản độc lập với tài sản của chủ sở hữu và nhân danh mình thực hiện quan hệ pháp luật. Theo điều 87, người của pháp nhân không chịu trách nhiệm dân sự thay cho pháp nhân đối với nghĩa vụ dân sự do pháp nhân xác lập, thực hiện.
Trong dự thảo Luật quản lý thuế sửa đổi, cơ quan soạn thảo đã "cài cắm" thêm trường hợp doanh nghiệp nợ thuế thì người đại diện theo pháp luật bị cấm xuất cảnh, tuy nhiên vẫn chỉ là xuất cảnh để định cư. Quy định này trái với nguyên tắc cơ bản của BLDS và làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh, cần được loại bỏ trong dự thảo Luật quản lý thuế mới.
Thẩm quyền đề nghị cấm xuất cảnh do nợ thuế không nên giao cho cơ quan thuế vì dễ phát sinh tiêu cực và bị lạm dụng, gây khó cho người dân, nên giao cho chủ tịch UBND cấp tỉnh như trong nghị định 136/2007.
Cần có sự liên thông giữa cơ quan thuế và cơ quan xuất nhập cảnh về việc xử lý thông tin cấm xuất cảnh người nợ thuế để giải quyết nhanh chóng, không thể làm theo cách thủ công, người dân phải làm nhiều thủ tục phiền phức như hiện nay.
Cơ quan soạn thảo Luật quản lý thuế mới nên làm rõ hơn những trường hợp bị cấm xuất cảnh do nợ thuế để việc áp dụng được thống nhất, tránh gây ra những phiền toái không đáng có cho người nộp thuế cũng như cơ quan thuế.
Luật sư NGUYỄN HOÀNG HẢI
(Đoàn Luật sư TP.HCM)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận