Ngân hàng Nhà nước quy định Tổ chức tín dụng chỉ được sử dụng khoản vay đặc biệt để hỗ trợ thanh khoản vào mục đích chi trả tiền gửi của người gửi tiền là cá nhân. Trong ảnh là giao dịch tại ngân hàng. Ảnh: THUẬN THẮNG.
Ngân hàng Nhà nước vừa công bố một dự thảo thông tư quy định về cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt sau khi Quốc hội thông qua luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010.
Theo dự thảo thông tư, kể từ ngày Ngân hàng Nhà nước đặt tổ chức tín dụng vào kiểm soát đặc biệt, dư nợ gốc, lãi của khoản cho vay tái cấp vốn chuyển thành dư nợ cho vay đặc biệt với lãi suất bằng lãi suất của khoản tái cấp vốn, thời hạn bằng thời hạn còn lại của khoản tái cấp vốn.
Ngân hàng Nhà nước cũng quy định Tổ chức tín dụng chỉ được sử dụng khoản vay đặc biệt để hỗ trợ thanh khoản vào mục đích chi trả tiền gửi của người gửi tiền là cá nhân. Không được sử dụng để chi trả cho người có liên quan của ngân hàng; người điều hành, cổ đông sáng lập và những người có liên quan của họ.
Thời hạn cho vay đặc biệt để hỗ trợ thanh khoản, theo dự thảo thông tư, tối đa là 2 năm nhưng không quá thời hạn kiểm soát đặc biệt tổ chức tín dụng.
Trường hợp đến hạn, tổ chức tín dụng chưa trả hết nợ gốc, lãi vay đặc biệt và không được Ngân hàng Nhà nước gia hạn thì lãi suất đối với nợ gốc quá hạn bằng 150% lãi suất cho vay ghi trên hợp đồng cho vay đặc biệt. Lãi suất đối với nợ lãi chậm trả bằng 50% lãi suất cho vay ghi trên hợp đồng cho vay đặc biệt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận