Công chức UBND xã Vĩnh Lộc B (Bình Chánh, TP.HCM) bị quá tải với những chồng hồ sơ đô thị - xây dựng (ảnh chụp sáng 23-6) - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Chính vì thế, trong ngày 22 và 23-6, khi Trưởng Ban Tổ chức trung ương Trương Thị Mai và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà làm việc với UBND TP.HCM, vấn đề tổ chức bộ máy, biên chế của TP.HCM... được nêu lên khá nhiều.
Vấn đề còn đáng lưu ý hơn là khi TP báo cáo số công chức, viên chức dôi dư lên đến 5.700 người.
Các địa phương hoàn toàn có thể điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu của mình, chỗ nào cần thì đông biên chế hơn, chỗ không cần ít biên chế hơn. Sẽ phân cấp phân quyền, toàn bộ biên chế giao lại cho ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, các địa phương tự quyết việc phân bổ.
Bà TRƯƠNG THỊ MAI (trưởng Ban Tổ chức trung ương)
So sánh về thực trạng "cào bằng" cán bộ, nhân sự tại huyện Bình Chánh - Đồ họa: TUẤN ANH
Làm không lơi tay, dân vẫn phải chờ
Mới 13h, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả ở xã Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) vừa mở cửa đã có 5 - 6 người dân đứng chờ lấy số thứ tự để làm hồ sơ hành chính.
Ông Dương Văn Em - cán bộ giải quyết hồ sơ sao y, chứng thực - bắt đầu nhận hồ sơ của dân, kiểm tra đối chiếu bản chính và bản photocopy.
Mỗi bản sao, ông Em đóng 4 con dấu: dấu "bản sao", nội dung sao y chứng thực, ngày tháng và dấu số bản sao.
Được 15 phút, ông đứng dậy ôm chồng hồ sơ trình lãnh đạo UBND xã ký, ghé qua văn phòng để văn thư đóng dấu rồi quay trở lại chỗ làm việc đóng dấu tên của người ký vào bản sao, chuyển sang cửa trả hồ sơ.
Bên tay phải của ông Em có 10 con dấu các loại, cái màu xanh, cái màu đỏ, có dấu có chữ bên trên, có dấu không nhưng ông thao tác cả chục hồ sơ các loại khác nhau từ chứng thực chữ ký, sao y... một cách chính xác.
Ông Em kể công việc bắt đầu từ 7h30 sáng mỗi ngày đến khi trước mắt không còn hồ sơ, ngẩng lên thì đồng hồ đã chỉ gần 12h. Buổi chiều, có khi trả hồ sơ xong đã hơn 18h. Lượng hồ sơ nhiều quá, nói một cách dễ hình dung là tưởng như không còn thời gian uống nước hay đi vệ sinh.
Bà Ngô Thị Thu Thảo, một người dân xã Vĩnh Lộc B, cho biết mỗi lần đến xã sao y giấy tờ bà mất hơn 2 giờ. Bà kể vào buổi sáng, khi con gái bà đến lúc 9h sáng thấy số thứ tự đến 63. "Có nhiều người ôm hồ sơ chạy qua xã khác ký cho nhanh", bà Thảo nói.
Ở phòng địa chính xây dựng xã Vĩnh Lộc B có gần chục chiếc bàn làm việc kê thành 2 dãy song song. Gần như bàn nào cũng đầy ắp hồ sơ từ trên bàn, hồ sơ để tràn ra cả lối đi, che mất người ngồi ở ghế phía sau.
Cuối phòng, một kệ sắt lớn choán hết bức tường cao ngất chất hàng trăm tệp hồ sơ dày cộm. Một cán bộ giải thích: trên bàn là hồ sơ đang xử lý, trên kệ là các hồ sơ đã xử lý xong, chưa kịp đưa vào kho lưu trữ.
Xã này có 16 ấp với 3 cán bộ địa chính thì mỗi cán bộ phụ trách ít nhất 5 ấp với khoảng... 45.000 dân.
Bà Trần Thị Thái Nguyên, chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc B, phân trần: "Cán bộ địa chính thường phải giải quyết hồ sơ đến 7h-8h tối, cả ngày thứ bảy, chủ nhật mới "chạy" kịp tiến độ công việc. Có khi nhiều tháng liền anh em không có một ngày nghỉ".
Người dân làm thủ tục tại UBND xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP.HCM sáng 23-6 - Ảnh: Q.ĐỊNH
Một người kiêm nhiệm nhiều chức danh
Bộ phận văn phòng UBND xã Vĩnh Lộc B trước đây có 9 người làm các công việc từ xử lý, soạn thảo, công văn, đóng dấu giấy tờ, tổng hợp... nhưng nay chỉ còn 2 người. Nhân viên văn phòng chỉ được nghỉ phép khi tìm được người làm giúp việc của mình.
"Nhưng rất khó tìm người giúp bởi cán bộ nào trong xã cũng phụ trách kiêm nhiệm nhiều vai khác nhau, làm việc này thì bỏ việc khác", bà Thái Nguyên chia sẻ.
Xã Vĩnh Lộc A hiện có 167.000 dân với hơn 80% là dân nhập cư nhưng chỉ có 36 biên chế. Tính ra, mỗi cán bộ phải phục vụ hơn 4.600 người dân.
Đại diện UBND xã Vĩnh Lộc A cho biết từ khi thực hiện nghị định 34 năm 2019 về cán bộ công chức cấp xã thì đa số cán bộ xã phải kiêm nhiệm nhiều chức vụ khác nhau.
Cán bộ chính sách phụ trách thêm công tác lao động, xã hội, giảm nghèo; cán bộ văn thư lưu trữ của xã kiêm nhiệm thêm việc xử lý văn bản đến, văn bản đi, xử lý phần mềm, đóng dấu kiêm thủ quỹ; cán bộ quản lý kinh tế kiêm phụ trách môi trường, điện, nước; cán bộ làm công tác văn phòng Đảng ủy thì lo luôn công việc của khối dân vận và tuyên giáo...
Công việc của các cán bộ, công chức gấp 2 - 3 lần trước đây. Ngày thứ ba và thứ năm hằng tuần, cán bộ 2 lĩnh vực hộ tịch và sao y chứng thực phải trực tiếp nhận hồ sơ đến 18h30.
Xã có 3 cán bộ địa chính thì phải bố trí 1 người trực ở bộ phận tiếp nhận hồ sơ, 2 người còn lại xử lý toàn bộ hồ sơ liên quan đến địa chính, nhà đất, xây dựng của 167.000 dân nên thường xuyên về rất trễ và làm luôn cả thứ bảy, chủ nhật mới xong việc.
"Ngay cả lãnh đạo UBND xã cũng không có thời gian đi thực tế xuống địa bàn để tiếp xúc, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, doanh nghiệp. Nhiều cán bộ còn độc thân nhưng lại không có thời gian riêng cho bản thân vì công việc quá tải", đại diện UBND xã Vĩnh Lộc A chia sẻ.
Công việc quá tải là vậy nhưng thu nhập của cán bộ công chức rất khiêm tốn. Một công chức lâu năm của UBND xã cũng chỉ nhận được khoảng 9 triệu đồng/tháng (kể cả thu nhập tăng thêm hằng quý).
Còn cán bộ không chuyên trách thì lương khoảng 4 triệu đồng/tháng. Một cán bộ xã Vĩnh Lộc B cho biết tuy làm việc nhiều áp lực nhưng cơ hội thăng tiến của các cán bộ ở đây khó khăn hơn những địa bàn khác, đơn giản vì làm nhiều thì dễ sinh sai sót và bị kiểm điểm.
Vì vậy, công chức ở các xã đông dân này khó được quy hoạch cho những vị trí cao hơn bởi luôn bị vướng kiểm điểm, kỷ luật.
Người dân làm thủ tục hành chính tại UBND xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP.HCM sáng 23-6 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Sẽ phân cấp mạnh hơn cho TP.HCM về biên chế
Về vấn đề biên chế, tại hội nghị giao ban công tác tổ chức xây dựng Đảng 21 tỉnh thành khu vực miền Nam tổ chức hôm 23-6, ông Nguyễn Phước Lộc - trưởng Ban tổ chức Thành ủy TP.HCM - cho biết thực tế TP.HCM có 4 xã, phường có trên 110.000 dân và 51 xã phường có trên 51.000 dân.
Tỉ lệ dân cư rất cao trong khi quản lý biên chế cũng bị theo quy định như các địa phương khác dẫn đến áp lực công việc, cường độ lao động, tiến độ cũng như hiệu quả giải quyết yêu cầu của người dân rất khó khăn.
Về vấn đề này, bà Trương Thị Mai - trưởng Ban Tổ chức trung ương - cho biết đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị quyết định tổng biên chế của toàn hệ thống chính trị.
Theo đó, Bộ Chính trị sẽ quyết định con số tổng biên chế, trong đó có 0,5% biên chế dự phòng cho những nơi thành lập tổ chức mới hoặc tăng nhiệm vụ.
Đến năm 2022, các địa phương sẽ giảm 10% biên chế, đến năm 2026 sẽ giảm tiếp 5% biên chế. Sau khi Bộ Chính trị quyết định tổng biên chế, Ban Tổ chức trung ương sẽ có quyết định biên chế cho tất cả các địa phương.
Ban tổ chức tỉnh ủy, thành ủy tham mưu Ban thường vụ để tự phân bổ biên chế cho địa phương một cách hợp lý.
Các địa phương hoàn toàn có thể điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu của mình, chỗ nào cần thì đông biên chế hơn chỗ không cần ít biên chế hơn. Sẽ phân cấp phân quyền, toàn bộ biên chế giao lại cho Ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, các địa phương tự quyết việc phân bổ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Thái Nguyên - chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc B - kiến nghị cho UBND các địa phương được tăng biên chế theo số lượng cư dân; chủ tịch UBND xã được phép ký hợp đồng thuê thêm người để phụ giúp các công việc cho cán bộ, công chức xã và bổ sung thêm thù lao cho nhóm nhân viên hợp đồng này.
Lãnh đạo UBND xã Vĩnh Lộc A đề xuất tăng thêm một phó chủ tịch cho các xã, phường đông dân; bổ sung số lượng cán bộ, công chức không chuyên trách theo số lượng dân cư; tăng thêm thù lao cho cán bộ không chuyên trách, cán bộ kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ cũng được nhận phụ cấp kiêm nhiệm...
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn - chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức - cho rằng trước mắt không có giải pháp nào tốt hơn tăng thêm người cho các phường, xã có dân số đông.
Về lâu dài, Nhà nước tăng cường ứng dụng CNTT và cơ sở dữ liệu điện tử liên thông sẽ giúp giảm tải công việc của cán bộ và nên để cho UBND quận huyện được tự phân bổ cán bộ.
Những bộ phận nào có thể tự động hóa, ít việc thì giảm biên chế để đưa người về những đơn vị, địa phương có nhiều việc.
Thêm biên chế, TP.HCM phải giải trình kỹ
Đây là yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà về vấn đề cán bộ, nhân sự tại TP.HCM.
5.700 công chức, viên chức dôi dư nhưng... không dôi dư
Tại buổi làm việc với Bộ Nội vụ, giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Huỳnh Thanh Nhân cho biết hiện nay, tổng biên chế công chức trung ương giao cho TP.HCM là 10.869 người, nhưng thực tế HĐND TP.HCM duyệt giao là 14.470 người, tức cao hơn gần 3.601 người.
Tương tự, số biên chế viên chức mà HĐND TP.HCM giao cho TP là 99.985 người, cao hơn so với số lượng trung ương giao là 97.881 biên chế. Như vậy, toàn TP.HCM hiện có 5.705 công chức, viên chức dôi dư so với số lượng được trung ương giao.
Lý giải về sự chênh lệch này, ông Nhân cho hay "đây là vấn đề lịch sử" do quá trình quản lý cán bộ, công chức từ các năm trước. Tuy nhiên, theo ông Nhân, số cán bộ, công chức này không dư, mà đều đang làm việc tại các sở ngành, quận huyện, phường xã.
Ví dụ số lượng viên chức nhiều do tăng dân số cơ học khiến số lượng bệnh viện, trường học tăng hằng năm dẫn đến tăng nhân sự.
"Từ thực tế đó, TP đề xuất trung ương công nhận số biên chế công chức mà HĐND đã duyệt và nhấn mạnh TP.HCM đã nhiều lần nêu kiến nghị này nhưng chưa được trung ương xác nhận. Nếu không công nhận được thì TP.HCM vẫn làm theo biên chế thế chứ không khắc phục được. Nếu cắt con số đang dư của TP sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động", ông Nhân nói.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho hay TP có nhiều cơ quan mà địa phương khác không có.
Ví dụ như đội quản lý trật tự đô thị, mỗi địa phương khoảng 50 người, 22 quận/huyện/TP đã có gần 1.000 người. Hay Ban quản lý an toàn thực phẩm cũng là mô hình duy nhất cả nước.
Công chức không ngơi tay, dân vẫn phải chờ do quá tải - Ảnh: T.TRUNG
"Không có tỉnh nào có tình trạng thế này"
Trao đổi lại, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho rằng việc tăng biên chế công chức, viên chức như kiến nghị của TP.HCM là "cực khó khăn" vì Ban Chỉ đạo trung ương về quản lý biên chế của Bộ Chính trị đã "chốt" biên chế ở cả 63 tỉnh thành.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng TP.HCM không chặt chẽ trong quản lý biên chế, thậm chí là "buông lỏng", dẫn đến là địa phương duy nhất trên cả nước tồn tại tình trạng còn một số biên chế không đúng cơ quan thẩm quyền, dẫn đến chênh với số lượng biên chế mà Thủ tướng giao.
"Không tỉnh nào có tình trạng thế này. Đây là phát sinh duy nhất trên toàn quốc, không giải quyết được, làm rõ thì rất căng.
Tới đây, Bộ Chính trị sẽ giao biên chế cho các địa phương nên TP sẽ phải giải trình, làm rõ nguyên nhân tại sao có sự chênh lệch giữa biên chế công chức thực tế và được giao, sau đó điều chỉnh hợp lý để vận hành chính quyền đô thị", bà Trà nói và yêu cầu TP.HCM phải có báo cáo giải trình thật kỹ về số biên chế công chức, viên chức dôi dư gửi Ban Chỉ đạo trung ương, Ban Tổ chức trung ương và Bộ Nội vụ.
Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cho biết trong tháng 7, TP.HCM sẽ đánh giá toàn diện, phân tích nguyên nhân, xác định trách nhiệm và đề xuất theo tinh thần làm sao đủ nhân lực thực hiện trách nhiệm, kết hợp với thực hiện nghiêm nghị quyết, phát huy tự chủ và cơ chế xã hội hóa để giảm gánh nặng thu ngân sách.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận