16/06/2011 05:11 GMT+7

Không được bán buôn vì "mác" ngoại

LÊ THANH HÀ
LÊ THANH HÀ

TT - Chỉ vì nhà đầu tư nước ngoài chiếm 4,7% cổ phần mà Công ty cổ phần hóa - dược phẩm Mekophar (TP.HCM) bị từ chối chức năng “bán buôn, bán lẻ”. Câu chuyện khá hi hữu này xảy ra cho thấy cùng một vấn đề nhưng mỗi cơ quan lại có cách hiểu khác nhau.

d82VdfPf.jpgPhóng to
Dây chuyền máy ép vỉ thuốc tại Công ty Mekophar - Ảnh: CTV

Công ty cổ phần hóa - dược phẩm Mekophar (gọi tắt là Công ty Mekophar) tiền thân là doanh nghiệp nhà nước, được thành lập cách đây 35 năm. Hiện nay Nhà nước (đại diện là Tổng công ty Dược VN) sở hữu 29,47% vốn điều lệ.

Doanh nghiệp kêu

Với mục tiêu thu hút nguồn vốn trên thị trường chứng khoán để phát triển và mở rộng công ty, ngày 2-6-2010 Công ty Mekophar niêm yết cổ phiếu trên Sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) với vốn điều lệ 92,1 tỉ đồng, cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại thời điểm ngày 18-4-2011 gần 4,33 tỉ đồng, chiếm tỉ lệ 4,7%.

Dù đã thực hiện sản xuất, kinh doanh thuốc từ nhiều năm nay nhưng năm 2010 khi thực hiện việc đăng ký kinh doanh lại, Mekophar đã bổ sung ngành nghề đăng ký kinh doanh “bán buôn, bán lẻ dược phẩm”. Tuy nhiên, Sở Kế hoạch - đầu tư TP.HCM đã từ chối cấp phép ngành nghề bổ sung dựa trên các quy định pháp lý của Luật đầu tư, nghị định 23/2007/NĐ-CP của Chính phủ, thông tư 09/2007/TT-BTM và quyết định 10/2007/QĐ-BTM của Bộ Thương mại.

Theo các quy định trên, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài bao gồm doanh nghiệp do nhà đầu tư nước ngoài thành lập để thực hiện hoạt động đầu tư tại VN, và doanh nghiệp VN do nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, sáp nhập, mua lại.

Theo các quy định trên, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không được quyền phân phối đối với một số ngành nghề trong đó có ngành nghề dược phẩm. Vì vậy, việc Mekophar có 4,7% sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài từ mua cổ phiếu trên HoSE được Sở Kế hoạch - đầu tư TP xem là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Điều này đồng nghĩa với việc Mekophar phải bị ràng buộc về hạn chế tiếp cận thị trường thông qua biểu cam kết về dịch vụ thương mại với Tổ chức Thương mại thế giới.

Bà Huỳnh Thị Lan - tổng giám đốc Công ty Mekophar - cho biết đứng trước tình hình không được cấp lại đăng ký kinh doanh để thực hiện chức năng phân phối thuốc, việc sản xuất và kinh doanh của Mekophar sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do không được xét công nhận chuỗi nhà thuốc đạt GPP (thực hành tốt nhà thuốc), không được xét công nhận đạt GDP (thực hành tốt phân phối thuốc)...

Trong nước hay nước ngoài?

Vì không được cấp bổ sung ngành nghề kinh doanh là bán buôn, bán lẻ dược phẩm, từ tháng 10-2010 đến đầu tháng 6-2011 Công ty Mekophar đã gửi hàng chục đơn kiến nghị đến các cơ quan chức năng để “kêu cứu”.

Ngày 15-2-2011, Ủy ban Chứng khoán nhà nước (SSC) có văn bản gửi Bộ Kế hoạch - đầu tư, Bộ Công thương, Sở Kế hoạch - đầu tư TP.HCM về việc hướng dẫn các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trong đó, về kiến nghị của Mekophar, SSC cho rằng việc xem xét để yêu cầu Công ty Mekophar là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và không cấp phép phân phối dược phẩm cho Mekophar là “khá cứng nhắc, gây bất lợi cho doanh nghiệp và các cổ đông”.

Theo SSC, về chuyên môn, việc bán thuốc hay phân phối thuốc của một doanh nghiệp sản xuất hay nhập khẩu dược phẩm chỉ là quy trình hoạt động của doanh nghiệp. Do vậy, việc bán buôn, bán lẻ thuốc có thể coi là một chu trình hoạt động của doanh nghiệp sản xuất.

Về mặt pháp lý, SSC nói rằng do chưa có một quy định chung và đồng bộ nên việc hạn chế một doanh nghiệp có vốn đầu tư gián tiếp từ nước ngoài (với mức sở hữu chưa đến 5%) là gây bất lợi cho doanh nghiệp trong nước.

Ngoài ra, theo SSC, khoản 4, điều 29, Luật đầu tư quy định “Nhà đầu tư nước ngoài được áp dụng điều kiện đầu tư như nhà đầu tư trong nước, trong trường hợp các nhà đầu tư VN sở hữu từ 51% vốn điều lệ của doanh nghiệp trở lên”.

Tuy nhiên, ngày 28-3 Bộ Kế hoạch - đầu tư có văn bản gửi SSC khẳng định theo quy định tại khoản 6, điều 3, Luật đầu tư thì “doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài bao gồm doanh nghiệp do nhà đầu tư nước ngoài thành lập để thực hiện hoạt động đầu tư tại VN; doanh nghiệp VN do nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, sáp nhập, mua lại”. Do đó, Công ty Mekophar với 4,7% sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch - đầu tư cho rằng đối với các mặt hàng dược phẩm do doanh nghiệp sản xuất ra, doanh nghiệp có quyền bán buôn, bán lẻ các sản phẩm đó.

Phải hủy niêm yết

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, hiện nay 100% doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh dược phẩm niêm yết trên sàn chứng khoán đều có sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Doanh nghiệp có sở hữu của nước ngoài lớn nhất là Công ty cổ phần Dược phẩm Hậu Giang (mã cổ phiếu DHG) với tỉ lệ sở hữu hơn 46%, và ít nhất là Công ty cổ phần Y dược phẩm Vimedimex (mã cổ phiếu VMD) với tỉ lệ 0,51%.

Trong thực tế rất nhiều công ty dược phẩm có cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán có sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, nhưng họ đều đã được cấp giấy phép bán buôn, bán lẻ dược phẩm trước khi niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán, nên sau khi niêm yết họ vẫn thực hiện các chức năng, ngành nghề kinh doanh đó. Trong khi doanh nghiệp đăng ký mới hoặc bổ sung thì không được giải quyết. Điều này là không bình đẳng giữa các doanh nghiệp.

Bà Huỳnh Thị Lan cho biết nếu không được hỗ trợ về mặt pháp lý thì Mekophar phải tính đến việc hủy niêm yết trên thị trường chứng khoán để thực hiện việc tái cơ cấu cổ đông, nhằm giảm tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài xuống còn 0%, để được cấp lại đăng ký kinh doanh trong lĩnh vực phân phối dược phẩm.

Luật sư TRỊNH THANH (Văn phòng luật sư người nghèo, TP.HCM):

Cần có hướng dẫn mới

Hiện nay Luật đầu tư chưa có quy định nào hướng dẫn cụ thể rằng doanh nghiệp được xem là có vốn đầu tư nước ngoài khi có nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua cổ phần, bao gồm cả mua trên thị trường chứng khoán. Trong khi đó, theo những văn bản hướng dẫn thi hành, thì hoạt động đầu tư được phân chia thành hai loại: đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp.

Theo đó, việc một nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, cổ phiếu, trái phiếu và các giấy tờ có giá khác, đầu tư chứng khoán để được nhận cổ tức, lãi... mà không tham gia trực tiếp vào quản lý điều hành doanh nghiệp cũng chỉ được xem là hoạt động đầu tư gián tiếp.

Thêm nữa, nếu hiểu theo cam kết với Tổ chức Thương mại thế giới, biểu cam kết này cũng không áp dụng cho trường hợp nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư qua các công cụ tài chính trung gian, qua sàn chứng khoán.

Do đó, cơ quan có trách nhiệm cần nhanh chóng ban hành một văn bản hướng dẫn. Việc ban hành một văn bản pháp luật mới điều chỉnh vấn đề này không trái Luật đầu tư, vì hoạt động đầu tư chứng khoán thực hiện theo quy định pháp luật về chứng khoán và pháp luật có liên quan.

LÊ THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp