Bà Bên hỗ trợ Hội Phụ nữ TP Thủ Đức mở gian hàng 0 đồng cho người dân gặp khó vì đại dịch COVID-19 - Ảnh: Hải An
"Chị ơi, trưa có cơm không em xin cho 10 phòng trọ đang đói".
Tin nhắn của một người em quen khiến bà bật khóc, bà già ngấp nghé lục tuần xách xe chạy đi, không quên gửi dòng hồi đáp: "Chị không có cơm, nhưng sẽ tặng gạo, mì, trứng và rau củ cho các bạn ăn đỡ những ngày tới".
Đó là buổi sáng giữa tháng 6. Như mọi ngày, bà vớt bánh giò, bánh chưng chuẩn bị giao cho khách. Tin nhắn tới khiến bà khựng lại.
Còn cơm cho con ăn với?
Là một người tha hương từ Hải Phòng vô Sài Gòn lập nghiệp 36 năm trước, bà thấu hiểu nhọc nhằn của người ở trọ, nhất là trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 căng thẳng.
Chẳng đắn đo, bà ghé siêu thị Co.op Mart gần nhà mua thực phẩm, gói ghém cẩn thận thành từng phần rồi chở qua đặt trước hàng rào phong tỏa một khu trọ, nơi hầu hết là công nhân và sinh viên thuê ở.
Hôm sau lại thêm một tin nhắn, lần này là của chị công nhân lạ mặt: "Cô ơi, cô còn cơm không cho con ăn với".
Sở dĩ bà thường nhận được tin hỏi về thức ăn là bởi từ khi đợt dịch thứ tư bùng phát, bà luôn cố gắng mỗi ngày nấu vài chục, thậm chí vài trăm phần cơm, cháo tặng người dân các điểm phong tỏa và lực lượng tuyến đầu chống dịch.
Bữa ấy cơm đã tặng hết, bà tất tả đi mua mang tới, biểu chị mau ăn cho ấm bụng, chờ bà gói gạo, rau quả thêm cho.
Những ngày tiếp theo, hành trình của bà dài hơn, không chỉ loanh quanh trong phường mà còn tản mát khắp thành phố. Hôm 23-6, địa phương mở gian hàng 0 đồng nhằm chia sẻ cho bà con đang tạm mất việc vì dịch bệnh.
Đêm trước, chồng bà, người đàn ông đã ngoài 70 tuổi, kêu vợ cứ để đó cho ông, bà ở nhà lo thịt, chả nấu xôi mai tặng kèm bà con. 200kg gạo, 30 thùng mì tôm và 1.000 trứng gà mà bà chuẩn bị sẵn, mình ông xốc vác chở tới điểm mở gian hàng ủng hộ.
Mới đây thôi, ngày 11-7, một người lạ nhắn cho bà qua Facebook: "Con đã ăn mì tôm mấy bữa nay, giờ chỉ còn ba gói". Ngay lập tức, bà hỏi địa chỉ, số điện thoại, gọi tài xế Grab chở gạo đi vì người cần hỗ trợ đang ở Q.Gò Vấp.
Khi nào hết gạo ăn lên bà nhé
Hơn một tháng nay, không bữa nào bà đặt lưng thảnh thơi. Địa phương có thêm một điểm phong tỏa là thêm trằn trọc.
Người già, phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, gia đình bà có đủ ba thành phần này. Nỗi lo COVID-19 hiện hữu trong từng bước chân, nhưng hơn cả bất an vì một con virus vô hình, bà sợ mình bỏ sót đâu đó một cảnh đời éo le, một người đang cần giúp sức.
Giấc ngủ bà thường đến chập chờn kèm theo những tính toán:
Sạp gạo dưới bếp đã đủ cho mấy trăm phần cơm ngày mai?
Làm xôi mặn hay gói bánh giò gửi các bác sĩ, anh em trực chốt phong tỏa ăn bữa sáng?
Nếu lỡ nhà mình bị phong tỏa thì nấu đặt ở vòng ngoài rồi gọi nhờ các bác tài Grab chở đi trao cho mọi người giùm được không?
Nguồn thu của vợ chồng bà là khu trọ 30 phòng trên đường D6, P.Tăng Nhơn Phú A, TP Thủ Đức. Mấy năm nay, bà gói bánh giò, bánh chưng, bánh bột lọc bán thêm.
Mỗi lần qua chơi, tôi thường nghe mọi người gọi bà là "má", "bà nội", có lẽ bởi niềm thương chân chất bà dành cho họ qua nhiều năm gắn bó.
Điều đầu tiên bà nhắn nhủ đến anh chị em công nhân, sinh viên khu trọ khi thành phố bước vào giai đoạn giãn cách hồi đầu tháng 6 là: "Khi nào hết gạo ăn lên bà nhé. Bà chuẩn bị gạo đủ cho các con ăn qua mùa dịch nên đừng lo".
Mà đâu chỉ có gạo, bà đã giảm giá thuê phòng 50%, tự làm kim chi, cà pháo, mua dầu mắm tặng từng phòng.
Tuần trước, cả khu trọ bị phong tỏa do có liên quan ca nhiễm COVID-19, bà lại trấn an mọi người bình tĩnh tuân thủ các khuyến cáo phòng dịch của Bộ Y tế, chuyện ăn uống bà sẽ lo chu toàn.
36 năm, Sài Gòn đã cưu mang một cô gái quê kiếm sống bằng xe nước mía vỉa hè tới khi lập gia đình, chắt chiu xây được khu trọ gọi là "của để dành" tuổi già, bà nói vậy. Bây giờ Sài Gòn đang đau, đang phải gồng lên chống dịch COVID-19, bà không cho phép bản thân đứng ngoài cuộc chiến này.
May mắn là bởi thương quý bà mà nhiều tấm lòng hảo tâm đã tìm đến chung sức. Gạo mắm và những đêm không ngủ ướp thịt, làm cá, lặt rau để sớm mai cơm nóng, canh thơm đến tay các cô chú, anh chị khó hơn mình, bà chỉ có bấy nhiêu thôi, sẽ duy trì cho tới ngày Sài Gòn lại khỏe mạnh, lại nhộn nhịp như vốn dĩ.
Người phụ nữ đang miệt mài đi trên con đường mang tên yêu thương ấy là Bùi Thị Bên, 57 tuổi, ở khu phố 2, P.Tăng Nhơn Phú A, TP Thủ Đức, TP.HCM.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận