16/08/2019 22:06 GMT+7

Không dùng 'cuộc chiến chống ung thư' sẽ tốt hơn cho người bệnh?

TƯỜNG NGUYỄN
TƯỜNG NGUYỄN

TTO - Cách hành văn như thế đã vô tình… giết chết bệnh nhân ung thư sớm hơn là chính căn bệnh đó, theo chuyên gia tâm lý David Hauser thuộc Đại học Queen's tại Canada.

Không dùng cuộc chiến chống ung thư sẽ tốt hơn cho người bệnh? - Ảnh 1.

Bệnh nhân ung thư cần được chữa trị bình thường như các bệnh nhân khác - Ảnh: AFP

Từ trước đến nay, chúng ta luôn có thói quen dùng những cụm từ "đao to búa lớn" khi đề cập đến căn bệnh ung thư và người bệnh.

Nào là họ đang "chiến đấu chống căn bệnh hiểm nghèo này", nào là "y học đang làm tất cả để chiến thắng ung thư", và hơn thế nữa, mỗi khi một ca điều trị được thuyên giảm thì đó là "một chiến thắng". 

Nói tóm lại, đứng trước căn bệnh ung thư, cả thầy thuốc và bệnh nhân đều trở thành những "chiến binh dũng cảm"!

Tuy nhiên, theo chuyên gia tâm lý David Hauser thuộc Đại học Queen's ở Canada, cách nhìn nhận và diễn đạt vấn đề như trên đã tạo ra tác dụng ngược lên tâm lý bệnh nhân, khiến họ bi quan hơn, và có hại nhiều hơn trong quá trình điều trị.

Một chứng minh cụ thể tại Mỹ được giáo sư tâm lý học Norbert Schwarz thuộc Đại học Nam California thực nghiệm qua 4 thí nghiệm riêng lẻ trên gần 1.000 người khỏe mạnh.

Thí nghiệm nhằm đánh giá phản ứng của họ sau khi được đọc những cụm từ ẩn dụ này và nghe phản ứng của bệnh nhân ung thư khi nghe được chúng. 

Những người tham gia thí nghiệm đã nhận xét rằng những bệnh nhân nào bị gán vào "cuộc chiến chống ung thư" đã cảm thấy khổ sở hơn trong quá trình điều trị của mình.

Theo các chuyên gia tâm lý, khi chúng ta nhấn mạnh quá mức đến tính khắc nghiệt của căn bệnh ung thư thì sẽ tạo ra ảo giác tâm lý sợ hãi và phải chịu đựng cho người trong cuộc (tức các bệnh nhân), khiến họ có khuynh hướng mất cảm giác nhận diện các triệu chứng xuất hiện, và gây khó khăn trong khâu tiếp nhận điều trị của đội ngũ y bác sĩ.

Vô hình chung, đây là những cụm từ "giết người" nhanh hơn là chính diễn tiến của căn bệnh ung thư mà họ đang mắc phải.

Bác sĩ đa khoa Margaret McCartney tại Glasgow (Scotland) nhận xét: "Từ kết quả nghiên cứu này, chúng ta nên xem xét lại cách sử dụng các cụm từ mang tính quá xông pha trận mạc như thế, bởi cách diễn đạt như thế tạo ra những hệ lụy nặng nề".

Còn bản thân người trong cuộc, bà Mandy Mahoney, một bệnh nhân bị ung thư di căn không thể chữa khỏi, nêu ý kiến cá nhân rằng kiểu hành văn kêu gọi tinh thần dũng cảm từ những "chiến binh chống bệnh ung thư" đã tạo áp lực rất lớn về mặt tinh thần khiến những người vừa mới phát hiện bệnh rơi vào hoảng loạn, họ nhìn thấy một bối cảnh đen tối hơn là những gì thực tế đang diễn ra.

Bệnh nhân Mandy Mahoney giải thích: "Tôi ủng hộ một cách hành văn nhẹ nhàng, rõ nghĩa và sát thực tế hơn, là tôi đang phải 'sống' với một căn bệnh ung thư không thể chữa khỏi. Tôi nghĩ mình không phải là người dũng cảm gì cho cam, mà chỉ là tôi đang cố gắng sống vui, sống tốt quãng đời còn lại của mình mà thôi".

Nên chăng, bệnh ung thư chỉ cần "được điều trị" như bao căn bệnh khác. Đơn giản vậy thôi! Vì con người ai mà chẳng có lúc bị bệnh, mà có bệnh thì trị bệnh.

Không dùng cuộc chiến chống ung thư sẽ tốt hơn cho người bệnh? - Ảnh 2.

Xem xét hình ảnh chụp cơ quan nghi bị ung thư - Ảnh: AFP

Sẽ nghiên cứu vắcxin điều trị ung thư tại Việt Nam

TTO - Đây là một dự án trọng điểm đang được Trường ĐH Y Hà Nội dự kiến thực hiện cùng đối tác Nhật Bản.

TƯỜNG NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp