Đồng hồ nước của nhà bà T. tại chung cư 42 Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM) bị tháo khi chưa đóng phí quản lý chung cư - Ảnh PHƯỚC TUẦN
Trong năm 2018, căn hộ của bà S. ở chung cư Hoàng Anh Gia Lai 2 tại P.Tân Hưng, Q.7, TP.HCM bị cắt nước 2 lần. Nguyên nhân do bà S. không đóng và đóng không đầy đủ các loại phí quản lý trong chung cư.
Cắt nước, tháo đồng hồ
Theo bà S., tháng 10-2018, hội nghị nhà chung cư thường niên của chung cư Hoàng Anh Gia Lai 2 đã tăng mức phí quản lý của chung cư từ hơn 3.000 đồng/m2/tháng lên thành 6.000 đồng/m2/tháng. Bà S. cho rằng mức phí quản lý mới quá cao, trong khi mức phí cũ trước đây đã đủ chi cho tất cả các hoạt động của chung cư.
Vì vậy, kỳ đóng phí quản lý của tháng 11-2018, bà S. chỉ đóng tiền gửi xe, tiền nước và phí quản lý chung cư tính theo mức 3.100 đồng/m2. Sau đó, căn hộ của bà S. bị ban quản trị chung cư ngưng cấp nước. Bà S. gửi đơn khiếu nại đến UBND P.Tân Hưng, lãnh đạo phường đã làm việc với ban quản trị, ban quản lý chung cư nhưng đến cuối tháng 12-2018, nhà bà S. vẫn chưa được cấp nước.
"Căn hộ chung cư không có nước nên hằng ngày tôi phải về nhà mẹ tôi để sinh hoạt. Nước là tiện nghi thiết yếu nên không có nước, tôi gần như bị tước quyền sử dụng căn hộ của chính mình" - bà S. cho biết.
Theo UBND P.Tân Hưng, căn hộ của bà S. đã bị ban quản trị chung cư ngưng cấp nước một lần vào tháng 5-2018 do bà S. không đóng phí quản lý nhà chung cư.
Làm việc với cơ quan chức năng, ban quản trị chung cư cho biết việc ngưng cấp nước cho căn hộ của bà S. là thực hiện đúng theo nội quy đã được hội nghị nhà chung cư thông qua. Đại diện cư dân yêu cầu bà S. phải đóng đầy đủ kinh phí quản lý vận hành chung cư với mức 6.000 đồng/m2/tháng như những cư dân khác trong chung cư thì mới cung cấp nước.
Đến đầu tháng 2-2019, căn hộ của bà S. đã được cung cấp nước trở lại khi ban quản lý nhận được đầy đủ phí quản lý theo quy định hiện hành của chung cư.
Bà T., chủ một căn hộ tại chung cư số 42 Nguyễn Huệ (P.Bến Nghé, Q.1), cho biết ngày 20-1-2019, nhà bà bị ban quản trị chung cư tháo đồng hồ nước vì khách thuê nhà không đóng phí quản lý. Sau đó, khách trả lại nhà thuê và yêu cầu bà T. phải bồi thường hợp đồng. Ông Nguyễn Minh Hoàng, trưởng ban quản trị chung cư 42 Nguyễn Huệ, xác nhận ban quản trị tháo đồng hồ nước của căn hộ bà T. do người thuê nhà không đóng phí quản lý chung cư.
Sau khi làm việc với UBND P.Bến Nghé, bà T. nhận thiếu sót là không phổ biến nội quy chung cư cho người thuê nhà. Đồng thời trước khi dọn đi, người thuê nhà đã đóng đủ phí quản lý chung cư nên ngày 14-2, ban quản lý chung cư đã lắp lại đồng hồ nước cho căn hộ của bà T....
Tương tự, nhiều chung cư trên địa bàn TP.HCM có quy định chế tài ngưng cung cấp dịch vụ (trong đó có nước) cho các căn hộ nếu chủ hộ không đóng đầy đủ phí quản lý trong chung cư.
Nước là tiện nghi thiết yếu nên không có nước, tôi gần như bị tước quyền sử dụng căn hộ của chính mình.
Bà S. (người dân ở chung cư Hoàng Anh Gia Lai 2)
Không cắt nước, khó thu đủ phí quản lý
Theo quy định, nội quy của nhà chung cư do tập thể cư dân thông qua tại hội nghị nhà chung cư và nội quy này có hiệu lực bắt buộc đối với tất cả các cư dân. Một chuyên gia về quản lý chung cư của Sở Xây dựng TP cho rằng nội dung ngưng cấp nước cho những căn hộ mà chủ hộ không đóng đầy đủ phí quản lý trong các bản nội quy chung cư không vi phạm quy định về quản lý chung cư. Nếu nội quy nhà chung cư được tập thể cư dân thông qua thì sẽ có hiệu lực trong cộng đồng chung cư đó.
Đại diện ban quản trị chung cư Hoàng Anh Gia Lai 2 cho rằng biện pháp ngưng cung cấp nước cho các căn hộ không đóng phí quản lý gần như là cách duy nhất để "nhắc nhở" những chủ nhà cố tình vi phạm. Còn đối với các trường hợp vì lỗi vô ý, bất khả kháng như chủ nhà đi công tác xa hay vì bận bịu, quên đóng phí quản lý, ban quản trị chung cư không áp dụng cách này.
Ông Nguyễn Minh Hoàng cũng cho rằng ông không có cách nào khác để buộc người sử dụng căn hộ phải đóng phí quản lý ngoài việc cắt nước, nếu họ không thực hiện. "Nếu không làm cách này, nhiều cư dân sẽ tìm cách trốn đóng phí quản lý, ban quản trị không có kinh phí để chi cho việc chung. Việc đóng phí cần thực hiện đúng, công bằng" - ông Hoàng nói.
* Đại diện Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH một thành viên:
Hợp lý nhưng chưa hợp tình
Theo quy định hiện nay, các công ty cấp nước chỉ cung cấp nước sạch tới ranh các chung cư, tòa nhà cao tầng thông qua đồng hồ tổng. Vì vậy, những trường hợp cắt nước tại các hộ bên trong chung cư là việc nội bộ của ban quản trị với cư dân ở đây, không liên quan đến các đơn vị cấp nước.
Quy định "chưa đóng phí quản lý thì cắt nước" đã được thông qua tại hội nghị nhà chung cư nên ban quản trị áp dụng cách này là hợp lý. Người dân cũng nên xem đây là một bài học trong quá trình thương thảo hợp đồng mua căn hộ hoặc hội nghị nhà chung cư để có ý kiến bàn thảo, điều chỉnh.
Tuy nhiên, về tình thì chưa thỏa đáng bởi nước là mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu hằng ngày của người dân. Trên thực tế có nhiều khách hàng nợ tiền nước, ngành cấp nước làm nhiều quy trình, nhắc nhở..., biện pháp cuối cùng mới tạm ngưng cung cấp nước. Sắp tới, khi tham mưu cho UBND TP điều chỉnh một số quy định về cấp nước, ngành nước sẽ kiến nghị giải quyết các vấn đề phát sinh tại chung cư như các phản ảnh nói trên.
Q.K. ghi
Chuyên gia xã hội học Lê Văn Thành:
Không nên cắt tiện nghi thiết yếu của căn hộ
Nước là tiện nghi thiết yếu của một căn hộ. Nếu chỉ vì chủ hộ không đóng phí quản lý chung cư mà cắt nước, tức gần như tước quyền sử dụng căn hộ của chủ nhà thì chế tài này hơi khắc nghiệt. Theo tôi, ban quản trị chung cư nên sử dụng cách nhắc nhở, răn đe khác ít ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân hơn.
Cơ quan chức năng cũng cần quy định ban quản trị chung cư không được cắt các tiện nghi thiết yếu của người dân như điện, nước, cáp truyền hình, Internet... khi chủ nhà vi phạm nội quy chung cư.
Ng.H. ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận