Ông Tăng Hữu Phong - trưởng Ban Văn hóa xã hội HĐND TP và bà Phan Thị Thanh Phương - bí thư Thành đoàn TP.HCM trao học bổng cho em Tấn Bình - học sinh lớp 9 Trường THCS Bình Thọ (Thủ Đức) - Ảnh: DUYÊN PHAN
Hơn một năm trước, em đã nhận được cuộc gọi từ ban tổ chức học bổng "Tiếp sức đến trường" dành cho tân sinh viên. Cuộc gọi lần này cũng đầy bất ngờ như vậy. Sự giúp đỡ của các anh chị luôn đến vào những lúc mà em không biết bấu víu vào đâu.
SV Thái Thị Cẩm Tú
Bởi đó là những giọt nước mắt của sự thấu hiểu, sẻ chia đầy tình người, cùng nhau vượt khó sau cơn đại dịch vừa đi qua làm đổi thay nhiều điều.
Cuộc gọi bất ngờ
Trên sân khấu, cô sinh viên Thái Thị Cẩm Tú (Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) nghẹn ngào không nói nên lời khi lần thứ hai được nhận học bổng Tiếp sức đến trường. Bởi lần đầu Tú nhận tin vui là thời điểm tháng 10-2018, khi em một mình quảy balô rời Phan Thiết vô Sài Gòn nhập học mà ông bà ngoại em không có lấy một đồng cho cháu. Tú là đứa bé mồ côi cả cha lẫn mẹ, được đôi vợ chồng già mà em gọi bằng ông bà ngoại nhận nuôi từ khi chỉ vài tháng tuổi.
Lần này, tin nhận học bổng đến với Tú khi em đang trở lại trường, với đủ gánh nặng tiền trọ, tiền ăn nhưng chưa biết xoay xở ra sao.
"Tết rồi em ở lại làm thêm nên đến giờ đã sáu tháng chưa về nhà. Mùa dịch không đi học nhưng em không dám về nhà. Gọi điện về cho ngoại, ngoại bảo mùa dịch không đi bán nước mía được, em không muốn thành gánh nặng thêm cho ngoại. Em chỉ còn có ngoại là người thân! Ngày nào em cũng gọi điện nhưng không dám gọi lâu vì sợ ngoại hỏi rồi khóc", vừa rơi nước mắt em vừa kể.
Đợt dịch vừa qua, Tú phải rời ký túc xá để dành chỗ cho người cách ly. Dọn ra ngoài thuê trọ, bao lo toan càng đè nặng lên cô gái bé nhỏ. Từ hồi sinh viên đến giờ, Tú làm thêm liên tục để tự trang trải chi phí, từ làm quán ăn cho đến rạp phim. Thời gian qua rạp phim đóng cửa, công việc cũng không còn.
"Em mới xin được việc ở quán chay. Số tiền học bổng 3 triệu đồng là một khoản rất lớn với em lúc này. Em gửi cho bà ngoại một ít để bà có vốn đi bán nước mía, số còn lại để trả tiền trọ" - Tú kể.
Trong 211 bạn học sinh, sinh viên, có không ít bạn trẻ lần thứ hai được nhận học bổng "Tiếp sức đến trường". Đó là cô bé "xương thủy tinh" Trương Thị Ý Lan - sinh viên năm 2 Đại học Công nghệ thông tin hay cậu sinh viên Đại học Y dược TP.HCM Nguyễn Ngọc Bão. Khi Lan được bạn bế lên sân khấu nhận học bổng, cô Đặng Thị Cư, mẹ em, ngồi dưới khán phòng theo dõi con. Cách đây hai năm, cô Cư cùng con dự buổi trao ý nghĩa này.
"Con mắc bệnh xương thủy tinh, khó khăn trong sinh hoạt nên khi con đi học, tôi theo lên thành phố, được nhận vào làm tạp vụ ngay trong trường cháu. Mùa dịch trường đóng cửa, tôi không có thu nhập nên hai mẹ con vất vả lắm. May mà Lan lại được nhận thêm khoản học bổng này" - chị xúc động nói.
Quà đặc biệt từ ban tổ chức
Đó là khoản tiền 3 triệu đồng được ban tổ chức quyết định trao ngay trên sân khấu cho bà Nguyễn Thị Hoa (73 tuổi) - bà ngoại của cô học trò lớp 8 Trương Thị Phụng Nghi (THCS Vĩnh Lộc B, Bình Chánh, TP.HCM). Suốt 15 năm (bằng số tuổi của cháu gái), ngày ngày bà lượm ve chai nuôi cháu đến trường, đồng thời trang trải chi phí chữa căn bệnh máu bẩm sinh của cô bé.
Giọng bà đứt quãng, khóe mắt đỏ hoe khi MC hỏi nhận khoản tiền này bà sẽ làm gì: "Tôi sẽ vô bệnh viện truyền máu cho con Nghi".
Bốn tháng tuổi, bác sĩ phát hiện Nghi mắc bệnh về máu bẩm sinh, cha em lại bỏ đi nên bà ngoại rời quê, lên ở cùng hai mẹ con cô bé và nuôi Nghi tới giờ. Bà là người đưa Nghi đi học, đưa em đến bệnh viện mỗi tháng một lần.
"Tiền đi bệnh viện mỗi tháng chừng 10 triệu. Mẹ nó làm ở công ty bao bì lâu lâu mới về, tôi đi lượm ve chai, dành dụm tiền để lo cho nó ăn học, trị bệnh. Vừa rồi dịch, không làm gì được. Khó khăn lắm mà phải cố gắng thôi. Mười mấy năm rồi mà".
Ngồi cạnh bà, Nghi cũng khóc theo. Cô bé nhỏ nhắn hơn cái tuổi 15 của mình rất nhiều. Đã khóc suốt từ khi ngồi xem đoạn phim về hai bà cháu đến tận lúc lên sân khấu, nhưng khi hỏi về ước mơ, cô bé rất rắn rỏi: "Em ước trở thành cô giáo dạy tiếng Anh, có tiền để phụ giúp gia đình, lo cho ngoại".
Chia sẻ với những học sinh, sinh viên trong buổi lễ, nhà báo Lê Thế Chữ - tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - đã kể lại câu chuyện của một trong 150 sinh viên, học sinh của đồng bằng sông Cửu Long vừa nhận học bổng trong đợt trao cách đây bốn ngày. Đó là trường hợp bạn sinh viên mồ côi của Trường cao đẳng Y tế Cần Thơ đã nhiều năm làm nghề bán kẹo kéo mưu sinh, có nguy cơ bỏ học do hàng quán phải đóng cửa vì dịch bệnh. Nhưng suất học bổng cùng sự giúp sức của cộng đồng đã kéo bạn ấy trở lại với giảng đường.
"Kể cho các bạn câu chuyện ấy, chúng tôi muốn nói rằng các bạn sẽ không đơn độc trong hành trình còn nhiều khó khăn này để tiếp tục ước mơ đến trường của mình", ông bày tỏ.
Trao 211 suất học bổng cho học sinh, sinh viên vùng Đông Nam Bộ
Các bạn học sinh, sinh viên đã nhận được sự sẻ chia kịp thời để vượt qua khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19, tiếp tục đến trường - Ảnh: DUYÊN PHAN
Học bổng "Tiếp sức đến trường" được trao ngay thời điểm học sinh, sinh viên khó khăn của khu vực Đông Nam Bộ trở lại trường sau mùa dịch COVID-19 vào sáng 30-5. Trước đó, chương trình đã tặng 150 suất cho học sinh, sinh viên khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Học bổng cho sinh viên trị giá 3 triệu đồng/suất, với học sinh THCS, THPT 1,5 triệu đồng/suất cùng quà tặng. Tổng kinh phí khoảng 2,2 tỉ đồng, được trích từ chương trình "Cùng Tuổi Trẻ chống dịch COVID-19" do báo Tuổi Trẻ và Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM phát động. Chương trình sẽ tiếp tục đến với hơn 350 học sinh, sinh viên khó khăn tại khu vực miền Trung và miền Bắc.
C.TRIỆU
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận