Một phụ huynh cho con uống nước lọc tại khu chờ khám Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM - Ảnh: Hồng Phương
Những ngày qua, tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM cũng có cha mẹ đưa con đến khám do thời tiết nắng nóng, trẻ em có dấu hiệu khác thường. Nắng gắt, tất cả mọi người đều có nguy cơ bị thiếu nước, đặc biệt là trẻ em.
Tiểu ít vì uống quá ít
Chị T.T.L. (ngụ quận 7, TP.HCM), đang ẵm con chờ khám, chia sẻ: "Mấy hôm nay con tôi cứ bứt rứt, mặt hơi đỏ hơn, sờ vào người bé thì thấy nhiệt độ cơ thể nóng hơn bình thường. Thời tiết mùa này thất thường, có nắng thì rất gắt, tôi thấy bé đổ mồ hôi nhiều nên đưa bé đến bệnh viện để khám".
Tại các khu vực ghế ngồi, nhiều phụ huynh liên tục cho trẻ uống nước lọc. Chị N.T.T.H. (30 tuổi, ngụ Long An) cho biết bé nhà chị 5 tuổi, gần đây trời nắng nóng, bé hay vui chơi ra mồ hôi nhiều mà bé lại ít uống nước nên mới phải đến khám tiết niệu. "Bé nhà tôi uống nước quá ít. Bé đi tiểu rất ít, chỉ tầm 2-3 lần/ngày, nước tiểu của bé màu vàng đậm. Ba ngày nay tôi thử kèm bé uống nước nhiều hơn, và chia nhỏ từng lần uống thì thấy nước tiểu bé có nhạt màu hơn" - chị N.T.T.H. chia sẻ.
Ảnh hưởng chuyển hóa dinh dưỡng nếu thiếu nước
Việc cơ thể bị thiếu nước trong mùa hè là điều dễ xảy ra đối với tất cả mọi người, nhất là với trẻ em. Thiếu nước sẽ ảnh hưởng đến việc chuyển hóa dinh dưỡng trong cơ thể, đồng thời dễ dẫn đến các bệnh phổ biến như cảm, sốt...
Theo TS.BS Lâm Vĩnh Niên - trưởng khoa dinh dưỡng - tiết chế Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, nhiều trường hợp cơ thể trẻ có thể đã cần được cung cấp nước cho dù chưa cảm thấy khát nước, do đó nên uống nước thường xuyên trong ngày. Chế độ sinh hoạt, vận động, tập luyện thông thường của trẻ chỉ cần uống nước lọc để đảm bảo đủ nước và giải khát hiệu quả. BS CK1 Trần Thị Minh Nguyệt - viện trưởng Viện nghiên cứu dinh dưỡng NutiFood - cho biết nhu cầu nước hằng ngày ở trẻ khác nhau theo độ tuổi, cân nặng: trẻ nhỏ dưới 10kg cần khoảng 100ml/kg cân nặng; trẻ trên 10 tuổi, lượng nước uống bằng người lớn, khoảng 1,5 - 2 lít/ngày. Trẻ cần uống đủ nước và nhiều hơn khi tập luyện vào ngày nắng nóng.
Nước chiếm hơn 2/3 trọng lượng cơ thể, là môi trường sống cho tế bào, là dung môi cho mọi hoạt động chuyển hóa chất dinh dưỡng, điều hòa thân nhiệt, bài tiết chất độc hại trong cơ thể ra ngoài... Thời tiết nóng khiến trẻ dễ mất nước và muối do đổ mồ hôi. Việc sử dụng quạt, máy lạnh cũng làm trẻ mất nước. Thiếu nước ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa, bài tiết, điều nhiệt, thiếu men tiêu hóa... gây khó tiêu và biếng ăn.
Đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ
Ngày hè trẻ không còn bị ràng buộc về giờ giấc như trong năm học, có điều kiện tiếp cận các nguồn thực phẩm dễ dàng hơn, phụ huynh cần lưu ý đến việc trẻ ăn gì trong những ngày hè.
BS Minh Nguyệt cho biết để đảm bảo sức khỏe cho trẻ vào mùa hè, phụ huynh cần cho trẻ ăn đủ các nhóm thực phẩm cần thiết, gồm chất bột đường (cơm, bún, phở, mì...), chất đạm (thịt lợn, thịt bò, cá, thủy hải sản, đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành như đậu phụ, sữa đậu nành...), chất béo (dầu, mỡ, bơ...), rau, trái cây... trong các bữa ăn chính. Và trẻ cũng cần uống đủ lượng sữa theo độ tuổi (trên 500ml/ngày đối với trẻ từ 1 tuổi trở lên).
"Có thể uống sữa tươi, sữa bột nguyên kem, sữa dinh dưỡng các loại vì đây là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa, dễ hấp thu, dễ sử dụng" - BS Minh Nguyệt chia sẻ.
Bên cạnh đó, cách chế biến cũng rất quan trọng. Phụ huynh nên chế biến dễ ăn, dễ tiêu hóa, thích hợp với khẩu vị trong mùa hè, các thức ăn nên luộc, hấp, nấu canh... hơn là xào, rán, nướng vì dễ gây cảm giác ngán, khó ăn và gây khát nước. Nên chia nhỏ nhiều bữa ăn. Ngoài các bữa chính, nên cho trẻ ăn thêm những bữa ăn phụ bổ mát như sữa chua, chè hạt sen, chè đậu các loại...
Không thể thiếu nước lọc
Theo BS CK1 Trần Thị Minh Nguyệt, các loại nước thích hợp là nước đun sôi để nguội, nước uống tinh khiết, sữa, sữa đậu nành, sữa chua, sinh tố, nước ép trái cây tươi, nước đậu xanh...
Phụ huynh cần lưu ý không nên cho trẻ uống nhiều nước ngọt, nước đá, nước có ga... chỉ giúp trẻ thấy "đã khát" lúc uống nhưng không có tác dụng bù nước, mà lại gây những hậu quả xấu như viêm họng do uống lạnh dẫn tới chán ăn, béo phì, hạn chế phát triển chiều cao.
Ăn trái cây để bổ sung vitamin
TS.BS Lâm Vĩnh Niên lưu ý chế độ dinh dưỡng đối với trẻ bên cạnh việc ăn theo chế độ cân đối, mùa hè cần lưu ý bổ sung vitamin và khoáng chất cho trẻ. Nguồn vitamin và khoáng chất có nhiều trong các loại trái cây, rau quả sẵn có trong mùa hè, như cam, chuối, đu đủ, bơ, dứa, dưa hấu, rau dền, mồng tơi, bí đao, cà rốt... giúp trẻ tăng cường hệ miễn dịch phòng chống các bệnh mùa hè. Và trẻ cũng nên dành thời gian cho các hoạt động thể lực, rèn luyện cơ thể. Bất cứ hoạt động thể lực vừa sức nào cũng đều có lợi: bơi, võ, đá bóng, bóng chuyền... Giảm thời gian xem tivi, xem máy tính bảng...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận