08/05/2012 09:13 GMT+7

Không đi làm ngày lễ bị trừ lương?

Luật sư TRỊNH VĂN HIỆP(Văn phòng luật sư Gia Thành)
Luật sư TRỊNH VĂN HIỆP(Văn phòng luật sư Gia Thành)

TTO - * Tôi làm cho một công ty được một năm, đã có bảo hiểm y tế nhưng ký hợp đồng thời hạn chỉ 3 tháng. Hợp đồng tôi cũng chỉ mới ký một lần và chưa thấy có phép năm.

Công ty không có công đoàn. Vào những ngày lễ, nhân viên đều phải đi làm nhưng chỉ được thêm nửa ngày công. Nếu không đi làm thì bị trừ lương ngày đó.

Xin hỏi công ty làm vậy có đúng Luật lao động do Nhà nước ban hành không? Và việc ký kết hợp đồng với người lao động như vậy là có đúng theo Luật lao động hay không?

(lovely 24041988)

- Theo khoản 4 điều 4 nghị định số 44/2003/NĐ-CP ngày 9-5-2003 của của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động về hợp đồng lao động: khi hợp đồng lao động quy định tại khoản 2 (hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng) và khoản 3 (hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng) điều 4 nghị định số 44/2003/NĐ-CP hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động mới.

Trong thời gian chưa ký được hợp đồng lao động mới, hai bên phải tuân theo hợp đồng lao động đã giao kết. Khi hết thời hạn 30 ngày mà không ký hợp đồng lao động mới, hợp đồng lao động đã giao kết trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

Trường hợp ký hợp đồng lao động mới là hợp đồng xác định thời hạn, thì chỉ được ký thêm một thời hạn không quá 36 tháng, sau đó nếu người lao động tiếp tục làm việc thì ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn; nếu không ký thì đương nhiên trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

Việc công ty ký kết với bạn hợp đồng lao đồng có thời hạn 3 tháng, nhưng đến thời điểm hiện nay bạn đã làm việc tại công ty được một năm và giữa bạn với công ty chưa ký kết lại hợp đồng lao động mới, thì hợp đồng đã được ký kết giữa bạn với công ty trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

Về số ngày nghỉ hằng năm (nghỉ phép), điều 74 Bộ luật lao động (BLLĐ) quy định: người lao động có 12 tháng làm việc tại một doanh nghiệp hoặc với một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo quy định sau đây:

a) 12 ngày làm việc, đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;

b) 14 ngày làm việc, đối với người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm việc ở những nơi có điều kiện sinh sống khắc nghiệt và đối với người dưới 18 tuổi;

c) 16 ngày làm việc, đối với người làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm ở những nơi có điều kiện sinh sống khắc nghiệt.

Về nghỉ lễ, điều 73 BLLĐ quy định người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương những ngày lễ sau đây:

- Tết dương lịch: một ngày (ngày 1-1 dương lịch).- Tết âm lịch: bốn ngày (một ngày cuối năm và ba ngày đầu năm âm lịch).- Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: một ngày (ngày 10-3 âm lịch).- Ngày chiến thắng: một ngày (ngày 30-4 dương lịch).- Ngày Quốc tế lao động: một ngày (ngày 1-5 dương lịch).- Ngày Quốc khánh: một ngày (ngày 2-9 dương lịch).

Nếu những ngày nghỉ nói trên trùng vào ngày nghỉ hằng tuần thì người lao động được nghỉ bù vào ngày tiếp theo.

Căn cứ theo quy định trên, công ty bạn không cho người lao động được nghỉ đủ số ngày nghỉ hằng năm (nghỉ phép) và cũng không cho người lao động được nghỉ các ngày lễ là hoàn toàn trái với quy định pháp luật lao động.

Trường hợp người lao động nghỉ làm việc vào ngày lễ nhưng không được công ty trả lương ngày lễ mà còn bị trừ lương là hoàn toàn trái với quy định của pháp luật lao động.

Về việc làm thêm giờ vào ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, điều 61 BLLĐ quy định:

1. Người lao động làm thêm giờ được trả lương theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương của công việc đang làm như sau:

a) Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;b) Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;c) Vào ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300%.

Nếu làm thêm giờ vào ban đêm thì còn được trả thêm theo quy định tại khoản 2 điều 61 BLLĐ.

Nếu người lao động được nghỉ bù những giờ làm thêm, thì người sử dụng lao động chỉ phải trả phần tiền chênh lệch so với tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương của công việc đang làm của ngày làm việc bình thường.

2. Người lao động làm việc vào ban đêm quy định tại điều 70 của BLLĐ, thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương của công việc đang làm vào ban ngày.

Theo quy định khoản 3 điều 76 BLLĐ, trường hợp người lao động do thôi việc hoặc vì các lý do khác mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì được trả lương những ngày chưa nghỉ.

Như vậy nếu người lao động trong công ty bạn vẫn làm việc vào các ngày lễ, chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì họ phải được công ty trả lương làm thêm giờ đối với những ngày nêu trên theo đúng quy định tại điều 61 BLLĐ (vào ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương được trả lương ít nhất bằng 300% theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương của công việc đang làm). Việc công ty chỉ trả thêm nửa ngày công cho họ là hoàn toàn trái với quy định của pháp luật lao động.

Luật sư TRỊNH VĂN HIỆP(Văn phòng luật sư Gia Thành)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp