Nhiều trường học sinh học trực tuyến nhưng vẫn thu học phí như trước đây. Trong ảnh: học sinh lớp 12 ở TP.HCM trong giờ học trực tuyến tại nhà - Ảnh: NHƯ HÙNG
Theo đó, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, tất cả học sinh các cấp đều nghỉ ở nhà phòng tránh dịch COVID-19. Vậy mà nhiều trường vẫn gửi thông báo yêu cầu phụ huynh phải đóng học phí tháng 4 và 5 của năm học 2019-2020, trong khi học phí tháng 2 và 3 họ đã đóng đầy đủ mà học sinh thì không đến trường.
Có trường còn yêu cầu phụ huynh phải đóng phí giữ chỗ và đóng học phí cho năm học sau (2020-2021), trong khi học phí học kỳ 2 của năm học này các phụ huynh đã đóng đầy đủ mà học sinh thì chỉ ở nhà học trực tuyến mà thôi.
Một trong số những trường trên giải thích rằng hằng năm đây chính là thời điểm nhà trường thu học phí cho năm học sau để tính toán kế hoạch, rằng nhà trường thu học phí theo năm, mỗi năm chia ra làm 4 học phần. Dù năm học có kết thúc vào cuối tháng 5 hay cuối tháng 7 thì học phí vẫn giữ nguyên cho cả năm học. Tuy học sinh không đi học nhưng nhà trường vẫn phải trả tiền thuê mặt bằng, trả lương giáo viên, nhân viên, trả lãi ngân hàng... nên cần thu học phí.
Đúng là trong mùa dịch bệnh các trường ngoài công lập sẽ rất khó khăn khi mọi nguồn thu phụ thuộc vào phụ huynh học sinh, chứ không có nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước như trường công lập. Nhưng nói đi cũng phải nói lại: chẳng lẽ nhà trường khó khăn thì đổ hết cái khó ấy lên phụ huynh học sinh?
Chưa kể cách thu học phí như vậy là không hợp lý, là tận thu. Bởi không ai biết đến bao giờ học sinh sẽ đi học trở lại, không ai biết học kỳ 2 của năm học 2019-2020 sẽ kéo dài hơn 4 tháng như mọi năm hay rút ngắn lại, hay học sinh chỉ học trực tuyến để kết thúc năm học chứ không đến trường. Hiệu quả của việc học trực tuyến còn chưa được các cơ quan chức năng đánh giá bài bản và khách quan...
Học phí ở các trường ngoài công lập rất cao: 100 - 300 triệu đồng/năm. Các trường này xuất hiện để đáp ứng nhu cầu cần cung cấp các loại hình dịch vụ giáo dục chất lượng cao của một bộ phận phụ huynh: học sinh được ăn, ngủ, học từ sáng đến chiều trong môi trường cơ sở vật chất đầy đủ, tiện nghi để phụ huynh yên tâm đi làm; học sinh được học ngoại ngữ, tin học, các môn năng khiếu, kỹ năng sống (thậm chí cả một số chương trình giáo dục của nước ngoài) ngay trong trường...
Như vậy, khi học sinh không đến trường mà chỉ ở nhà học từ xa thì chắc chắn các em không được hưởng hết các loại hình dịch vụ trên. Nhiều phụ huynh phải thuê người giữ con, kèm con học trực tuyến ở nhà. Các trường ngoài công lập không thể lấy lý do khó khăn rồi bắt phụ huynh phải đóng 100% học phí - số tiền không phải nhỏ - trong bối cảnh như trên.
Khó khăn chung
Thời kỳ dịch bệnh, đâu chỉ một mình nhà trường khó khăn, mà đa số phụ huynh cũng khó khăn: lương, thưởng giảm, công việc kinh doanh ngừng trệ, thất thu... "Thức đêm mới biết đêm dài" - một phụ huynh ở quận 2, TP.HCM đã nói như thế khi bàn về cách hành xử của các trường ngoài công lập trong giai đoạn dịch bệnh như hiện nay.
"Lúc khó khăn như thế này mới biết trường nào xử sự có lý, có tình. Sau mùa dịch bệnh, sẽ có trường mất rất nhiều học sinh và ngược lại" - vị này nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận