Theo dõi một người nổi tiếng livestream. - Ảnh tư liệu
Trong xu thế về truyền thông hiện đại, việc sử dụng kênh thông tin từ những người có tầm ảnh hưởng trên các mạng xã hội (Facebook, Instagram, Twitter...) là cực kỳ phổ biến.
Từ đó vô hình trung làm đẩy nhanh các hoạt động quảng bá, bán hàng qua mạng xã hội, trong đó ưa dùng nhất hiện nay là hình thức livestream, mà ở đó người phát ngôn có thể gửi một hoặc nhiều thông điệp mang tính thời điểm đến người nghe.
Khó xác định thu nhập từ livestream
Một trong nhiều lý do khiến hình thái này lan rộng là lợi thế tiếp xúc người tiếp nhận thông tin một cách gần gũi, có tính chất cá nhân… Theo số liệu thống kê về truyền thông thì hơn 90% người dùng mạng xã hội hiện nay tại Mỹ tin tưởng hình thức này hơn các loại hình truyền thông, quảng cáo khác.
ThS. Lương Phương Lan, giảng viên khoa Quan hệ công chúng và Truyền thông, Trường ĐH Văn Lang, cho rằng việc đánh thuế hành động Livestream hay post status Facebook (viết bài trên trang Facebook cá nhân) kiểu KOLs (Key Opinion Leader - chỉ những người có tầm ảnh hưởng tới khách hàng và quyết định của họ) để quảng bá cho nhãn hàng hay các sản phẩm là rất cần thiết.
“Những cá nhân này đang có nguồn thu rất khổng lồ từ các trang mạng xã hội thông qua các hoạt động livestream hay post Facebook. Do đó, nếu coi nó như một "nghề" thì cũng phải đối xử giống như những ngành nghề khác như giáo viên, bác sĩ, quảng cáo... Trong khi người có thu nhập ở các ngành nghề kia phải nộp thuế thu nhập cá nhân hết thì "nghề" này cũng phải đóng thuế. Đó là nghĩa vụ bình thường!”, ThS. Lan nhận định.
Tuy nhiên, theo ThS. Lan, việc xác định doanh thu và đánh thuế đủ, đúng là rất khó bởi căn cứ xác định các thu nhập từ livestream hay post Facebook là không có. Chẳng hạn hiện nay, nhiều cá nhân có thu nhập từ một post có thể từ 5 đến 60 triệu đồng, livestream chắc chắn sẽ cao hơn nhiều, nhưng khi doanh nghiệp thanh toán cho họ thường rất ít khi có hợp đồng cụ thể, nhiều khi chỉ là hợp đồng miệng với nhau. Khi đó sẽ không có căn cứ để nói rằng người thực hiện post hay livestream Facebook có doanh thu từ hành động của mình, để mà đánh thuế.
Theo chuyên gia marketing Bùi Việt Hiền Nhi, “Vấn đề đặt ra là có thể kiểm soát nội dung livestream đó hay không, hay việc người phát ngôn có thu lợi từ đó hay không thì chỉ có... họ và người tương tác với họ mới rõ. Hiển nhiên thì khi đó càng rất hạn chế những yếu tố để có thể chứng minh về việc nội dung có mang tính chất quảng cáo hay không, có thu lợi hay không, doanh thu là bao nhiêu…”.
Đó là chưa kể câu chuyện nội dung post hay livestream trên Facebook có thể chẳng có biểu hiện cụ thể nào là quảng cáo cho một sản phẩm, nhãn hàng hay thương hiệu, nhưng ẩn ý của nó thì vẫn nhằm nói tốt cho một đối tượng nào đó. Khi đó, rõ ràng không dễ để cơ quan chức năng xác định đâu là post, livestream cá nhân, đâu là post, livestream thương mại.
Một số lưu ý
Bên cạnh đó, thực tế cũng có trường hợp cá nhân thực hiện livestream (có tính chất quảng cáo) là điều khoản nằm trong một hợp đồng đã ký trước đó.
Chẳng hạn, “KOLs thực hiện một chiến dịch quảng cáo nào đó cho nhãn hàng và trong hợp đồng có điều khoản thực hiện livestream. Trong hợp đồng đó thường là đã chịu thuế trên doanh thu tổng của KOL rồi, còn chuyện livestream trên Facebook chỉ là sự việc diễn ra theo hợp đồng đã ký. Do đó, nếu tiếp tục đánh thuế qua livestream thì hóa ra cá nhân thực hiện phải chịu thuế 2 lần?”, ông Lê Bảo Long, quản lý diễn đàn vOz, nêu thắc mắc.
Xét về tính khả thi của việc đánh thuế qua hoạt động livestream trên Facebook, ông Nguyễn Văn Doanh, đồng sáng lập dự án StartupLAW.vn - hỗ trợ pháp lý cho startups - cho rằng: “Với các biện pháp hiện tại, cơ quan thuế có thể tiến hành xác minh để thu thuế được. Tương tự như thu thuế thu nhập cá nhân của ca sỹ, nghệ sỹ, vấn đề thường rất khó nhưng cơ quan thuế vẫn có cách để thu mặc dù không thu được 100% tiền thuế phát sinh”.
Cụ thể, theo ông Doanh, việc thu thuế này khả thi nếu cơ quan thuế có khả năng xác minh đầy đủ các thông tin sau: người livestream quảng cáo - số lượng hiện nay không nhiều nên có thể dễ dàng quản lý; nội dung livestream nào là quảng cáo - không khó để nhận ra; dòng tiền trả cho quảng cáo - cơ quan thuế phải tìm cách xác định được dòng tiền cá nhân đó nhận là doanh thu từ quảng cáo.
“Một điều ngành thuế hiện nay nên chú ý là doanh thu quảng cáo của cá nhân livestream hiện đã thay đổi hình thức thanh toán, thông qua trung gian hoặc giao dịch chuyển tiền hoàn toàn nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam. Vì vậy, cơ quan thuế cũng cần biết để có kế hoạch vận động, quản lý phù hợp”, ông Doanh lưu ý thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận