PGS.TS Trần Hoàng Ngân phát biểu tại hội nghị phản biện. Ảnh: TỰ TRUNG
Đó là cảnh báo của PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Giám đốc Học viện cán bộ TP.HCM tại hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo đề án thí điểm chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, chính trị xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập do TP quản lý, diễn ra sáng 2-3 do Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức.
Tại hội nghị này, nhiều đại biểu góp ý về cách đánh giá phân loại cán bộ công chức, là tiêu chí để quyết định việc tăng thu nhập cho cán bộ công chức viên chức hàng năm. Theo dự thảo đề án thì chỉ cán bộ công chức viên chức nào được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên mới được tăng thu nhập. Việc đánh giá này do thủ trưởng đơn vị chịu tránh nhiệm.
Cần có đề án về đánh giá cán bộ công chức
Ông Trần Hoàng Ngân cho rằng tăng thu nhập là niềm vui của đội ngũ cán bộ công chức viên chức TP. Theo ông thời điểm áp dụng nên "càng sớm càng tốt". Theo lộ trình dự thảo đưa ra thì năm 2018 tăng 0,6 lần, sau đó từng năm tăng lên 1,2 rồi 1,8 lần. Ông Ngân đặt vấn đề có thể tăng ngay lên 1,8 lần hay không.
Trong việc đánh giá cán bộ công chức hàng năm, ông Trần Hoàng Ngân cũng đặt vấn đề làm sao để tránh cào bằng. "Không chừng sau khi đánh giá, cán bộ công chức lại tâm tư, người lao động lại thấy không công bằng. Tiêu chí đánh giá, tổ chức đánh giá như nào, giao quyền cho người đứng đầu như nào, có khi thêm được thu nhập mà mất đoàn kết, làm cho hoạt động của đơn vị bị bị ảnh hưởng", ông Ngân nói.
Ông đề xuất phải có đề án đánh giá cán bộ công chức kèm theo đề án về tăng thu nhập.
Ông Châu Minh Tỷ góp ý về cách đánh giá cán bộ hiện nay. Ảnh: TỰ TRUNG
Ông Châu Minh Tỷ, nguyên giám đốc Sở Nội vụ cũng góp ý cần phải xem xét lại cách đánh giá cán bộ công chức viên chức hiện nay. Ông nêu thực trạng cán bộ công chức giỏi, nếu được lãnh đạo trọng dụng thì một thời gian sau bị cô lập, không phát huy được nữa.
Lại có những cán bộ công chức mà thủ trưởng không dám giao nhiệm vụ, hoặc giao rất ít, nên cuối năm tổng kết lại thì lại hoàn thành hết các nhiệm vụ. "Cơ chế của mình hiện nay rất khó giảm được số cán bộ công chức này", ông Tỷ nói.
TS Huỳnh Thế Du (ĐH Fulbright) thì cho rằng với đề án này, TP.HCM nên tập trung tháo gỡ cách khuyến khích ngược như thực trạng chung của cả nước hiện nay. Đó là khi đánh giá cán bộ công chức, thay vì hỏi xem người ta làm được gì, thì lại đặt câu hỏi người ta có sai gì không.
Trong khi đó, những người linh động áp dụng cơ chế chính sách có lợi cho dân, cho doanh nghiệp thì lại dễ sai sót.
Còn bình bầu, còn "dĩ hòa vi quý"
Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP đặt hàng các đại biểu góp ý thêm về cách thức đánh giá công việc của cán bộ công chức, dựa trên số lượng hồ sơ giải quyết hay tiêu chí nào khác? Với các đơn vị không trực tiếp giải quyết hồ sơ cho người dân doanh nghiệp thì sẽ đánh giá trên tiêu chí nào?...
Phó giám đốc Sở Nội vụ Đỗ Văn Đạo cho rằng nếu đánh giá trên số lượng hồ sơ thì thực tế có những hồ sơ rất phức tạp, thời gian giải quyết rất lâu nên nếu lấy số lượng hồ sơ để đánh giá thì cũng thiệt thòi.
"Bởi vậy hơn ai hết, thủ trưởng cơ quan đó là người nắm rõ nhất và đánh giá sát nhất lao động của cán bộ công chức viên chức trong đơn vị", ông Đạo nói.
Phó giám đốc Sở Nội vụ Đỗ Văn Đạo cho rằng còn bỏ phiếu bình bầu thì còn tình trạng "dĩ hòa vi quý". Ảnh: TỰ TRUNG
Theo ông Đạo, hiện nay công tác đánh giá còn nhiều bất cập. Dù nói là thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm đánh giá, nhưng cuối cùng hàng năm cũng phải bỏ phiếu, bình chọn. Thủ trưởng cũng rất ngại với việc bỏ phiếu. Còn bỏ phiếu, bình bầu thì còn "dĩ hòa vi quý".
Ông cũng nêu ra một cách làm hay. Chẳng hạn Thủ trưởng chỉ đánh giá cấp phó và cấp trưởng phòng. Còn trưởng phòng đánh giá nhân viên trong phòng mình.
"Không cách nào khác là người thủ trưởng phải nắm bắt công việc. Về lâu dài là gắn với tinh giản biên chế, sắp xếp lại đội ngũ, như vậy mới là căn cơ", ông Đạo nói.
Ông cũng kể thêm, nhắc tới tinh giản biên chế thì các thủ trưởng hay kêu. Nhưng đó là do không bỏ tiền túi ra để trả lương. Chứ nếu đặt mình là người chủ tư nhân thì sẽ có cách sử dụng thời gian, nhân sự, hội họp khác.
Nên cho tạm ứng hàng tháng, hàng quý
Nhiều ý kiến cho rằng nên cho tạm ứng hàng tháng, hàng quý để động viên kịp thời, thay vì đợi đến hết một năm sau khi có kết quả đánh giá lao động cuối năm. Bác sĩ Nguyễn Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Quận 2 cho rằng nên có hướng mở là nên cho tạm ứng chi. Hiện nay bên y tế đang làm theo quý, nhưng cũng có những đơn vị linh động làm theo tháng. Phó bí thư thường trực Thành đoàn Nguyễn Việt Quế Sơn cũng góp ý nên cho tạm ứng hàng tháng hàng quý, tạo tính kịp thời.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận