Công nhân làm việc tại một nhà máy ở Hà Nội - Ảnh: REUTERS
Cơ hội có, nhưng thực sự doanh nghiệp Việt Nam có được hưởng lợi lớn từ cuộc chiến này thì chưa chắc vì phụ thuộc vào năng lực xuất khẩu của nền kinh tế. Năng lực xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam hiện có hạn, nên không phải cứ xuất hiện "lỗ hổng thương mại lớn" thì mình có thể lấp đầy được.
Bởi mức áp thuế 10% với 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc có thể không quá lớn để chặn được dòng thương mại, xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ vẫn được duy trì, thậm chí có sự gia tăng trong năm 2018.
Mức tăng thuế 10% có thể không tác động bao nhiêu, nhưng khi tăng lên mức 25% thì có tác động tương đối lớn và tác động thị trường rõ hơn rất nhiều.
Trong ngắn hạn, có thể doanh nghiệp Việt Nam vẫn tận dụng được một chút lợi thế, nhưng xa hơn nếu dồn hàng hóa xuất khẩu từ các thị trường khác sang thị trường Mỹ thì tổng hàng hóa xuất khẩu cũng không tăng được bao nhiêu.
Việc tăng tổng lượng hàng hóa xuất khẩu lâu dài phụ thuộc rất lớn vào năng lực sản xuất của doanh nghiệp và chất lượng hàng hóa có đáp ứng điều kiện của nước nhập khẩu. Với thực lực xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước hiện nay, việc tận dụng "lỗ hổng thương mại" từ cuộc chiến thương mại không dễ dàng.
Hơn nữa, trong 1-2 năm tới, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cũng không hẳn tạo lợi ích lớn cho doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi giá trị cung ứng sản xuất toàn cầu, vì bản thân doanh nghiệp Việt Nam đã yếu sẵn khi tham gia chuỗi cung ứng này.
Thực tế doanh nghiệp trong nước tham gia cung ứng hàng hóa nguyên phụ liệu đầu vào cho khu vực FDI hoạt động tại Việt Nam cũng đang gặp nhiều khó khăn, nên rất khó tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Về làn sóng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc qua Việt Nam do tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, phải chờ thêm thời gian để khẳng định. Nhà đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Trung Quốc không dễ dịch chuyển ngay sản xuất sang Việt Nam trong một thời gian ngắn 1-2 năm, khi bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chưa biết sẽ kéo dài bao lâu.
Hơn nữa, Mỹ cũng tuyên bố sẽ dành một khoảng thời gian 3-4 tuần chờ động thái từ Trung Quốc trước khi áp thuế thêm với khoảng 300 tỉ USD hàng hóa còn lại mà Trung Quốc đang xuất vào Mỹ.
Vì vậy, chắc chắn các nhà đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc sẽ tiếp tục nghe ngóng, chứ chưa thể đưa ra ngay quyết định về dịch chuyển sản xuất sang ASEAN, trong đó có Việt Nam.
Nếu mức thuế 25% áp cho tất cả hàng hóa Trung Quốc đang xuất vào Mỹ (khoảng 550 tỉ USD) kéo dài mới dẫn đến hiện tượng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc qua Việt Nam. Còn chỉ một vài nhà đầu tư dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam sẽ không tác động quá nhiều đến các chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu, vì tất cả nhà cung cấp trong chuỗi vẫn nằm ở Trung Quốc.
Mỹ và Trung Quốc sẽ không để cuộc kéo dài, vì nó ảnh hưởng quá lớn đến lợi ích kinh tế của cả hai cường quốc này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận