Đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) - Ảnh: Quochoi.vn
Thảo luận tổ về dự án Luật Kiến trúc sáng 8-11, các đại biểu Quốc hội nhận định đất nước đang phát triển nhanh, kiến trúc liên quan mật thiết đến văn hóa không gian, đến nay mới đặt vấn đề làm luật là có phần chậm trễ. Thực tế đã nảy sinh nhiều vấn đề mà chưa có luật để điều chỉnh.
" khỏa thân" là nghệ thuật kiến trúc hay hình ảnh phản cảm?
Đại biểu Trần Thị Hoa Ry băn khoăn về cụm tượng 12 con giáp khỏa thân tại Hòn Dáu (Đồ Sơn, Hải Phòng) và những tranh cãi nảy sinh xuất phát từ nhiều cách nhìn nhận khác nhau. "Cụm tượng ban đầu để trần truồng, sau đó cơ quan quản lý phải dùng trang phục để che đậy các bộ phận nhạy cảm vì nhiều ý kiến cho là phản cảm", bà Ry nói.
Từ ví dụ này, bà Ry cho rằng thời gian qua lĩnh vực kiến trúc đang bộc lộ nhiều bất cập, nhiều công trình được đầu tư nhiều tiền nhưng không những không phát huy được bản sắc mà còn gây phản cảm.
Đại biểu Bạc Liêu đề nghị đặt mục tiêu xuyên suốt, mang tính bền vững cho là các công trình phải phát huy được bản sắc, mang dấu ấn văn hóa dân tộc.
Nhiều đại biểu chia sẻ quan điểm rằng kiến trúc nói chung, đặc biệt ở các đô thị, của Việt Nam đang rất xấu xí, mấy chục năm qua chưa có công trình nào thật sự tầm cỡ, mang dấu ấn bản sắc Việt.
Các bức tượng 12 con giáp ở Hòn Dáu từng gây bão dư luận hồi đầu năm nay - Ảnh: TIẾN THẮNG
Đại biểu Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) nói tình trạng chung ở các đô thị Việt Nam là bêtông hóa quá nhiều, ít mảng xanh, gây stress và chưa đạt chuẩn mực đô thị.
Ông Thái nói ngoài một số phố cổ như Hội An (Quảng Nam) đang được quản lý tốt, nhiều đô thị cổ của nước ta hiện đang rối rắm, nửa hiện đại nửa truyền thống, gây ra những hình ảnh phản cảm, nhức mắt, gây tiếc nuối.
"Ở ngay thủ đô Hà Nội, chúng tôi đi dạo ở phố cổ thấy xe máy, các thiết bị hiện đại bỏ tràn trên vỉa hè, trong khuôn viên các công trình cổ, làm mất đi hình ảnh thuần khiết, ẩn mình và cái bình yên của phố cổ", ông Thái nói.
Đại biểu Bạc Liêu cho rằng Luật Kiến trúc cần quy định đối với kiến trúc dưới mặt đất. Đây là xu thế của các thành phố mới khi mà các công trình nằm dưới mặt đất đang ngày càng nhiều.
Cấp chứng chỉ hành nghề để ghi nhận giá trị của kiến trúc sư
Các đại biểu nhất trí phải quản lý việc hành nghề của người hoạt động kiến trúc nhưng không được "trói buộc", hạn chế tư duy sáng tạo của một nghề rất thú vị, rất đặc thù và đóng góp lớn cho xã hội.
Đại biểu Nguyễn Chiến (Hà Nội) cho rằng kiến trúc sư là một nghề tự do, thiên về chất xám và có thu nhập tương đối cao. Ông Chiến đồng tình đã tới lúc cấp chứng chỉ hành nghề cho các kiến trúc sư, và nên giao việc này cho địa phương để đảm bảo linh hoạt.
Đại biểu Trần Thị Hoa Ry cũng nhận định cấp chứng chỉ hành nghề cho các kiến trúc sư không chỉ giúp quản lý nhà nước tốt hơn mà còn là phân hạng được trình độ, năng lực từng kiến trúc sư, đặt mục tiêu phấn đấu và cũng là để các kiến trúc sư thể hiện đẳng cấp, giá trị, cống hiến cho xã hội.
Nên khôi phục thiết chế kiến trúc sư trưởng đô thị
Đại biểu Nguyễn Việt Dũng (TP.HCM) đặt vấn đề khôi phục vai trò của Văn phòng Kiến trúc sư trưởng trong việc làm nhạc trưởng xác định "cái hồn" của đô thị.
"Văn phòng Kiến trúc sư trưởng hoàn toàn khác với chức năng của Sở Quy hoạch kiến trúc. Để xác định hồn đô thị phải có văn phòng chuyên môn quyết định chuyên về kiến trúc. Một đô thị lớn phải xác định từng khu vực kiến trúc khác nhau, giờ không có nên quy hoạch kiến trúc đô thị tùm lum", ông Dũng nói.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) thì cho rằng nhiệm vụ của kiến trúc không chỉ có xây mới mà còn có bảo tồn. "Ở ta không bảo tồn nên nhiều công trình đền, chùa, miếu mạo tự nhiên đập phá, rồi sơn phết, mất đi tính nguyên thủy, biến dạng, làm hỏng công trình kiến trúc", ông Nghĩa nói.
Ông Trương Trọng Nghĩa cũng đề nghị bổ sung quy định cấm xâm hại công trình và di sản kiến trúc thuộc diện bảo tồn theo quy định của pháp luật, kể cả những công trình chính quyền không đưa vào diện bảo tồn nhưng các nhà chuyên môn đánh giá phải bảo tồn.
"Trong kiến trúc, có những di sản thực dân đế quốc cũng cần được bảo tồn. Nước ta bị xâm lược hàng nghìn năm, với nhiều lịch sử thăng trầm, duy trì kiến trúc thực dân nếu đẹp để qua đó giáo dục con người về lịch sử dân tộc. Một dân tộc xóa đi ký ức thì con người sẽ trở thành lai căng, mất gốc", ông Nghĩa lấy ví dụ Dinh Thượng Thơ ở TP.HCM, Nhà hát lớn ở Hà Nội, Nhà hát lớn ở TP.HCM...
Đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê (TP.HCM) thì thấy nhiều công trình kiến trúc bị méo mó, biến dạng do công cụ pháp lý quản lý kiến trúc không nhất quán, chưa chặt chẽ.
Ông Khuê dẫn chứng, xoay quanh trục tuyến đường Đồng Khởi, khách sạn Caravelle xây rất cao, phá hủy không gian quanh Nhà hát lớn TP, các nhà cao tầng chồng thẳng lên khiến Nhà hát lớn giờ trông như một cái miếu.
Luật phải làm rõ được hành vi nào là phản kiến trúc, và đâu là sự sáng tạo về mặt kiến trúc. Luật phải điều chỉnh những hành vi này, chỉ ra cái nào phản cảm, cái nào tự do.
Đại biểu Nguyễn Việt Dũng (TP.HCM)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận