17/12/2021 08:22 GMT+7

Không để 'đứt gãy' oxy y tế

HOÀNG LỘC
HOÀNG LỘC

TTO - Oxy lỏng dùng trong y tế không thể thiếu với các bệnh viện, đặc biệt bệnh viện tầng 3 điều trị bệnh nhân hồi sức nặng. Tại TP.HCM, khi COVID-19 bùng phát hàng loạt, bồn oxy được thiết lập tại các bệnh viện dã chiến...

Không để đứt gãy oxy y tế - Ảnh 1.

Xưởng sản xuất oxy tại huyện Hóc Môn (TP.HCM) cung cấp cho các bệnh viện và thị trường - Ảnh: DUYÊN PHAN

Tuy vậy, nguồn cung oxy cho bệnh nhân mắc COVID-19 cần hồi sức tại một số bệnh viện dã chiến ở TP.HCM được dự báo thiếu hụt trong thời gian tới khi số ca mắc gia tăng, trong khi một số đơn vị sản xuất oxy lại chuyển qua phục vụ sản xuất công nghiệp.

Hiện tại khu vực miền Nam chỉ còn một số doanh nghiệp chuyên cung cấp oxy cho y tế là không thể kham nổi và dự báo sẽ thiếu hụt nếu không có giải pháp điều tiết oxy lỏng một cách dài hơi cho y tế để cứu người bệnh từ các cơ quan quản lý.

Đại diện một công ty cung ứng oxy lỏng nói

Tìm nguồn cung oxy lỏng

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, một nhân viên điều phối khí y tế tại một bệnh viện dã chiến ở TP.HCM cho biết có nguy cơ thiếu hụt nguồn cung oxy.

Đơn cử bệnh viện nơi nhân viên này làm việc vừa nhận được thư "ngưng cung cấp oxy lỏng" từ phía doanh nghiệp cung ứng. Mặc dù vẫn còn một ít oxy lỏng dự trữ trong bồn nhưng chỉ đủ sử dụng tối đa 2-3 ngày, bệnh viện đang phải tìm nguồn cung khác dự phòng cho những ngày sắp tới. 

"Trung bình một ngày bệnh viện cần 3-4 tấn oxy lỏng để phục vụ trên 200 bệnh nhân hồi sức hoặc bệnh nặng" - nhân viên này nói.

Từ cuối tháng 11, Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 đa tầng quận Tân Bình, các giường bệnh từ hồi sức bệnh nặng, trung bình, nhẹ đến cấp cứu bắt đầu rơi vào cảnh kín bệnh nhân trở lại. PGS.TS Lê Đình Thanh - giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, đơn vị phụ trách tầng 3 (hồi sức) - cho biết hiện nguồn oxy lỏng phục vụ nhu cầu của bệnh nhân hồi sức tại bệnh viện dã chiến đang báo động. 

"Các công ty cung ứng oxy đang khá đuối, khó có thể hỗ trợ" - ông nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho biết đã nắm được thông tin nêu trên và đang làm việc với các công ty cung ứng oxy lỏng. Vấn đề hiện nay, theo vị này, không phải là thiếu bình chứa oxy mà khả năng sắp tới sẽ thiếu hụt nguồn cung cấp oxy lỏng châm vào các bồn chứa đã được thiết lập tại các bệnh viện.

Lý giải về nguy cơ thiếu nguồn oxy lỏng, theo đại diện Sở Y tế TP.HCM, từ trước tới nay chỉ có Công ty cổ phần Hơi kỹ nghệ que hàn (Sovigaz) chuyên cung cấp oxy y tế. Trong đợt cao điểm dịch bệnh vừa qua tại TP.HCM có 7 công ty, vốn sản xuất oxy công nghiệp, đã cùng chung tay tham gia sản xuất cung ứng oxy y tế nên cơ bản đáp ứng nhu cầu. 

Tuy nhiên khi mở cửa trở lại, các công ty này trở lại sản xuất bình thường phục vụ các nhu cầu khác, chỉ còn vài công ty sản xuất oxy lỏng cho y tế sẽ không đủ đáp ứng nhu cầu nếu toàn khu vực phía Nam dịch bệnh còn phức tạp.

Không để đứt gãy oxy y tế - Ảnh 3.

Bình oxy trung tâm vẫn được duy trì hoạt động tại Bệnh viện dã chiến số 12, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Bồn chứa chờ oxy

Theo tìm hiểu, để có đủ nguồn cung ứng oxy cho điều trị bệnh nhân mắc COVID-19, từ giữa tháng 8-2021 UBND TP.HCM đã giao các đơn vị đặt mua bổ sung 10 bồn oxy lỏng (mỗi bồn 10 tấn) trong các bệnh viện. Kế hoạch này được Phó chủ tịch UBND TP Lê Hòa Bình giao cho Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp phối hợp với các đơn vị đầu tư, tăng cường lắp đặt hệ thống oxy cho các giường điều trị, đảm bảo quy mô 15.000 giường có gọng thở oxy.

Thời điểm này, Sở Xây dựng được giao phối hợp với Sở Y tế, Sở Tài chính làm việc với các đơn vị cung cấp oxy như Công ty TNHH oxy Đồng Nai, Công ty Sovigaz, Công ty cổ phần Nippon Sanso Việt Nam và Công ty TNHH Air Liquide Việt Nam để thống nhất cam kết thực hiện hợp đồng cung cấp oxy cho các bệnh viện. 

Ngoài ra, TP.HCM cũng thống nhất chủ trương sử dụng bồn oxy lỏng dung tích lớn do Công ty TNHH oxy Đồng Nai cung cấp (ngoài các bồn oxy lỏng 1 tấn đã lắp đặt). Theo số liệu cập nhật tính đến đầu tháng 9-2021, TP.HCM đã lắp đặt tổng số 114 bồn oxy lỏng các loại, đồng thời vận hành hệ thống oxy với khoảng 10.000 chai.

Để thử tìm mua oxy lỏng, chiều 16-12 chúng tôi liên hệ với một công ty cung ứng tại Đồng Nai, nhân viên phụ trách kinh doanh nói: "Hiện oxy lỏng ngoài thị trường đang rất khan hiếm, các công ty đều đứng hình". 

Ngoài nguồn cung hạn chế, theo nhân viên này, giá oxy lỏng cũng tăng theo. Nếu như trước đây chỉ khoảng 5.000 đồng/kg oxy lỏng, trong hai ngày nay giá oxy lỏng tăng vọt lên đến 10.000 đồng/kg.

Không để đứt gãy oxy y tế - Ảnh 4.

Bệnh nhân thở oxy điều trị tại Bệnh viện hồi sức COVID-19 (TP Thủ Đức) - Ảnh: DUYÊN PHAN

Theo nhân viên này, hiện tại đơn vị đang ưu tiên những bệnh viện mà công ty bỏ thầu, ngoài ra có thể cung ứng cho một số bệnh viện ở khu vực TP.HCM, nếu đảm bảo các hồ sơ, thủ tục, giá cả. 

"Từ trước tới nay khí y tế sử dụng không nhiều, vì thế lượng sản xuất để cho ra khí y tế của chúng tôi rất hạn chế, chỉ đáp ứng đủ nhu cầu của ngày thường, còn khi dịch bùng phát như thế này trở tay không kịp" - nhân viên này nói.

Liên hệ số điện thoại của Công ty Sovigaz, đơn vị cung ứng nguồn oxy lớn cho các bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 tại TP.HCM, một nhân viên cho hay hiện công suất sản xuất oxy lỏng của công ty đang quá tải và chỉ nhận ưu tiên cung ứng cho các bệnh viện đã ký hợp đồng. 

"Công suất máy móc hạn chế, nguồn cung hạn chế, bây giờ các bệnh viện liên hệ rất nhiều nhưng không thể đáp ứng" - nhân viên này nói.

Còn một đại diện phụ trách kinh doanh của công ty này cho biết việc cung ứng oxy lỏng cho các bệnh viện đang "rất căng". 

"Hiện trong kho của công ty có được đợt nào ra là chuyển đi cấp ngay cho các bệnh viện. Tình trạng này cũng đã được công ty báo cáo lên các sở, ban ngành của TP.HCM và Bộ Y tế" - vị này nói.

Như vậy, trước đây khi cao điểm có oxy thì thiếu bồn chứa oxy. Hiện nay, theo các nhà sản xuất cũng như các bệnh viện, điều ngược lại có thể xảy ra khi có bồn chứa nhưng chưa chắc có đủ nguồn oxy để chứa.

TP.HCM trang bị 10.000 giường oxy

Bên cạnh một số bệnh viện có nguy cơ thiếu hụt oxy lỏng, vẫn có các bệnh viện như Hồi sức COVID-19 TP Thủ Đức, Bệnh viện Quân y 175 và Bệnh viện dã chiến số 16 cho biết "hiện chưa thiếu oxy lỏng".

Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM nói thêm hiện tại TP có khoảng 10.000 giường oxy được thiết kế, trong khi số bệnh nhân cần phải thở oxy tại các bệnh viện hiện khoảng 3.000 giường.

Cần Thơ: tạm thời đi mượn... oxy

Theo thông tin từ Sở Y tế TP Cần Thơ, hiện nay tổng số bệnh nhân COVID-19 đang được theo dõi điều trị tại các cơ sở y tế, bệnh viện trên 2.400 trường hợp. Tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ hiện đang có 343 bệnh nhân, trong đó có 80 bệnh nhân ở tầng 2 và 197 bệnh nhân ở tầng 3 (nặng).

Bác sĩ Trần Quốc Luận - giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ - cho biết hiện tại lượng oxy cung cấp cho bệnh viện khá hạn chế. Tuy nhiên bệnh viện đang tranh thủ mượn, nhờ hỗ trợ từ nhiều nguồn khác nhau nên cũng tạm đảm bảo nhu cầu sử dụng.

Về lâu dài bệnh viện đang xin hỗ trợ từ nhiều nguồn khác nhau, đã làm công văn gửi Sở Y tế xin thêm oxy lỏng và bình oxy cũng như tranh thủ tìm thêm nguồn xã hội hóa bên ngoài.

Ông Cao Hoàng Anh - phó giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ - dự báo sắp tới sẽ thiếu hụt nguồn oxy do công ty cung cấp nguồn oxy cho TP Cần Thơ đã gửi công văn về việc xin giảm nguồn cung, không đáp ứng được. Vì thế, Sở Y tế đang có công văn đề nghị đơn vị cung cấp phải cung cấp đủ theo hợp đồng trúng thầu (vì hiện nay mới cung cấp được khoảng 2/3 hợp đồng).

Đồng thời, Sở Y tế TP Cần Thơ đã có công văn xin UBND TP, Bộ Y tế tìm nguồn cung cấp oxy khác để hỗ trợ thêm cho ngành y tế Cần Thơ.

T.LŨY

Bộ Y tế đề nghị tăng cường sản xuất oxy y tế

anh phu tr2 oxy 3(read-only)

Bình oxy phục vụ bệnh nhân COVID-19 ở trung tâm hồi sức khu vực Bệnh viện dã chiến số 16, quận 7, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 16-12, vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế Nguyễn Minh Lợi cho biết hiện các vụ, cục chức năng đã có văn bản trình Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn ký, đề nghị các nhà sản xuất chuyển một phần công năng sản xuất oxy công nghiệp sang oxy y tế.

Các địa phương phải có biện pháp ứng phó

Cuối tháng 11 vừa qua, Bộ Y tế đã công bố kết quả khảo sát thực trạng cung cấp oxy y tế và thiết bị chăm sóc hô hấp cho người bệnh. Theo báo cáo khảo sát, có 60% ca nhiễm COVID-19 diễn biến nặng phải sử dụng oxy y tế để hỗ trợ hô hấp.

Như thời điểm hiện nay, số bệnh nhân diễn biến nặng, phải thở oxy, thở máy khoảng 7.300 người. Ngoài thuốc điều trị, oxy đóng vai trò rất quan trọng trong giảm ca tử vong.

Trong khi đó, khảo sát này cho biết đang có khoảng trống về năng lực cấp cứu, đặc biệt là ở tuyến huyện, tổng năng lực sản xuất oxy lỏng là 1.400 tấn/ngày. Mạng lưới cung cấp bình để chứa oxy có 190 nhà cung cấp ở 55 tỉnh thành, tức là còn 8 tỉnh thành ở Tây Bắc, ĐBSCL không có nhà cung cấp bình khí oxy.

Ở thời điểm khảo sát, ông Trần Văn Thuấn cho biết đủ oxy cung cấp cho bệnh nhân, nhưng "khi dịch bùng phát mạnh hơn thì các địa phương phải có biện pháp ứng phó cần thiết, đặc biệt chuyển công năng sản xuất oxy phục vụ công nghiệp sang oxy y tế". Bộ Y tế cũng đã thành lập tổ điều phối oxy y tế, với sự tham gia của lãnh đạo Cục Quản lý khám chữa bệnh, Vụ Trang thiết bị và công trình y tế...

Tổ điều phối oxy hoạt động ra sao?

Từ đầu tháng 8-2021, Bộ Y tế quyết định thành lập tổ công tác điều phối oxy y tế và tổ công tác điều phối máy thở điều trị người bệnh COVID-19 toàn quốc.

Theo đó, tổ công tác điều phối oxy y tế do Thứ trưởng Trần Văn Thuấn làm tổ trưởng, có nhiệm vụ rà soát thực trạng, cập nhật tình hình sử dụng oxy y tế tại các bệnh viện, cơ sở y tế trên toàn quốc; phối hợp với các đơn vị thuộc/trực thuộc Bộ Y tế để tổng hợp năng lực sản xuất oxy y tế của các cơ sở sản xuất, nhà cung cấp trên toàn quốc; phối hợp với các bệnh viện tuyến trung ương, sở y tế các tỉnh, TP để điều phối công tác cung ứng oxy y tế phục vụ công tác điều trị người bệnh COVID-19; tổng hợp thông tin về thực trạng sử dụng các thiết bị chăm sóc hô hấp.

Đồng thời, tổ chức kết nối, trao đổi thông tin giữa các bệnh viện, cơ sở y tế với nhà sản xuất, nhà cung cấp oxy y tế để đáp ứng cung cấp oxy phục vụ công tác điều trị người bệnh COVID-19 và cho công tác quản trị hệ thống; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng nền tảng quản lý, theo dõi, điều hành công tác sử dụng oxy y tế tại các bệnh viện, cơ sở y tế trên toàn quốc; báo cáo tiến độ, tình hình triển khai hoạt động theo yêu cầu của lãnh đạo Bộ Y tế.

Nửa tháng sau, TP.HCM cũng thành lập trung tâm điều phối, đầu tư cơ sở vật chất cho các giường bệnh tại hệ thống cơ sở điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 trên địa bàn. Trung tâm này có nhiệm vụ tổng hợp, theo dõi, điều phối giường bệnh, bổ sung đầy đủ cơ sở vật chất cho các giường bệnh tại các cơ sở điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 trên địa bàn.

Bên cạnh đó điều phối sẽ bố trí oxy cho các giường bệnh tại các cơ sở điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 đảm bảo kịp thời, hiệu quả, phù hợp giữa các tầng điều trị.

L.ANH - H.LỘC

Kích hoạt tình nguyện viên dự án "ATM oxy"

ql-tram oxy thu duc 5 1(read-only)

Công nhân Công ty cổ phần thép Thủ Đức sang chiết oxy vào các bình của dự án "ATM oxy" để chuyển đến người bệnh - Ảnh: Q.L.

Ra đời vào đầu tháng 8-2021, thời điểm được xem là đỉnh của đợt dịch COVID-19 thứ 4 tại TP.HCM, dự án "ATM oxy" lập tức nhận được sự quan tâm không chỉ của người bệnh mà của cả cộng đồng ngay lúc đó.

Dự án này được Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam phối hợp cùng Hội LHTN Việt Nam TP.HCM và PHGSmarthome do anh Hoàng Tuấn Anh (tác giả "ATM gạo") cùng vận hành.

Không dừng dự án

Hỗ trợ dự án này, giai đoạn cao điểm có đến 7 trạm bơm được rải đều ở nhiều khu vực của TP.HCM cùng hỗ trợ, bơm oxy để dự án có thể hỗ trợ tốt nhất cho bệnh nhân F0 cần dùng. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, hiện chỉ còn 3 trạm bơm hoạt động và cung cấp oxy miễn phí là trạm bơm tại Công ty cổ phần thép Tân Thuận (quận 7) và Công ty cổ phần thép Thủ Đức (TP Thủ Đức).

"Riêng trạm bơm tại huyện Hóc Môn có hỗ trợ và thu một phần phí cho mỗi lần chiết oxy vào bình" - anh Nguyễn Trung Tú (cán bộ Thành đoàn TP.HCM), người được giao việc vận hành dự án, cho biết.

Theo anh Nguyễn Long Thiện - người hỗ trợ dự án "ATM oxy" tại trạm bơm ở quận 7, nhu cầu và số lượng giảm nhiều so với trước đây. Nếu trước đây, trạm bơm này chỉ phục vụ nhu cầu của các quận huyện lân cận khu vực quận 7 thì hiện nay đơn vị nào cũng có thể đến tiếp oxy, miễn có giấy giới thiệu hợp lệ của đơn vị.

"Khi có nhu cầu, các đơn vị sẽ báo và chúng tôi kết nối cùng người phụ trách bên Công ty cổ phần thép Tân Thuận rồi các bạn đến nhận do các tình nguyện viên tham gia hỗ trợ dự án trước đây hiện đã đi làm trở lại, không trực 24/24 như trước nữa" - anh Long Thiện cho biết.

Trong khi đó, trạm bơm tại TP Thủ Đức vẫn cung cấp và bơm oxy miễn phí song việc vận hành có chút khó khăn. Anh Thi Văn Ngọc Tuấn (Thành đoàn Thủ Đức) cho biết tình nguyện viên cũng đã quay trở lại đi học, đi làm nên dù dự án vẫn hoạt động nhưng không có người trực thường xuyên.

Nhu cầu oxy tăng lại

Anh Lê Hoàng Minh - trưởng ban công nhân lao động (Thành đoàn TP.HCM) - cho biết nhu cầu về bình oxy giảm nên ngoài việc "chạy" dự án tại TP.HCM, "ATM oxy" hiện đã đến với một số tỉnh thành cả nước. Hơn một tháng trước, cùng với đội hình tình nguyện hỗ trợ phòng chống dịch của tuổi trẻ TP.HCM đến Sóc Trăng, dự án cũng chia sẻ một số bình oxy khá lớn với tỉnh này.

Ngoài Sóc Trăng, "ATM oxy" hiện đã hỗ trợ TP Cần Thơ và các tỉnh Thừa Thiên Huế, Bạc Liêu, An Giang, mới nhất là Bình Thuận.

"Dự án cũng đã trao đổi và sẽ chuyển ra hỗ trợ Hà Nội khoảng 1.000 bình oxy các loại trong nay mai. Thực tế với số lượng trên 7.000 bình hiện có cùng với các trạm bơm còn hoạt động, sẽ không lo thiếu bình oxy cho nhu cầu tại TP.HCM nên dự án chia sẻ với các tỉnh khác khi những nơi này có nhu cầu" - anh Minh nói.

Anh Minh cũng chia sẻ: thông số cho thấy khoảng chục ngày trở lại đây, diễn biến dịch bệnh tại một vài nơi của TP có dấu hiệu tăng trở lại. Do đó, các đội tình nguyện vận hành dự án "ATM oxy" trong hệ thống Đoàn, Hội tại các quận huyện toàn TP đã được kích hoạt trở lại toàn bộ, đảm bảo đáp ứng nhu cầu người bệnh khi cần.

Anh Thi Văn Ngọc Tuấn cho biết đơn vị từng tài trợ cho dự án trước đây đã rút nên không còn kinh phí hỗ trợ tiền xăng, điện thoại, tiền cơm cho các bạn vận chuyển bình oxy đến nhà dân nên đó cũng là cái khó.

"Với những hoàn cảnh quá khó khăn chúng tôi biết rõ sẽ tìm cách hỗ trợ. Còn người dân tự xoay được sẽ có một điểm bơm oxy có thu phí. Dự án sẽ cho mượn bình rỗng nhưng phải cam kết trả lại sau khi dùng xong" - anh Tuấn nói.

QUỐC LINH

TP.HCM: Đề nghị chuẩn hóa chất lượng oxy cho bệnh nhân COVID-19 TP.HCM: Đề nghị chuẩn hóa chất lượng oxy cho bệnh nhân COVID-19

TTO - Trước nhu cầu oxy cho bệnh nhân mắc COVID-19 ngày càng tăng, Sở Y tế kiến nghị các nhà cung cấp khí oxy cũng như các đơn vị sử dụng phải cung cấp kết quả kiểm nghiệm khí oxy cho các cơ sở sử dụng khí y tế.

HOÀNG LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Oxy oxy y tế oxy lỏng
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp