Các chuyên gia cho rằng tình trạng trên xảy ra là do điều hành quá kém.
Phóng to |
Người dân xếp hàng đổ xăng trước giờ xăng tăng giá tại một cây xăng ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM chiều 28-8 - Ảnh: Thuận Thắng |
Ông Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, nhận định gốc gác của vấn đề do cơ chế điều hành giá xăng dầu sai với cơ chế quản lý giá trong nền kinh tế thị trường. Ông Long nói:
- Nhà nước đã để cho doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu tự định giá trong khi thị trường này đang tồn tại kinh doanh độc quyền. Cần xóa bỏ ngay cơ chế này, tức là Nhà nước vẫn phải định giá xăng dầu.
Luật quản lý giá quy định rất rõ đối với những sản phẩm còn độc quyền nhà nước phải quản lý giá. Có hai chủ thể quyết định giá là nhà nước và thị trường. Thị trường quyết định khi sản phẩm đó có sự cạnh tranh thật sự, còn trong hoàn cảnh sản phẩm đó chưa có cạnh tranh thật sự, còn độc quyền buộc nhà nước phải định giá. Cả thế giới đều như vậy. Tại sao thị trường xăng dầu còn độc quyền mà lại để cho doanh nghiệp tự định giá. Đây là sai hoàn toàn.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ: “Tôi hành động đúng như lời đã tuyên bố” Câu chuyện giá xăng liên tục tăng và “tăng nhanh, giảm chậm” thời gian qua đã khiến báo chí nghi ngờ về tuyên bố mạnh mẽ “điều hành giá xăng đúng vì lợi ích trên 80 triệu dân chứ không vì 11 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu” của Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ hồi mới nhậm chức. Ngày 29-8, Tuổi Trẻ đã đề nghị có một cuộc trao đổi thẳng thắn với ông Vương Đình Huệ về việc này. Tuy nhiên, ông nói chưa muốn bình luận gì về nhận định và nghi ngờ trên của báo chí. Ông khẳng định những gì ông làm hiện nay vẫn luôn đúng như những gì đã tuyên bố trước đây. |
- Nói nhà nước định giá không có nghĩa là nhà nước định sai giá, thấp hơn so với giá thị trường mà nhà nước phải định sát với giá thị trường. Chỉ có nhà nước mới là người đại diện quyền lợi một cách hợp pháp, một cách chính đáng nhất quyền lợi của các bên: nhà nước - người tiêu dùng và doanh nghiệp. Còn đã để doanh nghiệp độc quyền định giá thì không bao giờ họ chia sẻ lợi ích mà luôn định giá cao để có lợi nhuận tối đa.
Hiện trên thị trường có điện, cước hàng không, nước sạch sinh hoạt đang có doanh nghiệp độc quyền thì Nhà nước định giá. Tại sao xăng dầu là mặt hàng chiến lược quan trọng của nền kinh tế, đang có doanh nghiệp chiếm vị trí thống lĩnh thị trường thì lại để cho doanh nghiệp tự định giá?
Chính cơ chế quản lý giá xăng dầu hiện nay tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chỉ chăm chăm thu lợi cho riêng mình. Hay nói cách khác là như “mỡ để miệng mèo”.
* Thực tế nào chứng minh cơ chế quản lý xăng dầu hiện nay phát sinh tiêu cực?
- Là tình trạng các cây xăng găm hàng. Đây là thể hiện rõ cơ chế giá của anh không theo kịp với thế giới. Việc giá trong nước tăng không kịp theo giá thế giới buộc các doanh nghiệp phải găm hàng là điều đương nhiên. Không dại gì doanh nghiệp lại bán giá thấp mà nhập vào với giá cao hơn. Doanh nghiệp đã tìm trăm phương ngàn kế trì hoãn để không bán hàng, như mất điện, bảo trì hệ thống... Thông thường, các doanh nghiệp phải đẩy mạnh bán hàng để thu lợi nhuận, thế nhưng tại sao doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lại găm hàng? Đây là lỗi cơ chế quản lý giá.
Đồng thời, để doanh nghiệp tự định giá khi giá cơ sở tăng giá trong biên độ 7% nhưng vẫn phải yêu cầu doanh nghiệp báo cáo và chờ quyết định của cơ quan quản lý mới được điều chỉnh giá bán lẻ trong nước là quản lý kiểu “xin cho”, có quá nhiều bất cập. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý giá tiền hậu bất nhất, lúc thì tính giá bình quân 30 ngày, lúc thì 20 ngày.
Phóng to |
Ông Ngô Trí Long - Ảnh: lê thanh |
* Để hạn chế tình trạng độc quyền trong kinh doanh xăng dầu, nhiều ý kiến cho rằng nên xé nhỏ Tập đoàn Xăng dầu VN (Petrolimex), đơn vị đang chiếm lĩnh 60% thị phần xăng dầu trong nước. Quan điểm của ông thế nào?
- Đối với lĩnh vực kinh doanh độc quyền, Nhà nước có ba cách để quản lý là dùng công cụ giá, thứ hai là điều tiết lợi nhuận, thứ ba là tạo môi trường cạnh tranh. Như vậy, việc tách các khâu phân phối, nhập khẩu và bán lẻ với nhiều thành phần kinh tế tham gia là hợp lý. Nhưng để cổ phần hóa không phải là đơn giản, thực hiện được trong ngày một ngày hai mà cần phải có ý chí quyết tâm thật sự của Nhà nước.
* Ông có đồng tình với lý do chưa thể giảm thuế nhập khẩu hiện hành (12%) vì thấp hơn so với barem thuế 20%?
- Có thể nói chưa bao giờ giá xăng trong nước lại tăng cao đến 23.650 đồng/lít như hiện nay. Và cách giải thích của ông Nguyễn Tiến Thỏa, cục trưởng Cục Quản lý giá, là vì mức thuế nhập khẩu hiện hành 12% thấp hơn nhiều so với barem thuế 20% là không hợp lý hợp tình. Việc áp mức thuế nhập khẩu cao là trong điều kiện kinh tế đang thuận lợi. Trong điều kiện hiện nay, chính sách điều hành phải linh hoạt. Đồng ý là nếu giảm thuế, ngân sách sẽ thất thu nhưng phải vì cả nền kinh tế mà áp dụng mức thuế hợp lý chứ mức 12% là quá cao khi sức cạnh tranh của doanh nghiệp đã và đang quá yếu rồi.
Tôi cho rằng lấy lý do barem thuế là một cách ngụy biện, điều hành cứng nhắc. Với cách giải thích như vậy, người dân càng cảm thấy cơ quan quản lý điều hành không nhạy bén với tình hình kinh tế - xã hội. Thực tế, khi giá xăng dầu thế giới tăng cao, đầu năm, mức thuế nhập khẩu xăng dầu đã áp dụng ở 0%. Còn hiện nay, tại sao chúng ta không thể giảm một vài phần trăm để nuôi dưỡng nguồn thu? Bộ Tài chính phải xem lại tại sao Chính phủ và Quốc hội đã cho giãn, miễn, giảm nhiều sắc thuế. Cho nên muốn có nguồn để thu được thì phải biết nuôi dưỡng nguồn thu, phải hỗ trợ người dân. Chứ còn muốn thu mà vắt kiệt sức khỏe của doanh nghiệp, của người lao động qua việc áp mức thuế cao là không chấp nhận được.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa (cục trưởng Cục quản lý giá, Bộ Tài chính): Sẽ sửa nghị định kinh doanh xăng dầu
“Gần đây, chúng tôi có sang tận nơi xem công ty đó (Platt’s) hoạt động thế nào” và theo ông Thỏa, các chi phí của doanh nghiệp xăng dầu rất minh bạch, đã được “khoanh” như: chi phí kinh doanh chỉ được tối đa 600 đồng/lít, họ tính cao lên không thể được. “Tất cả có định mức, chỉ cần kiểm soát giá thế giới và tỉ giá, mà kiểm soát cái này không có gì khó” - ông Thỏa nói. Còn tình trạng độc quyền, cùng tăng giá giống nhau, tăng cùng thời điểm, ông Thỏa cho rằng thời gian gần đây mức giá và thời điểm các doanh nghiệp tăng có khác nhau rồi nhưng “tất nhiên khi giá khác nhau, sau đó quy luật thị trường có thể sẽ san bằng”. Riêng về nghị định 84/2009, có ý kiến cho rằng quỹ bình ổn phải sinh lời, ông Thỏa cho biết Bộ Tài chính sẽ tiếp thu: “Cái gốc là nghị định 84/2009 cho để quỹ ở doanh nghiệp, nên phải sửa nghị định này. Hai phó thủ tướng trong cuộc họp mới đây đã giao Bộ Công thương chủ trì nghiên cứu, cuối tháng 12-2012 sẽ báo cáo Thủ tướng để cần thiết sẽ sửa đổi”. Ông Võ Văn Quyền (vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương): Cần bình tĩnh, xem xét
Khi nghị định 84/2009 ra đời, cùng đó là việc công khai, minh bạch cách tính giá xăng dầu. Vì vậy, ai cũng có thể tính giá xăng dầu vì thông tin giá thế giới công khai trên mạng. Nên một số chủ cây xăng cũng tính toán để giảm bán hàng lúc giá thế giới lên cao, chiết khấu có thể giảm, họ mong lúc nào cũng đạt lợi nhuận cao. Nghị định 84/2009 cơ bản đưa cơ chế xăng dầu theo thị trường, có sự quản lý của Nhà nước. Nếu cứ giá thế giới lên, trong nước lên ngay thì sẽ không có hiện tượng găm hàng. Nhưng một số thời điểm phải cân nhắc vì lợi ích chung, nên có thể có một vài vụ việc tiêu cực, mặt trái của chính sách xuất hiện, thì ta phải xử lý những mặt trái đó, chứ không nên vì thế mà đòi xóa toàn bộ. Chính phủ đã khẳng định hiện tại vẫn thực hiện kinh doanh xăng dầu theo cơ chế của nghị định 84/2009 và nghiên cứu các bất cập để thay đổi nếu cần thiết. Chúng tôi cũng ghi nhận ý kiến một số chuyên gia, như khi giá thế giới giảm thì yêu cầu không thể tính giá xăng dầu theo chu kỳ 30 ngày, mà chỉ tính 10 ngày thôi để có thể giảm giá nhanh. Nhưng nếu sửa đúng như vậy thì những lúc giá thế giới tăng mạnh như mấy ngày gần đây giá trong nước sẽ tăng nhanh đến thế nào? Nên chúng tôi ghi nhận các ý kiến, nhưng cũng cần phải bình tĩnh, khách quan để xem xét. Tất nhiên, có những điểm chúng tôi cũng cho rằng có thể cần nghiên cứu chỉnh sửa, như một số quy định về quỹ bình ổn. Việc để ở đâu cho minh bạch là có thể tính lại, nhưng việc bỏ hẳn quỹ bình ổn, theo tôi là không nên. Pháp hạ thuế xăng dầu Ngày 28-8, Bộ trưởng Tài chính Pháp Pierre Moscovici đã thông báo giảm 6 xu euro (khoảng 0,08 usd) cho mỗi lít xăng dầu thông qua việc giảm thuế và hợp tác với các nhà lãnh đạo trong ngành dầu mỏ. “Giá xăng dầu sẽ được giảm đến 6 xu, trong đó công ty đồng ý giảm 3 xu (0,04 usd) và chính phủ sẽ hỗ trợ thêm 3 xu nữa, cụ thể là giảm được 1,5 euro (1,89 usd) cho 25 lít”, AFP dẫn lời ông Pierre Moscovici trong một cuộc họp báo. Ông cho biết quyết định này sẽ được áp dụng trong vòng 24 giờ tới và giá xăng dầu sẽ giảm ngay lập tức. Theo báo Le Figaro, Pháp là nước duy nhất ở châu Âu đưa ra chính sách hạ thuế xăng dầu nhằm trợ giá cho tình trạng giá xăng cao ngất ngưởng hiện nay. Đây cũng là một giải pháp ngắn hạn chiếm khoảng 300 triệu euro (378 triệu usd) kéo dài trong ba tháng nhằm tuân thủ cam kết của Tổng thống François Hollande trong chiến dịch tranh cử vừa qua. Trong nhiều tháng qua, giá nhiên liệu ở Pháp đã tăng liên tục do tác động của giá dầu thế giới, đạt mức kỷ lục gần 1,46 euro (1,84 usd)/lít trong tuần qua khiến người dân gặp nhiều khó khăn trong việc thắt chặt chi tiêu. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận