Tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đang quá tải - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tại tọa đàm (do báo Giao Thông tổ chức), TS Trần Du Lịch cho rằng không thể chấp nhận được sau nhiều năm TP.HCM không có một đường vành đai nào khép kín, mà chỉ toàn đường vành khuyên. Do đó thời gian tới, dù thế nào TP.HCM cũng phải quyết tâm khép kín hai tuyến đường này.
Theo TS Lịch, riêng với đường vành đai 3 hiện nay cũng chưa biết đầu tư ra sao. Bởi Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) quy định Nhà nước chỉ góp không quá 50% vốn vào dự án. Do vậy, dự án cần tới khoảng 30 năm mới thu hồi được vốn. Vòng đời dự án quá dài, không một nhà đầu tư tham gia, không ngân hàng nào dám tài trợ.
Do đó ông Lịch cho rằng cần phải điều chỉnh lại luật cho phù hợp, tức là Nhà nước góp vào dự án bao nhiêu phải tùy theo tính chất quan trọng và thời gian thu hồi vốn. Vùng Đông Nam Bộ thời gian tới xây dựng được bao nhiêu công trình còn phụ thuộc vào tiến trình gỡ nút thắt nêu trên.
Ngoài ra, cần phải lập một định chế để có quỹ đầu tư phát triển vùng, huy động nhiều nguồn lực nhà nước, tư nhân. Cuối cùng, các địa phương cần thống nhất về kết nối, về quy hoạch vùng...
"Sau đại dịch, vấn đề bất cập về giao thông đã thể hiện rất rõ. Nếu không bằng cách này hay cách khác để thảo luận nhằm đẩy nhanh tiến độ thì nôm na một địa bàn là con gà đẻ trứng vàng không còn trứng trong tương lai. Đó là cái chúng ta đã thấy rõ", ông Lịch bày tỏ.
Còn ông Phan Công Bằng - phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM - cho biết do khó khăn về nguồn vốn nên đến nay TP chưa khép kín được đường vành đai 2, 3. Vành đai 3 dài 90km đi qua 4 địa phương TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Đây là dự án rất cần thiết, địa phương nào có dự án đi qua cũng rất muốn làm sớm.
Ông Bằng cũng cho biết theo quy hoạch đúng ra đường vành đai 2 đã khép kín cách đây 10 năm trước. Tuy nhiên đến nay tuyến đường này có 3 đoạn (11km - PV) chưa được khép kín.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận