GS Trương Nguyện Thành (thứ ba từ phải sang) trong lễ tổng kết của ĐH Hoa Sen - Ảnh: FB nhân vật
Liên quan câu chuyện GS Trương Nguyện Thành, được biết đến với biệt danh 'GS quần đùi', không được công nhận làm Trường ĐH Hoa Sen do chưa đủ 5 năm quản lý ở cấp khoa/phòng, Tuổi Trẻ đã trao đổi với bà Nguyễn Thị Kim Phụng - vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT.
Bà Phụng cho biết tiêu chuẩn hiệu trưởng cần có kinh nghiệm quản lý như một minh chứng cho năng lực quản lý đã được thừa nhận của ứng viên hiệu trưởng, là một trong các điều kiện đảm bảo chất lượng quản lý đối với vị trí việc làm này.
* Vì sao một trong những tiêu chuẩn quan trọng của hiệu trưởng là phải có kinh nghiệm về công tác quản lý, nhất là kinh nghiệm quản lý trong các cơ sở giáo dục đại học?
- Từ thực tế hiện nay, nên tiếp cận tiêu chuẩn này theo hướng có kinh nghiệm quản lý giáo dục đại học nói chung, chứ không nhất thiết "kinh nghiệm quản lý trong các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam" như một số thông tin đã đưa.
Đặc thù công việc của hiệu trưởng trường đại học là quản lý, tạo môi trường làm việc mang tính học thuật cho các nhà khoa học là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ và sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh trong đào tạo, nghiên cứu và phục vụ cộng đồng.
Vì vậy, kinh nghiệm quản lý giáo dục đại học là một trong các điều kiện cần, nhưng không phải là điều kiện duy nhất hay điều kiện đủ.
Trong phạm vi quan sát của chúng tôi, ở nhiều nước khác, các trường cũng yêu cầu điều kiện này với các mức độ, hình thức khác nhau như: đã có thời gian/kinh nghiệm quản lý ở cấp khoa, phòng hoặc từng là giáo sư, từng là hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường khác...
Hoặc chỉ đưa ra một số tiêu chuẩn chung và ứng viên sẽ được sát hạch qua hội đồng tuyển chọn để kiểm tra, đánh giá kinh nghiệm, năng lực làm việc.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Ảnh: N.KHÁNH
* Ngoài quy định chung, liệu có nên xem xét riêng cho những trường hợp đặc biệt để tránh bỏ sót người tài?
- Năm 2012, Luật giáo dục đại học quy định điều kiện "tham gia quản lý cấp khoa, phòng của cơ sở giáo dục đại học ít nhất 5 năm" mang tính định lượng rõ ràng. Nhưng chính vì vậy nó bó hẹp nguồn ứng viên hiệu trưởng.
Những quy định như vậy là một trong các lý do cần phải sửa đổi, bổ sung ngay Luật giáo dục đại học.
Hiện nay, thẩm quyền công nhận hiệu trưởng của các trường đại học tư thục thuộc chủ tịch UBND cấp tỉnh, TP. Tuy nhiên, khi luật đang có hiệu lực thì từ Bộ GD-ĐT đến các cá nhân, tổ chức đều phải tuân thủ, thực thi.
Mặc dù vậy, trong trường hợp cụ thể như Trường đại học Hoa Sen mà dư luận đang quan tâm, nếu nhà trường và ứng viên hiệu trưởng thực sự quyết tâm cao thì vẫn có thể vừa đạt được hợp tác vừa thực hiện đúng luật, không nhất thiết phải bổ nhiệm chức danh hiệu trưởng ngay ở thời điểm mà điều này còn đang trái với quy định hiện hành.
Hiện nay, ban soạn thảo đang khẩn trương thực hiện các quy trình để trình dự thảo luật ra trước Quốc hội theo đúng tiến độ, nhằm tháo gỡ ngay những "điểm nghẽn, nút thắt" nhất của luật hiện hành như đã xảy ra trên thực tế.
* Trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học, quy định về tiêu chuẩn này có được mở hơn không, thưa bà?
- Hiện nay, Luật giáo dục đại học đang được sửa đổi, bổ sung và tiêu chuẩn trên đã được rà soát, sửa đổi, bổ sung. Đó cũng là một trong những vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau.
Ở ba dự thảo đầu, ban soạn thảo quy định nội dung trên theo hướng mở: "có uy tín khoa học, có năng lực quản lý, quản trị giáo dục đại học". Năng lực quản lý, quản trị giáo dục đại học này sẽ do hội đồng trường, hội đồng quản trị xác định, lựa chọn.
Tuy nhiên, qua tổ chức lấy ý kiến tại 5 hội thảo ở Thái Nguyên, Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM và Cần Thơ, nhiều ý kiến góp ý không nên hạ thấp tiêu chuẩn điều 20 của luật hiện hành.
Tiếp thu các ý kiến góp ý, từ dự thảo 4, ban soạn thảo tiếp tục quy định tiêu chuẩn này: "có kinh nghiệm tham gia quản lý giáo dục đại học ít nhất 5 năm từ cấp khoa, phòng, ban trở lên".
Nội dung của dự thảo không hạ thấp, vẫn giữ định lượng của kinh nghiệm quản lý nhưng mở hơn, không nhất thiết phải có kinh nghiệm quản lý ở cơ sở giáo dục đại học (đã bao hàm ở cả các cơ sở giáo dục đại học khác tại Việt Nam hay nước ngoài) mà còn có thể có kinh nghiệm quản lý giáo dục đại học ở các cơ quan bộ, ngành, tổ chức giáo dục, viện nghiên cứu có đào tạo trình độ tiến sĩ...
Dự thảo luật hiện nay cũng bỏ quy định về thủ tục hiệu trưởng trường đại học tư thục phải được chủ tịch UBND cấp tỉnh công nhận, mà quy định "hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học tư thục do hội đồng quản trị quyết định".
Tuy nhiên, đây mới chỉ là dự thảo. Những nội dung của dự thảo sẽ tiếp tục được xin ý kiến Quốc hội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận