Theo đó, trước đây tại Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy, Bộ GD-ĐT quy định “Đề thi, đáp án, thang điểm kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ khi chưa công bố (kể cả đề thi được sử dụng và đang trong giờ thi) thuộc danh mục bí mật nhà nước độ “tối mật”. Tuy nhiên, quy chế mới chỉ quy định “đề thi, đáp án, thang điểm kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ khi chưa công bố thuộc danh mục nhà nước độ “tối mật”. Như vậy, đề thi, đáp án, thang điểm chỉ bị coi là lộ bí mật nếu bị lộ khi đề thi chưa được sử dụng.
Đặc biệt, quy chế bổ sung việc cho phép thí sinh mang thiết bị ghi âm, ghi hình (không có khả năng truyền tin) vào phòng thi, song cũng bổ sung những chế tài chặt chẽ trong việc sử dụng các thiết bị này. Thí sinh có sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình bắt buộc phải mang các đoạn ghi âm, ghi hình này nộp đúng nơi quy định (như hội đồng tuyển sinh, ban thanh tra của trường, của bộ...) trong vòng bảy ngày.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho hay nếu thí sinh không nộp lại và sử dụng vào bất cứ mục đích nào khác như phát tán ra bên ngoài sẽ bị xử lý nghiêm đúng quy chế. Theo đó, thí sinh không tuân thủ quy định này có thể không được công nhận kết quả thi, hoặc thậm chí bị xử lý theo quy định pháp luật tùy vào mức độ sai phạm.
Ngoài ra, năm 2013 bộ quyết định không bắt buộc tất cả các trường tổ chức chấm thi môn năng khiếu “phải bố trí các thiết bị ghi âm, ghi hình... để làm tài liệu và minh chứng cho việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan” như dự thảo ban đầu. Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết quy chế chỉ đưa ra hiệu trưởng các trường căn cứ đặc điểm của từng môn thi năng khiếu để quyết định bố trí các thiết bị ghi âm, ghi hình nếu thấy cần thiết.
Bộ cũng yêu cầu các trường thành lập ban chấm kiểm tra, chứ không phải ban chấm thanh tra để bảo đảm chấm tối thiểu 5% bài thi tự luận. Ông Ga cho biết việc chấm kiểm tra nhằm tác dụng tư vấn, cảnh báo đối với việc chấm thi tuyển sinh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận