Dòng xe ùn ứ trên đường Nguyễn Kiệm (TP.HCM) sáng 20-4-2015 - Ảnh tư liệu |
Và tôi đang kỳ vọng, hình dung về một đất nước Việt Nam trong 20 năm tới sẽ không còn cảnh ùn tắc giao thông tại các đô thị như những năm qua.
20 năm tới khi bước ra đường, bạn sẽ không còn cảm thấy chật vật với những dòng người, dòng xe đông đúc như mọi khi. Bạn có thể bước ra đường một cách thoải mái, an toàn, đi đến những nơi mình thích mà không một chút bận tâm, suy nghĩ gì về vấn đề ùn tắc giao thông.
20 năm tới, bạn sẽ không còn cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng và khó chịu trước những tiếng ồn, những làn khói bụi lan tỏa từ đâu đó. Bạn sẽ không còn cảm thấy quá khốn khổ thức dậy thật sớm để đi đến cơ quan mỗi ngày vì vấn đề ùn tắc giao thông.
20 năm tới, bạn có thể thoải mái thưởng thức và tận hưởng những không khí trong lành, thoáng mát từ các khu công viên, từ những hàng cây xanh bên góc ven đường.
Bạn có thể tiết kiệm được rất nhiều tiền bạc, thời gian quý giá mỗi khi đi ra đường.
Và bạn có thể dễ dàng buôn bán, trao đổi hàng hóa, sản phẩm ở bất cứ nơi nào trong thành phố mà chẳng nghĩ ngợi gì đến vấn đề ùn tắc giao thông.
Giải quyết được vấn đề ùn tắc giao thông ở các đô thị không chỉ giúp phương tiện lưu thông một cách dễ dàng mà còn có thể giúp ngăn chặn được rất nhiều hậu quả khó lường khác như: tai nạn giao thông, mức độ thiệt hại về kinh tế, tình trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí, các bệnh tật do ô nhiễm môi trường gây ra...
Hà Nội và TP.HCM đang được đầu tư một cách rất mạnh mẽ để xây dựng và phát triển các đô thị một cách hài hòa, văn minh, hiện đại đúng với tầm vóc của đất nước. Để làm được những điều đó, theo tôi, trước tiên là cần phải giải quyết được vấn đề ùn tắc giao thông ở các đô thị.
Với góc nhìn của một sinh viên sư phạm, tôi hi vọng với những giải pháp đưa ra có thể góp một phần nào đó giúp các đô thị giải quyết được vấn đề ùn tắc giao thông:
Thứ nhất, đầu tư xây dựng và phát triển các hệ thống vận tải hành khách công cộng với khối lượng lớn như: hệ thống đường sắt đô thị, tàu điện ngầm, hệ thống xe buýt…
Đồng thời, áp dụng một số giải pháp nhằm hạn chế việc sử dụng các phương tiện cá nhân như: tăng thuế xe, giảm các bãi đổ xe…
Việc khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện công cộng sẽ giảm được một phần nào đó tình trạng ùn tắc giao thông.
Theo kinh nghiệm của nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, nếu đầu tư và khai thác tốt hệ thống vận tải công cộng có thể sẽ góp phần giảm ùn tắc giao thông tới 27%.
Thứ hai, cần mở rộng và đầu tư xây dựng các tuyến đường, các làn đường một cách có khoa học như: tuyến đường ưu tiên cho ôtô, cho xe hai bánh, tuyến đường hỗn hợp hay khu vực đi bộ cấm các phương tiện cá nhân.
Thực tế cho thấy ở Việt Nam các phương tiện giao thông khi di chuyển đều đi chung một làn đường giống như kiểu hạt lạc kẹp hạt vừng, giao thông khá lộn xộn.
Chính vì vậy, tôi nghĩ việc mở rộng và xây dựng các tuyến đường sẽ giúp cho các phương tiện lưu thông một cách dễ dàng hơn, tránh tình trạng ùn tắc.
Thứ ba, cần ưu tiên phát triển giao thông tĩnh. Trước hết, mỗi tòa nhà chung cư cao tầng hay văn phòng đều phải được xây dựng sao cho đủ chỗ đỗ xe cho những người sinh sống và làm việc tại đó.
Ở Kuala Lumpur, thủ đô Malaysia, những tòa nhà chung cư cao tầng, khách sạn hay công sở, ngoài 2-3 tầng hầm, còn có từ 2-3 tầng phía trên dành để đỗ xe.
Ở Bắc Kinh, tại các bãi đỗ xe công cộng, cơ quan chức năng thành phố cho xây dựng những nhà khung thép ba tầng, kết cấu đơn giản, lắp ghép nhanh chóng dùng để đỗ xe.
Với những biện pháp như vậy, nhiều thành phố đã đáp ứng tối đa nhu cầu dừng đỗ xe của người dân, cả ở nơi sinh sống, nơi làm việc và nơi vui chơi, giải trí.
Thứ tư, việc tăng cường cung cấp giao thông là biện pháp trọng yếu để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông đô thị. Nhưng trên thực tế, sự cung cấp giao thông gần như không bao giờ đuổi kịp sự tăng trưởng về nhu cầu giao thông. Trong đó có thể kể đến một nguyên nhân quan trọng là chưa khống chế hiệu quả về nhu cầu giao thông tăng lên nhanh chóng.
Do vậy, muốn giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông, cần phải kết hợp nhịp nhàng giữa việc tăng cường cung cấp giao thông và bài toán quản lý nhu cầu giao thông, công tác chấp pháp giao thông, giáo dục an toàn giao thông, định hướng nhu cầu giao thông.
Bởi bốc một thang thuốc để chữa một căn bệnh, trước mắt và tiên quyết là phải xác định đúng bệnh, sau đó mới bốc thuốc. Bất cứ thang thuốc nào cũng phải gồm nhiều "vị" khác nhau, có thế mới có tác dụng tương hỗ.
Thể lệ cuộc thi viết “Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới” Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (VN) tổ chức cuộc thi viết “Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới”. Chủ đề chính của cuộc thi là những kỳ vọng về sự phát triển của VN, đồng thời phác họa bức tranh đất nước, con người VN trong 20 năm tới. Cuộc thi dành cho bạn đọc từ 15-30 tuổi và bạn đọc trên 30 tuổi (ban tổ chức, ban giám khảo, cán bộ nhân viên báo Tuổi Trẻ và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam không được tham gia cuộc thi). Theo ban tổ chức, các bài dự thi phải được viết bằng tiếng Việt, thể loại văn xuôi, thể hiện hai nội dung: Những kỳ vọng hoặc phác họa bức tranh Việt Nam 20 năm tới (tối đa 500 chữ) và nêu những giải pháp để Việt Nam có thể đạt được như ước mơ và những kỳ vọng (tối đa 1.000 chữ). Bài dự thi phải chưa từng được công bố, đăng tải trên báo đài hay đoạt giải các chương trình, cuộc thi. Một tác giả có thể gửi tối đa ba tác phẩm dự thi. Dưới bút danh (nếu có) ghi rõ tên thật, tuổi, địa chỉ và số điện thoại liên lạc. Trong trường hợp đoạt giải, mỗi tác giả chỉ nhận được giải thưởng cao nhất. Báo Tuổi Trẻ sơ loại bài viết đúng chủ đề và đúng yêu cầu của cuộc thi để đăng trong mục cuộc thi "Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới" trên Tuổi Trẻ Online. Đồng thời, hằng tuần những bài viết hay sẽ được xuất bản trên nhật báo Tuổi Trẻ. Tác giả có bài viết được xuất bản trên nhật báo Tuổi Trẻ sẽ được trả nhuận bút. Ban giám khảo chọn 10 tác phẩm hay nhất vào vòng chung khảo (gồm năm tác phẩm của tác giả dự thi ở nhóm từ 15-30 tuổi và năm tác phẩm ở nhóm người trên 30 tuổi). Các tác giả có bài được chọn sẽ được tài trợ 3 triệu đồng làm báo cáo chi tiết trình bày trước ban giám khảo để tranh giải (số tiền này sẽ được gửi cho tác giả khi tác giả đến buổi báo cáo trước ban giám khảo). Ban tổ chức sẽ tài trợ chi phí đi lại và khách sạn để tác giả đến trình bày báo cáo và nhận giải tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM. Ban tổ chức sẽ trao 10 giải thưởng với tổng giá trị giải thưởng là 120.000.000 đồng dành cho hai nhóm đối tượng tham gia phân theo độ tuổi, gồm nhóm từ 15-30 tuổi và nhóm trên 30 tuổi. Mỗi nhóm đối tượng sẽ có năm giải thưởng. Trong đó mỗi nhóm có: - 1 giải nhất: 25.000.000 đồng - 1 giải nhì: 15.000.000 đồng - 1 giải ba: 10.000.000 đồng - 2 giải khuyến khích: 5.000.000 đồng/giải Ban tổ chức nhận bài dự thi từ ngày 18-5 đến 28-6-2015. Bạn đọc gửi bài dự thi qua đường bưu điện đến báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, Q.Phú Nhuận, TP.HCM (ngoài bì thư ghi rõ tham gia cuộc thi viết “Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới”); hoặc gửi bằng thư điện tử đến địa chỉ [email protected]. Vòng chung khảo cuộc thi sẽ tổ chức vào ngày 11-7-2015. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận