26/03/2017 16:09 GMT+7

Không có tuần trăng mật cho lãnh đạo mới của Hong Kong

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Sẽ không có thời gian để bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) ăn mừng sau chiến thắng giúp bà trở thành nữ trưởng đặc khu đầu tiên của Hong Kong.

Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (giữa) sẽ chính thức trở thành nữ trưởng đặc khu đầu tiên của Hong Kong vào ngày 1-7 tới. Trong ảnh: Bà Lâm cùng chồng và con trai tươi cười sau khi kết quả bầu cử được công bố - Ảnh: Reuters

Trong chính trị, tuần trăng mật được dùng để chỉ khoảng thời gian thuận lợi và dễ chịu của một chính trị gia theo sau chiến thắng của họ trong bầu cử hay vấn đề gì đó.

Tuy nhiên, đối với các chính khách có chiến thắng gây tranh cãi, quãng thời gian sau bầu cử là lúc họ bị săm soi và đối mặt với nhiều thách thức nhất, từ cả các đối thủ chính trị lẫn các vấn đề thực tế.

Bị đánh giá là người có tư tưởng thân chính quyền trung ương Bắc Kinh, nữ lãnh đạo mới của Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga sẽ phải đối mặt với không ít thách thức, từ sự chia rẽ về chính trị, đến giá nhà đất tăng cao chóng mặt và bất bình đẳng thu nhập ngày càng tăng.

Các nghị sĩ dân chủ Hong Kong từng thúc đẩy chiến dịch tẩy chay ông Lương Chấn Anh - trưởng đặc khu Hong Kong đương nhiệm, vì chuyện thân Trung Quốc. Họ đã lập ra "Chiến dịch ABC" (viết tắt của cụm từ ý nghĩa 'Ai cũng được, ngoại trừ ông Lương'). Đối với họ, bà Lâm chỉ là "ông Lương phiên bản 2.0".

Điều này đặt ra thách thức về cách thức phối hợp giữa nữ lãnh đạo Hong Kong và các nghị sĩ dân chủ, nhất là những nghị sĩ trẻ xuất thân từ phong trào sinh viên.

Vẫn chưa biết bà Lâm sẽ chọn cách tiếp cận như thế nào, nhưng không phải vô tình mà bà được đặt một biệt danh là “chiến binh” vì sự lạnh lùng và dứt khoát khi giải quyết nhiều vấn đề tranh cãi, theo báo South China Morning Post (SCMP).

Chiến thắng của bà Lâm có thể xem là thành quả cho sự ủng hộ ngầm của chính quyền Bắc Kinh. Nhưng ở Hong Kong, bà đang bị dư luận đặt câu hỏi về mức độ uy tín.

Thực tế, cựu vụ trưởng Tài chính Hong Kong Tăng Tuấn Hoa mới là người được nhiều người biết tới ở Hong Kong và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của những người dân chủ cũng như người dân.

Tuy nhiên, ông Tăng không nhận được đèn xanh của Bắc Kinh. Có nhà quan sát cho rằng chính sự ủng hộ của những người dân chủ ở Hong Kong đã khiến ông Tăng mất điểm trước chính quyền Bắc Kinh bởi chính quyền trung ương luôn lo ngại về một Hong Kong quá dân chủ và độc lập nếu ông Tăng lên, báo SCMP bình luận.

Và trong một hội đồng bầu cử 1.194 thành viên gồm nhiều người ủng hộ chính quyền Bắc Kinh, việc bà Lâm giành chiến thắng với 777 phiếu là điều dễ hiểu.

Dự kiến bà Lâm sẽ bắt đầu công việc mới vào đầu tháng 7 tới, sau khi ông Lương Chấn Anh hết nhiệm kỳ.

Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) sinh năm 1957 tại Hong Kong và được hưởng chế độ giáo dục của Vương quốc Anh từ nhỏ.

Năm 1980, bà Lâm trở thành một công chức của chính quyền thuộc địa Anh ở Hong Kong sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Xã hội học của Đại học Hong Kong.

Năm 2000, bà được chỉ định làm người đứng đầu Văn phòng phúc lợi xã hội của chính quyền Hong Kong và đã đưa ra một số cải tổ gây tranh cãi, như thắt chặt trợ cấp an sinh xã hội.

Năm 2004, bà được bổ nhiệm vào ghế Thư ký về vấn đề nhà ở, đất đai. 3 năm sau đó (2007), bà giữ ghế Thư ký về vấn đề phát triển. Năm 2012, bà trở thành Tổng thư ký chính quyền Hong Kong dưới thời ông Lương Chấn Anh và từ chức vào ngày 12-1 vừa rồi để ra tranh cử.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp