Hội nghị phản biện xã hội với dự thảo đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc TP.HCM giai đoạn 2019-2021 - Ảnh: TỰ TRUNG
Sáng 6-10, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức hội nghị phản biện xã hội với dự thảo đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc TP.HCM giai đoạn 2019-2021.
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Hữu Phước - phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM - cho biết hiện nay UBND các quận, huyện đã hoàn tất việc lấy ý kiến cử tri về đề án sắp xếp các đơn vị hành chính.
Theo ông Phước, mặc dù đa số cử tri đều đồng ý phương án sáp nhập quận, phường nhưng một số cử tri vẫn băn khoăn về việc đặt tên phường cũng như công tác quản lý hành chính sau sáp nhập.
Tại hội nghị, ông Phan Anh Minh - nguyên phó giám đốc Công an TP.HCM - cho rằng việc sắp xếp các đơn vị hành chính phải quan tâm đến việc ổn định cuộc sống lâu dài cho người dân; tránh gây xáo trộn.
Ông Phan Anh Minh – nguyên phó giám đốc Công an TP.HCM - phản biện đề án sắp xếp các đơn vị hành chính - Ảnh: TỰ TRUNG
Ông Minh cũng cho biết theo đề án, phường 6, 7, 8 (quận 3) sẽ được sáp nhập thành phường Võ Thị Sáu. Võ Thị Sáu là một nữ anh hùng của dân tộc, có công với đất nước. Nhưng việc lấy tên nhân vật lịch sử lớn đặt tên phường liệu có phù hợp hay không. Và tại sao lại chọn tên Võ Thị Sáu chứ không phải cái tên nào khác - điều này cần được giải thích một cách thuyết phục.
Không chỉ vậy, khi thay đổi tên phường mới thì tất cả cư dân 3 phường đều phải thay đổi hồ sơ, giấy tờ, thay vì lấy lại một trong ba tên phường cũ sẽ ít gây xáo trộn.
Ông Minh cũng lưu ý thêm một khía cạnh khác: đó là theo đề án, phường 14 và phường 13 (quận Phú Nhuận) sẽ nhập thành phường 13; phường 12 và phường 13 (quận 4) nhập thành phường 13.
Theo ông Minh, trong cộng đồng dân cư có không ít người theo đạo Kitô giáo. Với người Kito giáo, con số 13 là con số không may mắn. Do vậy, chọn con số 13 để đặt tên phường mới sẽ không phù hợp với ý nguyện của họ.
"Tôi không phải người mê tín. Nhưng vấn đề này thật sự nên cân nhắc. Ngay cả tên quận, chúng ta cũng chỉ có quận tên số từ quận 1 đến quận 12 rồi chuyển qua các quận tên chữ, tránh có quận 13. Vậy thì hà cớ gì lại bắt cấp phường phải có phường 13? Tại sao khi nhập phường 14 và phường 13 không lấy tên là phường 14?"- ông Minh đặt câu hỏi.
Ông Huỳnh Thanh Nhân - giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM - phát biểu tại hội nghị - Ảnh: TỰ TRUNG
Về vấn đề này, ông Huỳnh Thanh Nhân - giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM - cho biết tại TP.HCM, các phường thường đặt tên theo số hoặc theo địa danh gắn với địa bàn. Việc này góp phần lưu giữ những địa danh, nhất là những địa danh cổ của TP.HCM không bị quên lãng.
Theo ông Nhân, về nguyên tắc, việc đặt tên theo tên các danh nhân phải gắn với quy mô, tầm vóc của các công trình, phù hợp với văn hóa lịch sử.
Ông Nhân cho biết Sở Nội vụ đang tiếp thu ý kiến của cử tri, nhân dân. Trên cơ sở góp ý cử tri, HĐND các cấp sẽ có phiên họp để thống nhất về tên gọi đơn vị hành chính mới trong thời gian tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận