Tạm bỏ qua cảm xúc yêu - ghét thông thường, đôi lúc dẫn đến sự mù quáng trong thể thao, những người bảo vệ Djokovic bao gồm CĐV của anh cùng những nhân vật ủng hộ quyền tự do cá nhân. Và phe chỉ trích là phần còn lại của làng thể thao.
Nhóm chỉ trích Djokovic, bao gồm cả huyền thoại Boris Becker từng dẫn dắt tay vợt người Serbia, có lý lẽ đơn giản rằng cần tôn trọng quy định chống dịch. Còn tổng thống Serbia - ông Aleksandar Vucic - chỉ trích Chính phủ Úc đã "ngược đãi tay vợt hay nhất thế giới" và tuyên bố sẽ cùng chiến đấu để bảo vệ Djokovic. Sự mâu thuẫn của Úc khi cấp quyền miễn trừ y tế rồi lại từ chối cho Djokovic nhập cảnh càng tạo cớ cho những luận điệu bênh vực tay vợt số 1 thế giới.
Xem ra đã hai năm chống chọi COVID-19, tranh cãi giữa tự do cá nhân và quy tắc phòng dịch vẫn chưa dứt. Một tháng trước, ban tổ chức Giải ngoại hạng Anh (Premier League) làm người hâm mộ sửng sốt với thông tin chỉ có 84% cầu thủ của giải tiêm ít nhất một mũi vắc xin. Khi biến thể Omicron tấn công nước Anh, Premier League đã trở thành một ổ dịch và làm đau đầu giới quản lý bóng đá Anh. Quyền tự do cá nhân đã bảo vệ danh tính của 16% số cầu thủ không chấp nhận vắc xin ngừa COVID-19 ở Premier League và cả những VĐV như Djokovic (từ chối công khai tình trạng chích vắc xin).
HLV Gareth Southgate của tuyển Anh kể rằng ông đã nhận "gạch đá" khi kêu gọi mọi người tiêm vắc xin. "Có một số cầu thủ chưa tiêm vắc xin, nhưng tôi không được phép hỏi", ông Southgate nói.
Tranh cãi chưa dừng lại, nhưng hằng ngày vẫn có hàng ngàn người ra đi vĩnh viễn, con số giờ đây đã là 5,5 triệu người. Kinh tế thế giới vẫn lao đao vì COVID-19.
HLV người Đức Jurgen Klopp đưa ra một ví von về quy định chích vắc xin: "Nhiều người nghĩ uống một hai ly bia vẫn ổn để lái xe. Nhưng luật không cho phép chúng ta lái xe sau khi uống đồ có cồn. Vắc xin cũng vậy. Nhiều người xem đó là giới hạn của sự tự do. Tại sao đó lại là giới hạn của tự do? Vì nếu như vậy, không được phép lái xe sau khi đã uống rượu bia cũng là giới hạn của tự do".
Thực tế rất nhiều ngôi sao thể thao như HLV Jurgen Klopp hay Gareth Southgate đã lên tiếng ủng hộ việc tiêm vắc xin, vì họ hiểu đó là việc làm có ích cho nhân loại. Chẳng lẽ chúng ta cứ để virus đẩy vào ngõ cụt!?
Khi Djokovic "nổi hứng" tổ chức giải Adria Tour giữa mùa dịch, vào thời điểm thế giới chưa có vắc xin ngừa COVID-19, giải đấu của anh trở thành ổ dịch và góp phần khiến làng quần vợt bị đình trệ nhiều tháng.
Thật kinh khủng nếu nhiều người đều phản đối vắc xin như Djokovic, hay đơn giản là không chịu công khai tình trạng vắc xin? May mắn thay, những người hành xử như Djokovic chỉ là thiểu số. Còn nhớ, chuyện bắt buộc đeo khẩu trang cũng gây nhiều tranh cãi, nay đó lại là chân lý khi con người biết rằng khẩu trang là "vũ khí", là hàng rào bảo vệ sức khỏe con người.
Tại Việt Nam, người dân rất ủng hộ và mong muốn được tiêm vắc xin càng sớm càng tốt. Nhưng nhiều người lại lơ là với 5K, nhất là đeo khẩu trang, thậm chí nghĩ rằng mình từng là F0 nên không cần 5K. Có lẽ bài học rút ra sau hai năm đó là chỉ có đồng lòng mới chế ngự được COVID-19, còn trống xuôi kèn ngược, tôi có quyền của tôi (ở nước ngoài), hay tôi đã là F0, tôi đã tiêm 2, 3 mũi nên chẳng cần 5K (tại Việt Nam)... chỉ "mở lối" cho virus biến thể và hành hạ con người.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận