04/02/2016 09:14 GMT+7

Không có người già, niềm vui tết sẽ không trọn vẹn

LÊ NGỌC HẠNH
LÊ NGỌC HẠNH

TTO - Anh em tôi ra đời đã không nhìn thấy ông bà cả hai bên nội ngoại. Ngay từ khi còn bé, cứ mỗi hai lăm tháng chạp là ba má lại đưa chúng tôi về quê chăm sóc mồ mả ông bà và thăm viếng họ hàng.

Mỗi năm tết đến lại háo hức chờ ba má dắt về quê

Thời còn nhỏ, hằng năm cứ gần tết tôi lại háo hức chờ để được ba má dắt về quê. 

Mỗi dịp như vậy tôi thấy ba vừa quét dọn cỏ rác mồ mả vừa kể cho chúng tôi nghe chuyện ông bà nội mất ra sao, chuyện chú Sáu, chú Út hi sinh như thế nào. Còn má thì kể chuyện ông bà ngoại, chuyện mấy cậu, mấy dì…

Rồi ba má tôi nghỉ hưu, rủ nhau về quê an dưỡng tuổi già. Đám con thi thoảng chạy đi chạy về giữa quê với phố. Niềm vui cùng đi viếng mộ ông bà với ba má hằng năm cũng giảm dần khi anh em tôi ngày càng lớn lên.

Năm nào cứ gần đến ngày đi giãy cỏ mả là đứa này kêu bận đi làm, đứa kia kêu mắc đi học... Có nhiều năm, thói quen truyền thống này với tôi như một áp lực vì công việc bề bộn ngày cuối năm. Cứ mỗi lần vậy tôi hay than van với bạn bè rồi đùn đẩy với anh em để… trốn trách nhiệm! Để có năm chỉ hai người già thui thủi làm cỏ, quét dọn mồ mả bên nội xong, rồi lại sang bên ngoại.

Có năm thì ba má tôi cố tình chọn ngày chủ nhật để tất cả anh em chúng tôi cùng có thể về thì có người vẫn không về được. Đến tết về nhà lại thấy ba tôi lẳng lặng buồn hiu, còn má tôi thì cằn nhằn: “Tụi bây chỉ biết lo làm ăn kiếm tiền, không ngó ngàng đến mả mồ ông bà thì tết nhứt có ý nghĩa gì, mai mốt tao với ba mày nằm xuống, con chắc cũng chẳng đứa nào thèm ngó đến chứ đừng nói chi tới cháu…”.

Cũng như nhiều nhà khác, tết của ba má tôi ở quê luôn được bắt đầu từ tháng chạp khi những đứa con còn mải miết công việc ở phố. Ba tôi thì dọn dẹp vườn tược, tỉa tót cây cảnh, lau chùi cửa nẻo, ghế bàn…

Má thì mần kiệu, mần dưa, thịt kho, khổ qua… cho đến những ngày cận tết đám con mới lũ lượt kéo về. Những tục lệ truyền thống tết nhà tôi cũng diễn ra như: ngày ba mươi làm mâm cơm rước ông bà, đến mùng ba thì cúng tiễn, ngày nào cũng ba bận hâm đi hâm lại nồi thịt kho, khổ qua, đồ cúng xong cũng không được đổ vào nồi…

Suốt mấy ngày tết tôi chỉ mấy việc loanh quanh từ tủ lạnh sang bếp, đến bàn ăn rồi ra đến sàn rửa chén. Hễ khách của ba thì dọn tôm khô, củ kiệu. Khách của má thì dọn bánh tráng, dưa mít, thịt ram…

Và rồi, năm nào cũng như năm nào. Sau góc bếp tôi hay nghe những cuộc chuyện trò của ba má tôi với những người bạn già về tết, mà đề tài chỉ xoay quanh chuyện của những đứa con, đứa cháu. Bác này thì hãnh diện vì con cái học hành giỏi giang, bác kia thì buồn tết nhứt con cái không phụ giúp, dì nọ thì bảo tết chẳng mong gì chỉ mong con cháu về nhà đông đủ, dì kia thì bảo bác này có phước vì có con cái chăm lo, cô nọ thì than mình vô phước vì không được con lo…

Tuyệt nhiên tôi không nghe ba má tôi than van, trách cứ một lời về đám con nhà mình mà toàn nghe: “Tội nghiệp tụi nhỏ, công việc cuối năm bù đầu bù cổ, về đến nhà thấy đứa nào đứa nấy bơ phờ. La rầy tụi nó vậy chứ thấy thương lắm. Thời buổi giờ khác chứ đâu giống như mình hồi xưa…”.  Tôi nghe mà cảm giác thấy xấu hổ, mới càng hiểu nỗi lòng của những người già về những đứa con, về tết...

Vậy rồi anh chị em tôi cùng ngồi lại sắp xếp, chia sẻ công việc với nhau để chăm lo tết trong gia đình lớn và thống nhất tết là thời gian dành cho gia đình và thăm viếng họ hàng. Bạn bè tôi hay nói vui với nhau: “Thôi thì tết… nhà ai nấy ăn” vì bạn bè thì một năm gặp nhau, tiệc tùng, quán xá biết bao nhiêu bận rồi, và cũng vì biết còn được bao nhiêu cái tết nữa cho người già được sum vầy với con cháu… vì nhà nào cũng có những người già khó tính!

Tôi không nghĩ tết chỉ cho người già, càng không nghĩ tất cả người già đều khó tính! Với tôi, tết không những là dịp nghỉ ngơi sau một năm làm việc, mà còn là dịp họp mặt tình cảm với những người già ở gia đình lớn.

Xã hội phát triển cuốn con người vào vòng quay kinh tế không ngừng nghỉ, nhất là vào những ngày cuối năm nên những tục lệ về ngày tết cổ truyền vô tình đã áp lực nhiều người. Những người già thì đang an phận ở một nơi khác.

Có người già hiểu và thông cảm cho những đứa con, nhưng cũng có người già thì…“cực đoan, bảo thủ”! Nhưng cũng không khó đến nổi không thể “xoay chuyển” nếu biết vén khéo. Tết mỗi nhà mỗi cảnh, và những người già từ khó ít đến khó nhiều với đám con cháu, nhưng tựu chung mục đích chỉ là muốn con cháu tiếp thu và gìn giữ những nét đẹp văn hóa về ngày tết cổ truyền đang ngày càng giản tiện và… “tết hóa” từ những người trẻ!

Ba tôi về tết với tổ tiên ông bà đã hai năm nay. Giờ cứ đến mỗi hai lăm tháng chạp anh chị em tôi lại í ới gọi nhau chạy về. Cũng như cách mà ba má dạy thời chúng tôi còn nhỏ, anh chị tôi lại cùng đưa các cháu về và dạy các cháu biết về cội nguồn tổ tiên ông bà, về truyền thống tảo mộ hằng năm.

Cùng nhắc nhớ nhau về những điều ba đã dạy mới thấy thấm hơn bất kỳ lúc nào hết! Tết nhà không còn ba - một người già từng rất “khó tính”, tôi không còn phải bê vào bê ra những tôm khô, củ kiệu, không còn dịp để nghe ba kể chuyện với mấy người bạn già về những đứa con, không còn nghe câu nói quen thuộc hằng năm mỗi khi đám con về đủ mặt: “Tết, ba không cần mâm cao cỗ đầy, mà chỉ cần được nhìn thấy các con khỏe mạnh, cả nhà mình vui vẻ. Vậy là thấy hạnh phúc rồi!”.

Tết như thế nào và tết dành cho ai là do cảm nhận của mỗi người. Nhưng tết mà thiếu vắng những người già rồi mới cảm thấy rằng hạnh phúc và niềm vui tết không còn được trọn vẹn!

LÊ NGỌC HẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp