13/04/2014 08:30 GMT+7

Không có cách nào tốt hơn là chở đúng tải

TUẤN PHÙNG thực hiện
TUẤN PHÙNG thực hiện

TT - Ông Đỗ Xuân Hoa - tổng thư ký Hiệp hội Vận tải ôtô VN (VATA) - cho biết như vậy trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ xung quanh câu chuyện về cước vận tải ôtô trong bối cảnh Nhà nước siết chặt kiểm soát tải trọng xe (KSTTX), ngăn chặn xe quá tải. Ông Hoa cho biết:

p273IPaq.jpg
Ông Đỗ Xuân Hoa - Ảnh: T.Phùng

- Cước vận tải hàng hóa bằng ôtô ở VN hiện nay đang rất thấp so với các yếu tố cấu thành giá thành vận tải ôtô. Nhiều đơn vị đưa ra mức cước thấp hơn giá thành vì vận hành hoạt động vận tải bằng cách chở quá tải. Thứ hai là họ sử dụng nhiều phương tiện đã hết khấu hao. Theo cách tính trước đây thì cước vận tải hàng hóa thường được tính 1 tấn/km, tương đương 10 hành khách/km. Nếu tính theo cách này thì cước chở hàng khoảng 5.000-7.000 đồng/tấn/km. Nhưng hiện nay các doanh nghiệp (DN) vận tải hàng hóa đang chở với giá 1.800-2.200 đồng/tấn/km.

"Chúng tôi ủng hộ Nhà nước làm mạnh mẽ và hi vọng làm thật nghiêm để vận tải đường bộ đi vào trật tự. Ở Thái Lan, họ quy định tải trọng trục chỉ 9 tấn chứ không phải 11,5 tấn như VN và nếu chở quá tải thì phạt tù chứ không xử phạt nhẹ như mình. Họ quy định chở quá tải là phá hoại công trình giao thông"

* Cước vận tải thấp trong khi các yếu tố tạo nên giá thành vận tải cao hơn các nước nhưng DN vận tải vẫn hoạt động được là do chở quá tải. Vậy yếu tố nào để DN vận tải tăng cước khi buộc phải chở đúng tải, thưa ông?

- Thứ nhất là giá ôtô ở VN cao hơn của các nước và khu vực vì áp thuế cao. So với Lào, Campuchia thì giá xe ở VN đắt gần gấp đôi. Yếu tố thứ hai là phí bảo trì đường bộ và phí qua trạm thu phí cao hơn các nước. Ở Thái Lan toàn bộ tuyến đường, trừ đường cao tốc, thì không thu phí. Còn đường cao tốc cũng thu phí thấp. Tôi đi 50km đường cao tốc ở Thái Lan thấy họ thu ba mức phí theo số lốp xe: xe bốn lốp thu 30 baht, bằng 21.000 đồng, xe 6-10 lốp thu 50 baht, bằng 35.000 đồng, các loại xe trên 10 lốp thu 70 baht, bằng 49.000 đồng. Còn đường cao tốc ở VN như Cầu Giẽ - Ninh Bình dài 50km thì thu xe bốn lốp (xe con) là 70.000 đồng, hơn gấp ba lần.

Để có cước rẻ thì nhiều DN chở quá tải, xe được phép chở 22 tấn nhưng chở đến 100 tấn ximăng từ Thanh Hóa ra Hà Nội. Cái này chỉ cần nhìn số bao ximăng xếp trên xe là biết khối lượng. Khi chở như vậy thì họ sẵn sàng hạ giá cước để cạnh tranh với DN khác. Nếu một ôtô chở 22 tấn nhưng được chở lên 100 tấn thì chi phí sẽ khác nhau. Theo tính toán, khi xe 22 tấn chở 100 tấn thì nhiên liệu tiêu hao tăng khoảng 125% và chỉ chịu phí đường bộ của một xe loại 22 tấn thay vì bốn xe cùng loại. Khi giám sát xe quá tải chặt chẽ thì giá cước phải tăng vì nhiên liệu và phí đường bộ sẽ tính cho số xe chở đúng 100 tấn chứ không phải cho một xe 22 tấn.

Vì vậy, khi triển khai cân xe đồng loạt trong những ngày qua đã xuất hiện tình trạng xe né trạm hoặc chạy nhưng tăng giá cước khi chở đúng tải. Có DN tăng 2,5 lần so với giá cước trước đây.

* Có thể nói lâu nay chủ hàng và người tiêu dùng hưởng lợi từ cước vận tải rẻ do chở quá tải. Giờ chở đúng tải, cước sẽ tăng, chủ hàng lo tăng thêm chi phí, người dân lo giá sản phẩm tăng. Theo ông, có giải pháp gì để dung hòa được lợi ích các bên?

- Nếu giá cước hiện nay đưa về giá trị thực thì tăng lên 2-2,5 lần. Ví dụ một thùng xoài từ TP.HCM chở ra Hà Nội trước đây cước 100.000 đồng nay lên gấp đôi đương nhiên người tiêu dùng phải chịu. Nhưng không có cách nào khác. Vì không kiểm soát xe quá tải thì đường sá sẽ hư hỏng và “chi phí đen” trên đường sẽ nhiều hơn khi xe quá tải phải chi tiền ở các chốt kiểm soát trên đường để được lưu hành. Người tiêu dùng phải chịu phần lớn chi phí khi cước tăng nhưng không có cách nào tốt hơn là phải chở đúng tải. Bởi vì chi phí làm đường rất lớn từ tiền thuế của người dân, nếu để đường hư hỏng liên tục vì xe quá tải thì thiệt hại chung cho xã hội còn lớn hơn. Còn DN vận tải dần dần cũng phải điều chỉnh giá cước để có mức hợp lý, hạn chế mức tăng đột ngột với người tiêu dùng. Hiện nay có nhiều DN vận tải cạnh tranh với nhau nên cũng không dám tăng giá cước đến kịch trần để làm mất thị phần.

* Nhiều DN kêu việc KSTTX khiến họ phải tăng cước và hoạt động kinh doanh khó khăn hơn. Là người đại diện cho các DN vận tải hàng hóa, ý kiến của ông thế nào?

- Vẫn có những DN vận tải khách và hàng hóa chân chính không bao giờ phải bỏ “chi phí đen”. Bởi vì họ làm ăn nghiêm túc thì không làm sai để bị xử lý. Và nguyện vọng của những người làm vận tải chân chính đều muốn Nhà nước làm thật chặt chẽ việc KSTTX để giá cước về đúng giá trị thực. Chở đúng tải giải quyết được các vấn đề: đỡ hao mòn phương tiện, đỡ hư hỏng cầu đường, đảm bảo an toàn giao thông, đưa vận tải vào hoạt động lành mạnh với giá trị thực.

Vì vậy, các DN làm ăn nghiêm túc trong hiệp hội tha thiết đề nghị Nhà nước kiểm soát đồng loạt và thật nghiêm túc việc KSTTX để đưa vận tải về giá trị thực, hợp lý. Tôi đã báo cáo lãnh đạo các bộ ngành là việc tổ chức KSTTX rất cần thiết. Nhiều năm qua mình không kiểm soát, sự phối hợp với ngành giao thông và công an trong việc này chưa được tốt.

Theo phản ảnh của DN vận tải làm ăn nghiêm túc thì mấy ngày qua việc KSTTX ở một số nơi đang cầm chừng, chưa triệt để. Nếu không thực hiện được đồng bộ, triệt để thì lại có tình trạng xe né trạm cân và sự không công bằng giữa những DN thực hiện nghiêm túc và không nghiêm túc. Nguyện vọng của hiệp hội vận tải Hải Phòng, TP.HCM và VATA đều muốn Nhà nước làm thật nghiêm để bảo vệ đường sá, an toàn giao thông và đưa giá cước về giá trị thực.

* Hiện nay đang có áp lực với cơ quan quản lý nhà nước từ việc hàng hóa lưu thông chậm và cước vận tải tăng khi KSTTX. Ông đánh giá thế nào?

- Nếu kiểm soát xe quá tải triệt để thì thời gian đầu, hàng sẽ tồn lại ở cảng do tốc độ giải tỏa hàng chậm đi khi chở đúng tải mà chưa bổ sung được lượng xe trên địa bàn. Trước đây một xe chở bằng ba xe, nay phải tăng thêm xe mới chở kịp.

Theo pháp lệnh giá và nghị định hướng dẫn thì cước vận tải không nằm trong hệ thống giá Nhà nước quy định. DN vận tải tự kê khai giá cước và gửi thông báo đến ngành tài chính để thực hiện. Nhưng hiện nay trừ những DN lớn trực tiếp làm việc được với chủ hàng, phần lớn DN vận tải tìm nguồn hàng qua môi giới. Môi giới nhận giá 10.000 đồng/tấn nhưng thuê lại chủ xe chở còn 8.000 đồng/tấn nên phải chở quá tải. Vì không chủ động được nguồn hàng nên phần lớn xe tải chạy rỗng một chiều. Thời điểm này rất nhiều xe chở dưa hấu từ Nam ra Bắc nhưng lúc trở về gần như 100% chạy xe không có hàng. Nếu kết hợp được với các đại lý, trung tâm phân phối hàng ở Hà Nội thì sẽ có hàng hai chiều giúp giá cước giảm đi khi họ giảm được chi phí chiều rỗng.

Vừa rồi có những chủ xe lợi dụng việc KSTTX để tăng cước thì cần chấn chỉnh. VATA đã có ý kiến với các hiệp hội địa phương khuyến cáo DN chủ động xây dựng giá cước hợp lý, nhắc nhở lái xe chở đúng tải vì hiện nay có quy định người xếp hàng cũng phải chịu trách nhiệm lên xe nếu xếp quá tải. Chở đúng tải, chi phí bôi trơn sẽ giảm dần thì cước cũng giảm đi.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

TUẤN PHÙNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp