Mùa lễ hội năm 2018, chùa Hương nhận được 112 tỉ tiền công đức từ du khách thập phương - Ảnh: NAM TRẦN
Thông tin được ông Nguyễn Văn Hoạt - chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Hà Nội - cho biết tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội chiều 22-1.
Hạn chế tối đa sự tác động của con người?
Về dự án mà doanh nghiệp Xuân Trường xây dựng để đầu tư vào khu di tích, danh thắng chùa Hương gây xôn xao dư luận thời gian qua, ông Hoạt cho biết huyện Mỹ Đức đã trao đổi với tất cả doanh nghiệp có nhu cầu nghiên cứu đầu tư vào vùng phụ cận, chứ không chỉ mình doanh nghiệp Xuân Trường.
Theo ông Hoạt, các dự án này không phải đầu tư vào khu vực lõi của di tích mà chỉ nằm trong vùng phụ cận của khu vực quần thể chùa Hương.
Cụ thể, chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức cho biết theo quy hoạch 4465 của chủ tịch UBND TP Hà Nội thì có tới 6 dự án đang được quy hoạch ở khu vực này.
Một là, dự án cụm đổi mới Hương Sơn với quy mô khoảng 20ha gồm các khu dịch vụ công cộng để phục vụ du lịch.
Hai là khu vực trung tâm festival hoa sen Hương Sơn với quy mô 172ha. Đây là dự án cải tạo cảnh quan để phát triển du lịch tâm linh của Mỹ Đức, với hoa sen là biểu tượng đạo Phật.
Quần thể khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng quy mô khoảng 150ha do Tập đoàn Thái Bình Dương, đã được sự chấp thuận của Thành ủy và UBND TP Hà Nội, đang hoàn thiện quy hoạch 1/500 để triển khai thực hiện.
Tiếp đến là dự án cáp treo Hương Bình quy mô khoảng 13ha, nằm trên khu vực Hương Sơn, nối sang chùa Tiên (Hòa Bình).
Tiếp đến là dự án công viên nghĩa trang của Mỹ Đức, rộng 27,8ha, một cơ quan được sự chấp thuận của UBND TP Hà Nội đang tổ chức triển khai.
Dự án thứ 6 là dự án nạo vét cải tạo suối Long Vân để xây dựng bến đò, bến xe, quy mô 12ha. Dự án đang chờ ý kiến chấp thuận của Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch.
"Quan điểm của huyện là thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhằm phát huy giá trị thiên nhiên và văn hóa lịch sử của khu di tích thắng cảnh chùa Hương, thực hiện đúng Luật di sản văn hóa cũng như hạn chế tối đa sự tác động của con người vào cảnh quan thiên nhiên vốn có ở đây, đặc biệt là vùng lõi với 21 chùa, động là khu vực bất khả xâm phạm", chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức khẳng định.
Tuy nhiên, với những gì mà doanh nghiệp Xuân Trường đã "vẽ" ra, một dự án lên tới 15.000 tỉ, thì phát biểu "hạn chế tối đa sự tác động của con người" của ông chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức thật khó thuyết phục người dân.
Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Hoạt cho biết vùng phụ cận của chùa Hương đang có tới 6 dự án lớn chứ không chỉ có dự án của doanh nghiệp Xuân Trường đề xuất - Ảnh: THIÊN ĐIỂU
112 tỉ tiền công đức trong một mùa lễ hội
Ông Hoạt cũng thông tin về việc tổ chức lễ hội chùa Hương. Ông vui mừng cho biết ngay trong mùa lễ hội năm 2019 thì con đường Hương Sơn - Tân Sơn do thành phố Hà Nội đầu tư sẽ hoàn thành và đưa vào phục vụ du khách đến chùa Hương.
Ngoài ra, hai dự rất lớn sẽ sớm được triển khai là tuyến Miếu Môn - Hương Sơn nằm trên địa bàn Mỹ Đức và tuyến thứ hai là tuyến đường nằm trên trục phát triển phía nam của tỉnh Hà Tây cũ, gần kề tuyến Mỹ Đình - Hương Sơn - Bái Đính.
Ngoài ra, ông Hoạt cho biết nhiều đổi mới trong tổ chức lễ hội chùa Hương cũng sẽ được thực hiện để đảm bảo lễ hội ngày càng văn minh, trật tự.
Ông Hoạt cũng tiết lộ về số tiền công đức của mùa lễ hội trước. Theo đó, mùa lễ hội năm 2018, di tích danh thắng chùa Hương (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) đã nhận được 112 tỉ tiền công đức từ 1.440.000 du khách viếng thăm.
Ông Hoạt cho biết thêm, số tiền công đức này được sử dụng cho mục đích tôn tạo di tích, chính quyền địa phương không liên quan.
"Theo pháp luật hiện hành thì không có điều luật nào quy định cho Nhà nước tham gia quản lý tiền công đức", chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận