Mẹ em H.HT. (Hà Nội) cho biết trong năm em học bán trú ở trường, còn mùa hè thì học bán trú nhà cô giáo - Ảnh: Tuấn Linh |
Lịch kín từ sáng đến tối với chính khóa và học thêm là mẫu số chung của rất nhiều học sinh ở TP.HCM.
Gần mãn hạn rồi
P.T.N., học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Khuyến (quận Tân Bình), nói đùa mà nghe chua xót: "Còn một năm nữa em được... mãn hạn”.
N. nói những năm cấp III lúc nào cũng chỉ biết đến học hành, sách vở, không hề có bất cứ thời gian nào để giải trí. Để đạt được mục tiêu vào Đại học Y dược, bạn phải gánh một lịch học dày đặc và áp lực thi cử căng thẳng. Thời gian học ở trường, cả chính khóa lẫn học thêm, đã kín ngày và tối.
Mỗi tuần N. được nghỉ một buổi chiều chủ nhật. Sau mỗi ngày đi học về, tắm rửa, ăn tối với bữa ăn muộn xong, dù đã mệt rã rời nhưng em vẫn tiếp tục ngồi vào bàn để giải quyết các bài tập. Lúc đó thường đã hơn 9g tối.
Nhà N. ở tận Bình Dương, một tháng N. chỉ về nhà được một lần vào chiều chủ nhật rồi lại vội vã quay về trường. Thậm chí có khi vài ba tháng mới về. Mỗi lần như thế cũng chỉ ở nhà có 3-4 tiếng.
“Kỳ thi sắp tới là bước ngoặt trong cuộc đời. Ban đêm em cũng chỉ ngồi học một lát rồi đi ngủ chứ không dám thức khuya vì mai còn phải dậy sớm đi học. Học nhiều quá, lúc nào đầu em cũng thấy căng lên. Thời gian tự học ít, mà lúc đó cũng mệt rồi nên em chỉ cố để làm bài tập được giao thôi chứ không kịp xem lại những gì đã học trên lớp. Mệt thì phải cố gắng thôi chứ các bạn cũng đi học thế cả. Ai cũng nói vào được đại học rồi thì học nhẹ hơn nên em đành cố gắng” - N. chia sẻ.
Mang thức ăn nhanh đến trung tâm ngoại ngữ cho cháu
Trường hợp T.L.G., học sinh Trường THPT Phú Nhuận (quận Phú Nhuận), thì ngoài thời gian học ở trường gần như cả ngày, buổi tối em phải học thêm ở trung tâm, nhà thầy cô hoặc gia sư.
Mỗi tuần G. học thêm hai buổi tối môn toán ở nhà thầy, ba buổi tối còn lại có gia sư dạy toán, lý, hóa. Chiều thứ 2, thứ 6 và thứ 7 được nghỉ ở trường thì học thêm hóa và Anh văn. Sáng chủ nhật G. học thêm toán của một cô khác.
G. kết thúc một tuần của mình bằng hai buổi tối thứ 7 và chủ nhật ở trung tâm ngoại ngữ thay vì được nghỉ ngơi. Thời khóa biểu của G. đến nay không còn chỗ trống.
Để con phát triển toàn diện, gia đình em T. (quận 1), học sinh lớp 8 Trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3), phối hợp cả học giáo khoa lẫn rèn luyện thể thao. T. học bán trú ở trường cả ngày. Khoảng 5g tan học, bà của T. chỉ kịp mang cho cháu hộp thức ăn nhanh rồi chở cháu tới một trung tâm ngoại ngữ chỉ cách đấy khoảng 500m vào các ngày thứ 3, 5, 7 rồi lại đến đón cháu về.
Do T. học kém môn toán, bà T. phải chở cháu đến học tại một lớp ở quận Tân Bình vào các ngày chẵn trong tuần. Tất cả các buổi tối, sau khi từ lớp học thêm về là khoảng 20g30, gia sư lại đến để kèm T. làm bài tập về nhà đến tận 10g30 tối. Tuy vậy hầu như thời gian không đủ để T. làm bài tập trên lớp lẫn bài tập học thêm.
Nếu mệt quá thì T. đi ngủ rồi sáng dậy thật sớm tranh thủ làm nốt bài tập. Đó là chưa kể đến mùa thi. Cuối tuần T. tranh thủ đến lớp học võ rồi lại cuống cuồng về làm bài tập. Trò giải trí có thể nhất đối với T. là vài ván game trên máy tính.
Luôn luôn không có mùa hè H.H.T. (ngụ quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) vừa thi xong hết cấp 1, khi chưa biết mình được bao nhiêu điểm, vào trường nào thì tuần trước tuần sau là em đi học thêm để chuẩn bị lên lớp 6. Các lớp học thêm trong mùa hè mở đủ tất cả các môn và thậm chí có cả bán trú tại nhà cô giáo. Theo mẹ của T.: “Hồi cháu còn học cấp I, tổng kết năm học khoảng giữa tháng 5 thì đầu tháng 6 là bắt đầu khóa học hè mới. Lớp dạy đủ cả tiếng Việt, toán và tiếng Anh. Một lớp khoảng 30 cháu, không vào học sớm thì không ngồi bàn phía trên được. Ngồi cuối lớp cháu lại mải chơi không tập trung nghe giảng. Thế là chẳng có mùa hè. Chưa kể trong năm học, sáng đến lớp chiều tối ở nhà cô”. Mẹ T. không yên tâm vì cả lớp đều đi học thêm mà con mình không đi học. Vậy nên hằng ngày vợ chồng chị thay nhau chở con đi học. Mỗi lần đi đâu du lịch, cả nhà lại nhấp nhổm không yên vì T. phải xin nghỉ cả học chính lẫn học phụ. Mẹ T. phải nhờ bạn đi học chụp lại bài vở gửi email để T. tiện xem bài khi đi chơi. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận